Nhà xuất bản, giáo viên cùng xây dựng danh mục sách tham khảo

Nhà xuất bản, giáo viên, người bán và người mua sẽ cùng xây dựng danh mục sách tham khảo, nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chiều 10/9, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã gặp gỡ 20 thầy, cô giáo ở TP.HCM để lấy ý kiến về việc lập danh mục sách tham khảo.

Ông Hoàng cho rằng hiện nay, sách tham khảo phục vụ học sinh, giáo viên rất nhiều. Tuy nhiên, phía cung cấp (các nhà xuất bản) và người sử dụng (giáo viên, học sinh) chưa "gặp nhau".

 Ông Lê Hoàng chủ trì buổi gặp gỡ với các giáo viên, khởi động việc xây dựng danh mục sách tham khảo. Ảnh: BTC.

Ông Lê Hoàng chủ trì buổi gặp gỡ với các giáo viên, khởi động việc xây dựng danh mục sách tham khảo. Ảnh: BTC.

"Nhà xuất bản, đơn vị phát hành cứ bán những đầu sách mà họ nghĩ cần cho học sinh. Các đơn vị này chưa nắm thông tin, nhu cầu cụ thể của giáo viên, học sinh. Nghĩa là lâu nay, phía cung cấp chỉ bán cái họ muốn, chứ chưa thực sự bán cái người mua cần", Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng phân tích.

Ông Hoàng cho biết dự kiến danh mục sách này sẽ được xây dựng qua 4 bước.

Trong tháng 9, các giáo viên sẽ gửi đến Hội Xuất bản Việt Nam những chủ đề cần có sách tham khảo dựa theo chương trình học. Sau đó, hội sẽ gửi danh mục đề xuất của giáo viên đến nhiều nhà xuất bản, công ty sách. Từ đó, các đơn vị xây dựng danh mục sách phù hợp yêu cầu, gửi mẫu về Hội Xuất bản Việt Nam. Hội sẽ chuyển đến cho giáo viên đọc, thẩm định và lựa chọn.

Khi thầy, cô thẩm định và lựa chọn, điều đó đồng nghĩa danh mục sách đã được hình thành. Hội Xuất bản Việt Nam sẽ gửi danh mục chính thức đến các trường, làm cơ sở để tham khảo, chọn mua bổ sung nguồn sách, phục vụ việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô Phan Thị Diễm Chi, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP.HCM), cho rằng việc xây dựng danh mục sách tham khảo nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường rất cần thiết.

"Hiện nay, ở nhiều trường, sách rất nhiều nhưng không đến được học sinh. Thư viện trường có vô vàn sách nhưng giáo viên không biết giới thiệu cho các em đọc gì", cô Chi nói.

Góp ý cho quy trình xây dựng danh mục sách tham khảo, cô Diễm Chi cho hay năm nay, học sinh lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục mới. Giáo viên phải dạy ít nhất một năm mới có thể đề xuất chủ đề cần sách tham khảo.

 TS Trần Nam Dũng đặt vấn đề giá sách phải ở mức hợp lý để đông đảo học sinh có thể tiếp cận. Ảnh: BTC.

TS Trần Nam Dũng đặt vấn đề giá sách phải ở mức hợp lý để đông đảo học sinh có thể tiếp cận. Ảnh: BTC.

Trong khi đó, TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng danh mục sách tham khảo rất cần thiết, giáo viên và các nhà xuất bản phải cập nhật thường xuyên.

Theo ông Dũng, chương trình mới vẫn kế thừa chương trình cũ và thay đổi một số điểm nhất định. Do đó, không nhất thiết phải đợi khi giáo viên dạy xong một, hai năm mới xây dựng chủ đề sách tham khảo.

Ông cho rằng để đưa ra một danh mục hợp lý, điều quan trọng vẫn là kinh nghiệm dạy học nhiều năm của giáo viên.

"Giá sách tham khảo cũng là vấn đề quan trọng. Có nhiều cuốn, tôi rất thích nhưng để trang bị cho cả trường thì giá lại quá cao. Các nhà xuất bản cũng nên lưu ý điều này để sách tham khảo đến được với đông đảo học sinh ở nhiều vùng miền khác nhau", TS Nam Dũng nói.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-xuat-ban-giao-vien-cung-xay-dung-danh-muc-sach-tham-khao-post1129952.html