Nhà xuất bản Đồng Nai từ ấy 40 năm

* Thân phận đặc biệt

40 năm là tuổi trung niên của một vòng đời người, nhưng là tuổi “lão thành” của NXB Đồng Nai. Có thể nói là NXB Đồng Nai có thân phận đặc biệt. Đặc biệt vì đây là một đơn vị “doanh nghiệp - sự nghiệp” vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa “ngụp lặn” trong dòng chảy kinh tế thị trường. Xét về sức khỏe kinh doanh, NXB Đồng Nai là một doanh nghiệp nhỏ, bé tí, doanh thu kém xa một cửa hàng mini mà phải nuôi sống mấy chục con người. Xét về chức năng sự nghiệp, NXB Đồng Nai là một “bà đỡ” cho những ấn phẩm không thể thiếu trong đời sống; đây là loại hàng hóa đặc biệt, vì khi chuyển giao tiêu dùng nó không bị hao mòn đi, mà còn làm giàu tri thức cho người trao lẫn người nhận.

Do chức năng đặc biệt ấy mà NXB Đồng Nai sinh tồn và trưởng thành sau các đợt sắp xếp doanh nghiệp (khi thì thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai, khi thì thuộc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai, lúc thì về Sở TT-TT, nay trực thuộc UBND tỉnh). Sau 40 năm, NXB Đồng Nai đã trưởng thành về bộ máy, con người, sản phẩm và quan hệ đối tác.

Tuy nhiên, NXB Đồng Nai còn yếu ớt về doanh thu, chưa được chủ động trong việc tạo ra sản phẩm. Trong khi quy trình và các yếu tố tham gia sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp khác đều nằm trong tay của chủ quản thì các thành tố tham gia tạo ra ấn phẩm nằm ngoài NXB, nói cách khác là lệ thuộc nhiều vào thị trường, in ấn, phát hành và nguồn lực. Vai trò của “bà đỡ” khó lắm thay!

* Khát vọng từ mong manh

Còn nhớ, thời điểm 1980, sự nghiệp xuất bản ở Đồng Nai và ấn phẩm về Đồng Nai thật mong manh. Ở xứ Đồng Nai giàu truyền thống, di sản văn hóa thì nhiều, nhưng ấn phẩm văn hóa thì thưa vắng. Từ thời triều Nguyễn đến trước 30-4-1975, việc trước tác không nhiều, tác phẩm để đời cũng ít. Ngoài Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức được khắc in thế kỷ XIX và bộ Biên Hòa Sử lược của Lương Văn Lựu thập niên 1970, trước và sau đó, không mấy tác phẩm được xuất bản đại chúng, kể cả tác phẩm của các tác giả ở xứ Đồng Nai như: Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Văn Bổn, Trần Bạch Đằng, Tô Văn Của, Hồng Kim Tuyến, Sơn Khanh, Lương Văn Lựu.

Năm 1980, NXB Đồng Nai được khai sinh trong nghèo khó với ước vọng lớn lao. Thời bao cấp cũng có cái hay là sống trong vòng tay mẹ “Nhà nước”, nghèo sữa nhưng giàu sự chăm sóc, không phải lo chạy gạo, tập trung tâm trí và chuyên môn. Đến khi phải trôi theo kinh tế thị trường, NXB Đồng Nai rời bầu sữa bao cấp, tập tễnh bơi, rối bời nhiều bài toán tự lập, nhưng vẫn nuôi dưỡng khát khao cháy bỏng. Trải qua mấy đời giám đốc, khát khao ấy luôn là ngọn lửa ấm, lớp trước truyền lại cho lớp sau thắp sáng. Cứ vậy mà NXB Đồng Nai bước đi từng bước. Nhiều NXB địa phương khác không trụ được, cũng may lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhận ra thân phận cần thiết của NXB Đồng Nai nên tiếp tục bảo bọc; từ năm 2000, có chính sách tài trợ xuất bản tiếp sức cho các ấn phẩm về địa phương.

Các đại biểu tham quan tủ sách trưng bày các đầu sách văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật tiêu biểu của Đồng Nai qua các thời kỳ tại NXB Đồng Nai. Ảnh: Ly Na

Các đại biểu tham quan tủ sách trưng bày các đầu sách văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật tiêu biểu của Đồng Nai qua các thời kỳ tại NXB Đồng Nai. Ảnh: Ly Na

Từ năm 1997, sức khỏe của NXB Đồng Nai đã tạm ổn trong cơ chế tự chủ tự quản, đủ nuôi bộ máy khoảng 20 cán bộ, công nhân viên, biên tập viên. Nếu chỉ ngoan hiền nương theo thời tiết thị trường xuất bản thì NXB Đồng Nai cũng đủ sống yên bình. Nhưng khát vọng phát triển không cho phép bó mình trong “manh chiếu hẹp”. Câu hỏi khát vọng luôn thôi thúc: Làm sao biên tập xuất bản được nhiều sách về xứ Đồng Nai, do người Đồng Nai biên soạn, sáng tác? Thậm chí, còn tham lam mong ước nhiều hơn: Mỗi công trình bê tông cốt thép được xây dựng, tương ứng có một cuốn sách ra đời. Nhưng lúc đó, chỉ dám mơ đến con số 50 đầu sách về địa phương. Thế cũng đã làm rạng rỡ danh phận của một NXB địa phương ở vùng đất văn vật xứ Đồng Nai.

Đến năm 2000, NXB Đồng Nai đã xuất bản được gần 1 ngàn đầu sách. Nay thì con số đã tăng gấp nhiều lần. Trong đó, đáng mừng là gần 200 ấn phẩm có giá trị về địa phương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, giáo dục; một số được giải thưởng và sự đánh giá cao về sách đẹp, sách hay. Ngần ấy đủ để hình thành tủ sách địa phương, đáng tự hào. Đây là kết quả vượt xa khát vọng đã ấp ủ.

Nhiều tác phẩm tiêu biểu viết về vùng đất con người Đồng Nai đã được xuất bản như: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay, Địa chí Đồng Nai ( bộ 5 tập), Những bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Đồng Nai, Huỳnh Văn Nghệ - tác giả tác phẩm (2 tập), Sương gió biên thùy, Lý Văn Sâm, Một thời rừng Sác, Lê Bá Ước, Tuyển tập Lý Văn Sâm, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Lũ chúng tôi, Thuở hồng hoang, Hoàng Văn Bổn, Rừng thẳm sông dài, Tượng gốm Đồng Nai - Gia Định, Người Châu Ro ở Đồng Nai, Dương Tử Giang, Cuộc đời và sự nghiệp của Trương Võ Anh Giang, Mẹ và Tổ quốc, Bản sắc văn hóa dân tộc ở Đồng Nai, hệ thống các sách lịch sử Đảng bộ của các Đảng bộ ở Đồng Nai, bộ sách 4 tập Sáng ngời chất ngọc anh hùng, Về với lịch sử văn hóa Biên Hùng, Lịch sử văn hóa Thành cổ Biên Hòa, các bộ sách ảnh đẹp về Văn miếu Trấn Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đồng Nai; và nhiều ấn phẩm khác của các tác giả cùng các cơ quan, đơn vị ở địa phương. Theo đó, nhiều cuốn sách của NXB Đồng Nai đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng như: Làng Bến Gỗ, Bảo tàng Đồng Nai đoạt giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Người điên kể chuyện người điên, tác giả Hoàng Văn Bổn, giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM, Cánh diều tuổi thơ, tác giả Nguyễn Liên Châu giải C Sách đẹp mùa xuân 1996, Bon sai - niềm yêu thích của tôi, tác giả Trần Đình Thành đoạt giải bạc, giải thưởng Sách đẹp Việt Nam, Vũ trụ, một ánh sao đêm, hồi ký của tác giả Hoàng Văn Bổn, giải thưởng Bộ Quốc phòng, Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay, Nhiều tác giả đoạt giải đồng Sách đẹp 2006, Sinh vật rừng Việt Nam (CD), Sở KH-CN Đồng Nai, đoạt giải đồng sách hay năm 2006, English Study 2.1, CD - Rom, trung tâm vi tính Đồng Nai (2 huy chương vàng tại diễn đàn Công nghệ thông tin Việt Nam và triển lãm Computer World 1999)…

Để đạt được thành quả ấy không chỉ có nỗ lực và tâm sức của NXB Đồng Nai mà còn là tâm nguyện của nhiều người, từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà lý luận phê bình, đội ngũ biên tập viên và cả công chúng bạn đọc. Và đây cũng là một minh chứng vùng đất Đồng Nai không chỉ giàu mạnh về kinh tế, còn giàu đẹp về văn vật, về tiềm năng của nguồn nhân lực - nội lực ở tất cả các lĩnh vực sáng tạo, nghiên cứu, lý luận, biên tập; và của các đối tác tin cậy.

* Mơ ước vươn xa

Xây dựng NXB đã khó, giữ vững và tìm mô hình phát triển bền vững càng khó hơn. Bước vào kinh tế thị trường, khó nhất là việc làm sao đứng vững trong thị trường tôn thờ lợi nhuận. Bên cạnh việc chủ động làm sách tự in và khai thác hiệu quả mảng sách liên kết, việc thiêng liêng nhất của NXB là làm “bà đỡ” cho các ấn phẩm về văn hóa, khoa học ở địa phương, vì địa phương.

Tỉnh Đồng Nai đang có nhiều chính sách động viên sáng tạo, có đủ đội ngũ và năng lực sáng tạo; hằng năm đều có kế hoạch đặt hàng của UBND tỉnh. Ấy là nền móng cho một NXB địa phương phát triển bằng giá trị đặc sắc của địa phương. Vấn đề còn lại là, NXB Đồng Nai cần phải biết cách vươn xa, bay cao bằng đôi cánh của mình.

Để chắp cánh cho ước mơ của NXB Đồng Nai, cần có nhiều yếu tố hỗ trợ. Một là, chính sách, tài trợ xuất bản, hỗ trợ vốn, bảo hộ sản phẩm. Đặc biệt là sự lãnh đạo, quản lý về cán bộ biên tập, xem đây là nguồn lực trong hệ thống chính trị; Hai là, cơ chế về bộ máy đồng bộ giữa các cơ quan xuất bản - in ấn - phát hành gắn với chính sách về văn hóa đọc trong xã hội; Ba là, sự quan tâm cùng trách nhiệm cụ thể của cơ quan chủ quản địa phương và quản lý của bộ chuyên ngành để giúp NXB địa phương cùng ra biển lớn, phát triển và hội nhập.

Nhưng không có sự hỗ trợ nào làm thay đôi cánh tự vươn lên. NXB Đồng Nai phải tự mình khẳng định mình. Thị trường là thử thách nghiệt ngã, cũng là cơ hội vô biên. Tư duy xuất bản phải đổi mới, phải vững mới có tác phẩm tốt, hay, bán được và “dùng được”. Sách thời nay không chỉ bằng giấy, không chỉ đọc bằng mắt, không chỉ quẩn quanh trong nước hoặc trong thư viện. Sách địa phương không phải chỉ cần dùng cho người địa phương và không chỉ in để tặng biếu.

Cho nên, người ta còn kỳ vọng ở sự mới mẻ của NXB Đồng Nai nhiều lắm.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202011/nha-xuat-ban-dong-nai-tu-ay-40-nam-3032400/