Nhà xuất bản kiếm tiền thế nào trong văn hóa 'xuất bản hay tàn danh'?

Ước tính đến năm 2022, lượng bài báo khoa học xuất bản đã tăng hơn 50% chỉ sau 6 năm. Điều này dù thúc đẩy tăng trưởng song cũng gây căng thẳng cho lĩnh vực xuất bản học thuật.

 Ảnh: Sciepub.

Ảnh: Sciepub.

Theo Financial Times, một nghiên cứu cho thấy có sự chuyển đổi từ mô hình trả-tiền-để-đọc sang mô hình trả-tiền-để-xuất-bản. Tỷ lệ bài báo khoa học xuất bản không có tường phí (paywall) - tức sẽ được đọc miễn phí - tăng lên khoảng 20% trong thập niên 2010.

Nghiên cứu dễ tiếp cận hơn rõ ràng mang đến nhiều lợi ích. Song thay đổi này cũng kéo theo một số vấn đề.

Bình duyệt kém chất lượng

Mô hình mới mở ra cánh cửa cho hàng nghìn nhà xuất bản (NXB) "săn mồi" bằng bình duyệt khoa học (peer review) giả mạo hoặc không đạt tiêu chuẩn. Biên tập viên tại một số tạp chí uy tín từ chức để phản đối tiêu chuẩn biên tập bị nới lỏng vì phí xử lý bài báo cao hoặc vì áp lực thương mại.

Các NXB đang nỗ lực sàng lọc khối lượng nghiên cứu giả mạo ngày càng gia tăng từ các nhà máy sản xuất báo cáo. Năm ngoái, NXB Mỹ John Wiley đóng cửa 4 tạp chí "bị mua chuộc nghiêm trọng" trực thuộc Hindawi mà họ đã mua với giá 298 triệu đôla vào năm 2021. Tạp chí này rút lại hơn 1.700 bài báo và ngừng sử dụng thương hiệu Hindawi, dự kiến doanh thu sẽ bị ảnh hưởng 35 đến 40 triệu đôla vào năm tài chính 2024.

 Tổng số lượng bài báo khoa học xuất bản tăng mạng qua các năm. Nguồn: Clake & Esposito Scholary Journals Market Trends 2024.

Tổng số lượng bài báo khoa học xuất bản tăng mạng qua các năm. Nguồn: Clake & Esposito Scholary Journals Market Trends 2024.

Phí xử lý cao

Ngoài ra, các NXB luôn phải chịu áp lực về phí xử lý bài báo - có thể lên tới 12.000 đôla một bài - trong trường hợp tác giả muốn tác phẩm của mình được truy cập miễn phí. Việc để mở quyền truy cập cho một bài báo cụ thể trên tạp chí yêu cầu đăng ký "hỗn hợp" là đặc biệt tốn kém.

Quỹ Bill & Melinda Gates chuẩn bị ngừng thanh toán phí xử lý bài báo và thay vào đó, yêu cầu người nhận tài trợ xuất bản bản in trước trên máy chủ (server) công cộng. Năm ngoái Hội đồng Liên minh Châu Âu đã kêu gọi một mô hình xuất bản phi lợi nhuận mới để giải quyết các chi phí không bền vững.

Tuy nhiên, dường như các nhà đầu tư không coi những áp lực này là mối đe dọa với lợi nhuận của ngành. Cổ phiếu của Taylor & Francis - công ty con của công ty triển lãm và xuất bản Informa của Anh - đã giảm hơn 3 điểm trong ba năm khi họ đầu tư vào các công cụ và dịch vụ cho xuất bản truy cập mở. Nhưng các nhà phân tích kỳ vọng mức tăng 2 điểm lên 37% vào cuối thập kỷ này, theo Visible Alpha.

Elsevier, công ty dẫn đầu thị trường về xuất bản khoa học trực thuộc Relx, bao gồm cả phân tích dữ liệu, có tỷ suất lợi nhuận hoạt động ổn định khoảng 38%. Theo Thomas Singlehurst của Citi, phép tính tổng cho thấy rằng công ty này được định giá gấp khoảng 13 lần ebitda (chỉ số tài chính phản ánh lợi nhuận của một doanh nghiệp) ước tính. Mặc dù thấp hơn 1/3 so với tổng công ty, nhưng nó không báo hiệu tình trạng đổ vỡ sắp xảy ra. So sánh sẽ thấy, Bloomsbury, NXB thành công với sách tiểu thuyết và phi hư cấu, chỉ số này là 8.

Các nhà đầu tư có thể yên tâm trước khả năng phục hồi trong quá khứ của Elsevier. Lợi nhuận và doanh thu đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 1995 bất chấp những cảnh báo liên tục về tác động của Internet đối với mô hình kinh doanh của công ty. Do chi phí công nghệ, tiếp thị và quản lý cao, các NXB lớn có lợi thế. Các tổ chức phi lợi nhuận thiếu quy mô không hẳn có thể xuất bản bài báo với chi phí thấp hơn.

Rào cản gia nhập ngành xuất bản học thuật hàng đầu cũng rất đáng kể. Theo nghiên cứu gần đây về thị trường truy cập mở, bất chấp làn sóng những đơn vị mới vào cuộc, các NXB lớn nhất đã tăng thị phần của mình ở phân khúc thị trường uy tín cao.

Xuất bản trên các tạp chí hàng đầu vẫn là vấn đề quan trọng quyết định các khoản trợ cấp học thuật và sự nghiệp. Điều này tạo nên hào phân chắn lớn cho những "ma mới" của ngành.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-xuat-ban-kiem-tien-the-nao-trong-van-hoa-xuat-ban-hay-tan-danh-post1479615.html