Nhà xe 'lách', Bến xe Miền Đông mới tiếp tục kiến nghị 'chặn'
Việc di dời tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ Bến xe Miền Đông cũ ra Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà xe.
Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO) vừa kiến nghị UBND TP HCM và Sở Giao thông vận tải (GTVT) về việc tiếp tục di dời các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định từ Bến xe Miền Đông cũ ra Bến xe Miền Đông mới.
Theo đó, từ tháng 9-2023, các tuyến xe đi các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai hoạt động theo hành trình Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 đã di dời từ Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) ra Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức).
Tuy nhiên, một số đơn vị vận tải không muốn di dời nên đã đăng ký mở tuyến mới từ Bến xe Miền Đông cũ về các bến xe tỉnh Bình Dương và đăng ký cho phương tiện này hoạt động trên tuyến từ Bình Dương đi các tỉnh Phú Yên, Bình Định. Cách nối tuyến này, các đơn vị vận tải không thực hiện di dời mà vẫn tổ chức cho phương tiện hoạt động từ Bến xe Miền Đông cũ đi đến các tỉnh Phú Yên, Bình Định với số lượng từ 13 xe/ngày.
Thống kê có khoảng 11 tuyến từ Bến xe Miền Đông cũ đi các bến xe tỉnh Bình Dương với 430 xe xuất bến/tháng.
Theo SAMCO, việc này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị vận tải chấp hành việc di dời và tạo ra tác động tiêu cực đến chủ trương di dời các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ Bến xe Miền Đông ra Bến xe Miền Đông mới theo chỉ đạo của UBND TP.
Do đó, SAMCO cho biết sẽ tiếp tục thực hiện di dời các tuyến vận tải khách liên tỉnh đi Bình Dương từ Bến xe Miền Đông cũ ra Bến xe Miền Đông mới. Thời gian thực hiện từ 1-3-2024.
SAMCO cũng đề nghị Sở GTVT TP HCM phối hợp Sở GTVT tỉnh Bình Suon7g không thực hiện bổ sung mạng lưới tuyến từ Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga về các bến xe thuộc tỉnh Bình Dương để tránh tình trạng nhà xe lách quy định, nối tuyến như trên.