Nhà vệ sinh 2.000 'viên gạch' Ecobricks từ rác thải nhựa
Với 2 mô hình nổi bật về bảo vệ môi trường, đó là 'Xây dựng công trình nhà vệ sinh gạch sinh thái bằng chai nhựa' và 'Tổ phụ nữ thu gom rác thải' gây 'Quỹ học bổng thân thiện với môi trường', phụ nữ quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp 'Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính nguồn sống của chúng ta' tới cộng đồng.
Công trình từ "gạch sinh thái"
Làm 2.000 "viên gạch" Ecobricks từ rác thải nhựa, hội viên phụ nữ quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng đã thể hiện sức mạnh tập thể và sự kiên trì của mình trong công tác bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về công việc "kỳ lạ" này, chị Trần Khánh Linh, Chủ tịch Hội LHPN quận Hồng Bàng, cho biết, để làm nên các viên gạch sinh thái, hội viên phải thu gom các chai nhựa, nhét các mảnh giấy, túi nylon vụn và các loại phế thải vô cơ sao cho đủ trọng lượng mỗi "viên" là 200gr rác thải.
Ban đầu, dự án gặp không ít khăn do nhiều hội viên còn chưa tin vào tính khả thi của việc làm này. Nhưng bằng cách "mưa dầm thấm lâu", trên tinh thần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ việc khó khăn đã trở thành động lực các hội viên tham gia. Không chi dừng lại ở đó, chính việc làm của hội viên đã trở thành nguồn cảm ứng cho các thành viên trong gia đình cùng tham gia.
Công trình đầu tiên được xây dựng bằng những viên gạch sinh thái này, đó chính là nhà vệ sinh công cộng tại chợ Hòa Bình, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng. Đây là khu chợ được xếp hạng 3, với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm khoảng 70% lượng hàng hóa trên địa bàn, góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Khu nhà vệ sinh gồm 2 phòng dùng chung cho trên 100 tiểu thương buôn bán tại chợ với diện tích khoảng 30m2 được xây dựng từ năm 1994. Phần lớn các hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng, công năng thiết kế không còn phù hợp, tường ẩm ướt, mái thấm dột, rơi lề, hệ thống bể chứa nước trần nên thường cáu bẩn, là nơi sinh sản loăng quăng và muỗi vằn. Hệ thống bể phốt bị vỡ thường xuyên rò rỉ chất thải trực tiếp ra ngoài hệ thống thoát nước sàn gây nên tình trạng mất vệ sinh, bốc mùi hôi thối và đặc biệt ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước sạch cho chợ, đồng thời chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các tiểu thương và nhân dân cũng như yêu cầu về kiến trúc cảnh quan đô thị.
"Công trình sử dụng phần vật liệu từ 2.000 viên gạch Ecobricks được làm từ chính những rác thải nhựa, nylon sinh hoạt hàng ngày với mục đích lan truyền ý thức bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống tới cộng đồng. Những viên gạch đầu tiên được lát tại nhà vệ sinh là những thành quả ý nghĩa lan tỏa tới cộng đồng với thông điệp "Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính nguồn sống của chúng ta", Chủ tịch Hội LHPN quận Hồng Bàng cho biết.
Quỹ học bổng từ rác
Cùng với mô hình xây dựng nhà vệ sinh từ gạch sinh thái, hội viên, phụ nữ quận Hồng Bàng còn gây ngạc nhiên với mô hình "Tổ phụ nữ thu gom rác thải" gây "Quỹ học bổng thân thiện với môi trường".
Quận Hồng Bàng là quận trung tâm của thành phố, là cửa ngõ giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ. Trên địa bàn tập trung nhiều cơ quan quan trọng của Hải Phòng như cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại lớn, nơi tập trung đông đảo lực lượng tiểu thương kinh doanh buôn bán tại các chợ đầu mối và nhiều tuyến phố trên địa bàn quận là tuyến đường mẫu của thành phố.
Với đặc thù như vậy, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được Đảng, chính quyền địa phương quan tâm với phương châm "Xanh - sạch - đẹp". Trong nhiều năm qua, Hội LHPN các cấp luôn chủ động nghiên cứu bám sát chương trình của quận, lựa chọn hình thức cho phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương.
Năm 2018, Hội LHPN quận Hồng Bàng đã triển khai chương trình "Từ rác thải đến học bổng" nhằm gây "Quỹ học bổng thân thiện với môi trường". Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải tại nhà, thu gom rác thải rắn nộp về nhà các chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ. Mục đích nhằm hạn chế rác thải ra môi trường, sử dụng rác thải tái chế nhằm bảo vệ môi trường sống lành mạnh, tạo nguồn kinh phí gây quỹ.
Ngay từ khi mới phát động, toàn quận đã thu được kinh phí là hơn 36 triệu đồng, tặng 70 xuất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Sau gần 4 năm thực hiện, chương trình đă trở nên thân quen với các cấp Hội phụ nữ trên toàn quận, với hơn 100 "Tổ Phụ nữ thu gom rác thải" ở 9 phường. Chương trình trở thành làn sóng cùng nhau bảo vệ môi trường, đồng thời tạo nguồn kinh phí giúp cho các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường.
Theo chị Khánh Linh, trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ quận sẽ tiếp tục đồng hành cùng hội viên trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của việc ô nhiễm môi trường nước, tác hại của việc sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, túi nylon. Xây dựng biện pháp hữu hiệu để giảm tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân.
Cùng với đó, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân cần có nhận thức và có hành động tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch, dù nhỏ nhưng sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá, góp phần bảo vệ sự sống của con người và mọi sinh vật.
Chị Khánh Linh cũng khẳng định, sẽ duy trì và phát huy có hiệu quả hoạt động của các "Đội xung kích truyền thông thay đổi hành vi" và các mô hình "Tổ phụ nữ thu gom rác thải" gắn với cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon". Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ sử dụng làn đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi nylon và nói không với rác thải nhựa dùng một lần. Tiếp tục thực hiện thu gom rác thải rắn tạo nguồn kinh phí gây "Quỹ học bổng thân thiện với môi trường" tặng quà cho học sinh vượt khó, học giỏi.