Nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội: Có cải thiện, nhưng không đáng kể

Hà Nội là trung tâm phát triển du lịch, đón hàng triệu lượt khách mỗi năm. Song, có thể nhìn thấy một trong những yếu tố phát triển du lịch dường như bị 'lãng quên' đó là công trình phụ mang tên nhà vệ sinh công cộng, khi chưa thực sự đồng bộ về cả số lượng lẫn chất lượng.

Không chỉ có mùi khai nồng nặc, bên ngoài nhà vệ sinh công cộng tại Công viên Thống Nhất cũng rất nhếch nhác với rác thải.

Không chỉ có mùi khai nồng nặc, bên ngoài nhà vệ sinh công cộng tại Công viên Thống Nhất cũng rất nhếch nhác với rác thải.

Chất lượng và số lượng phải đi đôi với nhu cầu

Cách đây 8 năm, UBND Thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương xây thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng nhằm đáp ứng sự phát triển đô thị văn minh, hiện đại, đặc biệt là nhu cầu phát triển du lịch của thành phố. Tuy nhiên cho đến nay, Thành phố Hà Nội hiện chỉ có hơn 400 nhà vệ sinh công cộng được phân chia thành: Nhà xây dựng bằng gạch trước năm 1990, nhà vệ sinh vỏ thép được thành phố đầu tư giai đoạn 2003-2010 và nhà vệ sinh do các nhà doanh nghiệp xã hội hóa đầu tư từ năm 2017.

Sau khi khảo sát chất lượng của nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội và nhận thấy hệ thống nhà vệ sinh tại Hà Nội hiện nay vẫn chưa thực sự đồng bộ về mặt số lượng cũng như chất lượng. Khảo sát quanh các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn không ít bất cập khiến việc vận hành chưa hiệu quả, có dấu hiệu xuống cấp, có mùi khá nặng, hệ thống van xả đã hỏng hóc dẫn đến bị rò rỉ, phần thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ nhiều, các thiết bị bên trong xập xệ, cũ kỹ, xây dựng và phân bố chưa hợp lý.

Việc nhiều nhà vệ sinh công cộng đóng cửa, người dân không thể tìm được địa điểm đi vệ sinh. Dẫn đến tình trạng tùy tiện tiểu bậy, phóng uế vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là gần khu vực nhà vệ sinh bị đóng cửa. Tình trạng này rất đáng báo động và vẫn tiếp tục tái diễn ngay cả khi Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ 25/8/2022, thì hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng có thể bị xử phạt từ 150.000 - 250.000 nghìn đồng. Không những thế, một số nhà vệ sinh công cộng ở ngay gần chỗ tập kết xe chở rác, gây mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị trầm trọng.

Biển nhắc nhở đi vệ sinh đúng nơi quy định tại Công viên Thống Nhất.

Biển nhắc nhở đi vệ sinh đúng nơi quy định tại Công viên Thống Nhất.

Theo anh Phan Đông Long (24 tuổi, Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi thấy khoảng một năm gần đây, nhà vệ sinh ở Công viên Thống Nhất cũng được cải thiện khá nhiều, trước đấy không ổn lắm vì thường nhà vệ sinh đa phần là đóng cửa. Nói chung là nhà vệ sinh công cộng nên chất lượng thì mình không thể kỳ vọng quá cao được, vẫn còn nhiều vấn đề như mùi, thiếu giấy vệ sinh hay nước rửa tay”.

Bên cạnh những vấn đề về cơ sở vật chất, các thiết bị bên trong đã xuống cấp trầm trọng, nhiều nhà vệ sinh cũng đã bị chiếm dụng, trở thành những “nhà kho" bất đắc dĩ.

Nhà vệ sinh công cộng cạnh hồ Đắc Di gần như lúc nào cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài”, có những lúc không có ai trông coi thì cũng không mở để cho người dân sử dụng.

Khi được hỏi về tình trạng nhà vệ sinh khóa chặt bên nữ và chỉ mở bên nam, người trông giữ nhà vệ sinh công cộng (là một người bán hàng gần đó) nói rằng: “Bên nữ bị hỏng, không sử dụng được!”.

Sau nhiều ngày khảo sát, chúng tôi đã chứng kiến buổi sáng không bán nước thì sẽ trông coi ngoài cửa để thu tiền người sử dụng nhà vệ sinh công cộng; buổi chiều tối bán nước thì mang bàn ghế trong nhà vệ sinh ra bày bán, rất mất vệ sinh.

“Cảnh tượng này đã bị nhiều người dân chứng kiến và có phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng cũng chỉ được vài hôm, sau đó lại quay trở lại hiện trạng như cũ”, một người dân thường xuyên tập thể dục ở gần đó cho hay.

Nhà vệ sinh công cộng trên phố hồ Đắc Di đóng cửa và bị người dân chiếm dụng để cất bàn ghế và nhà vệ sinh nữ luôn trong tình trạng bị khóa.

Nhà vệ sinh công cộng trên phố hồ Đắc Di đóng cửa và bị người dân chiếm dụng để cất bàn ghế và nhà vệ sinh nữ luôn trong tình trạng bị khóa.

Một nhà vệ sinh bên cạnh đường Láng cũng trong tình trạng bên đóng bên mở.

Một nhà vệ sinh bên cạnh đường Láng cũng trong tình trạng bên đóng bên mở.

Phát triển du lịch nhờ nhà vệ sinh công cộng sạch

Dù tình trạng nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội hiện nay vẫn là một bài toán nan giải cần nhiều năm để giải quyết và phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hoàn toàn, hệ thống nhà vệ sinh tại một vài khu vực đã được cải thiện hơn trước, đặc biệt là tại một số địa điểm thu hút nhiều khách du lịch như: Phố đi bộ Hồ Gươm, hay Hồ Tây.

Một số nhà vệ sinh tại Hồ Gươm đều có nhân viên trực và dọn dẹp thường xuyên trong ngày bao gồm: Lau chùi, khử mùi, đánh rửa sàn nhà vệ sinh, bổ sung thêm nước rửa tay hoặc giấy. Điều này nhận được nhiều đánh giá tích cực của nhiều du khách về chất lượng phục vụ.

Nhà vệ sinh công cộng tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhà vệ sinh công cộng tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo bác Nguyễn Văn Kiên (51 tuổi, Bắc Ninh) có ghé thăm phố đi bộ cũng bất ngờ với chất lượng nhà vệ sinh tại phố đi bộ: “Dù chỉ là tiện ghé qua khi công tác tại Hà Nội, tôi cũng thật sự bất ngờ khi so với vài năm trước, nhà vệ sinh công cộng giờ đây đã sạch sẽ và sáng sủa hơn rất nhiều, không chỉ tươm tất mà còn đẹp, dù vẫn còn mùi tuy nhiên cũng đỡ ngại khi vào nhà vệ sinh công cộng”.

Nhà vệ sinh công cộng dù là công trình phụ, là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân và khách du lịch, tuy nhiên chất lượng của nó vẫn là một vấn đề đáng được quan tâm, là yếu tố cần thiết trong phát triển du lịch đô thị. Các bên liên quan thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình, người dân cùng có ý thức khi sử dụng, có như vậy mới phát huy hiệu quả của nhà vệ sinh công cộng, góp phần bảo vệ môi trường và tạo hình ảnh đẹp, văn minh đô thị của Thủ đô.

Hiền Lương - Thanh Tâm - Lê Thảo

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nha-ve-sinh-cong-cong-tai-ha-noi-co-cai-thien-nhung-khong-dang-ke-376618.html