Nhà viết kịch Xuân Trình - Người đi trước thời đại

Xuân Trình được coi là nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới, với những tác phẩm phản ánh chân thực và sinh động đời sống xã hội. Thực tế, không ít tác phẩm của ông tạo ra những tranh luận trái chiều ở thời điểm đó, có những vở kịch chưa kịp trình diễn trước công chúng thì phải dừng lại vì tư tưởng của nó khá mới mẻ. Bây giờ, nhìn nhận lại, người ta mới thấy rằng, Xuân Trình đích thực là người dự báo về tương lai.

Một cảnh trong trích đoạn vở kịch “Đợi đến mùa xuân” của Xuân Trình. Ảnh: An Nhiên

Một cảnh trong trích đoạn vở kịch “Đợi đến mùa xuân” của Xuân Trình. Ảnh: An Nhiên

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình sinh năm 1936, tại xã Yên Hùng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và mất năm 1991. Ông từng làm Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu và Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu.

Ấm nóng hơi thở hiện thực

Xuân Trình xuất thân trong một gia đình giàu có, nhưng ông đã từ bỏ cuộc sống “cậu ấm” để dấn thân vào con đường sáng tác kịch bản sân khấu - nghề cao quý nhưng vô cùng vất vả, nhất là sáng tác. Trong khoảng 31 năm, kể từ khi tác phẩm đầu tay “Chuyện những người du kích” được dàn dựng (năm 1960) đến khi ông qua đời (năm 1991), ông đã để lại cho nền sân khấu cách mạng Việt Nam gần 30 kịch bản sân khấu thể hiện nhãn quan chính trị rõ ràng và có giá trị nghệ thuật.

Các tác phẩm của Xuân Trình luôn nóng hổi hơi thở của hiện thực, có tính thời sự cao. Ông sớm tập trung vào vấn đề dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội, đề cao tính chân thật và tính nhân văn, trong đó, có nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận xã hội như: “Chuyện những người du kích”, “Quê hương Việt Nam” phản ánh cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và ngợi ca tinh thần anh dũng của quân và dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) trên tuyến đầu chống Mỹ, thân phận con người trước sự tàn khốc của chiến tranh; “Lập xuân”, “Xóm vắng”, “Bạch đàn liễu” nói về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, những xung đột về quản lý, lãnh đạo công cuộc xây dựng XHCN giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Tác phẩm “Hận thù từ đâu tới” nói về chính sách hòa hợp dân tộc sau Hiệp định Paris 1972. Các vở “Thời tiết ngày mai”, “Mùa hè ở biển” phản ánh cuộc đối đầu giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cổ hủ, lạc hậu với cái mới, cái tiến bộ. “Đợi đến mùa xuân” viết về không khí công cuộc đổi mới. Những năm cuối đời, ông sáng tác vở “Nửa ngày về chiều”, “Nghĩ về mình”, “Tai họa hay rủi ro”... toát lên niềm tin về sự thay đổi tốt lên trong tương lai.

Tiến sĩ văn học, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn đánh giá: “Kịch Xuân Trình tập trung đặt ra và đề xuất cách giải quyết những vấn đề trong quản lý con người, trong tổ chức và quản lý xã hội. Ông không nhấn mạnh vào yêu cầu xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp trong quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất mà luôn nhấn mạnh vào yêu cầu phải đổi mới tư duy, cải tạo tư tưởng và tổ chức xã hội theo mục tiêu đảm bảo quyền dân chủ, quyền được hạnh phúc của nhân dân”.

Người dự báo

Trong cuộc đời sáng tác của mình, Xuân Trình có những tác phẩm đã tạo ra dư luận trái chiều, thậm chí không được công diễn vì phản ánh những xung đột xã hội sâu sắc và quyết liệt. Tư tưởng chủ đạo trong tác phẩm của ông nhiều khi quá mới so với thời cuộc và bị coi là “có vấn đề” khi mà đời sống chính trị - xã hội của đất nước chưa sẵn sàng chấp nhận điều đó. Vở “Bạch đàn liễu” (năm 1973) là một ví dụ. Xuân Trình đặt ra vấn đề dân chủ ở địa phương, đặc biệt ở nông thôn: Muốn có dân chủ thì lãnh đạo phải để dân nói và biết nghe dân, còn dân thì phải biết tự mình đấu tranh với những sai trái của người lãnh đạo.

Vở “Thời tiết ngày mai” (năm 1983) cũng vậy. Xuân Trình đã khẳng định: “Cái tốt mà cổ hủ thì nó cũng làm khổ người khác chẳng kém gì những cái xấu”. Tư tưởng đó được nhân vật Lụa, một cán bộ nữ trẻ, có năng lực dùng để nhận xét một cán bộ cấp trên: “Anh ta là một người tốt, tốt như một kẻ sùng tín. Có bao giờ những con người như thế nhận thức được cái tốt ấy đã trở thành tàn ác?”. “Vào năm 1978, vấn đề đó còn chưa đủ các điều kiện chín muồi trong thực tế nên tư tưởng này của ông đã không được chấp nhận. Phải đợi đến 7 năm sau, với vở hài kịch trữ tình nổi tiếng “Mùa hè ở biển”, tư tưởng này mới được thừa nhận. Đây là thời điểm thực tế cuộc sống đã bộc lộ tất cả những mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là yêu cầu hoàn thiện, phát triển với một bên là những cái tốt, những chuẩn mực đã lỗi thời không còn phù hợp nữa” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết.

Tiến sĩ Trần Đình Ngôn đánh giá: “Hầu hết các vở kịch của Xuân Trình đều toát ra tư tưởng cách mạng tiến công, tiến công vào những thành trì của tư tưởng bảo thủ, cực đoan, giáo điều từng đã cố thủ bằng những lô cốt trong người này, người kia”.

Năm 1986, Xuân Trình viết vở “Đợi đến mùa xuân” và đưa ra quan điểm: “Nếu thầy không ra thầy thì nhất định trò cũng không ra trò. Một người thầy không toàn vẹn vẫn có thể dạy thành công một bài toán, bài lý, nhưng học sinh không thể tiếp nhận bài học đạo đức ở một người thầy như thế”. Không chỉ riêng ngành giáo dục, vấn đề đặt ra trong “Đợi đến mùa xuân” đã được cả xã hội quan tâm. Người ta mới nhìn nhận lại rằng, hình như chúng ta chỉ chú trọng đến việc truyền đạt những bài luân lý cho học sinh mà quên mất rằng chính những người đi truyền đạt phải là tấm gương luân lý và cũng cần phải học, phải rèn luyện thường xuyên về luân lý. Không như thế thì niềm tin của thế hệ tương lai sẽ không còn và những rường mối đạo đức xã hội sẽ có nguy cơ bị lung lay. Tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Nhìn lại cuộc đời sáng tác của Xuân Trình, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng: “Các tác phẩm sân khấu của Xuân Trình có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Qua các nhân vật “xa lạ” mà quen biết của Xuân Trình cho ta thấy những hình tượng nhân vật của ông xây dựng như đang khoác tay chúng ta đi giữa cuộc đời của thời kỳ công nghệ 4.0 ngày hôm nay”.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nha-viet-kich-xuan-trinh-nguoi-di-truoc-thoi-dai/