Nhà yến ở Long An 'tăng nóng', mừng nhiều hơn lo?
Địa phương cần sớm có những giải pháp hiệu quả để quản lý chặt chẽ, giúp nghề nuôi yến phát triển xứng tầm với tiềm năng, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
LTS: Năm 2017, toàn tỉnh Long An có khoảng 140 nhà yến, đến năm 2024 con số này đã tăng lên trên 1.200 nhà. Việc tăng nóng lượng nhà yến một phần do tỉnh Long An có diện tích đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp chiếm khoảng 75% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, vùng Đồng Tháp Mười được đánh giá là có nguồn thức ăn rất tốt, thổ nhưỡng thuận lợi nên tổng số nhà yến ở khu vực này chiếm nhiều nhất tỉnh.
Dự báo lượng nhà yến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, đòi hỏi các Sở, ngành và địa phương liên quan sớm có những giải pháp hiệu quả để quản lý chặt chẽ, giúp nghề nuôi yến phát triển xứng tầm với tiềm năng, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Loạt bài: Xây dựng vùng nuôi yến ở biên giới: Chuyện được - mất đề cập vấn đề này.
Tăng nóng lượng nhà yến tại khu vực Đồng Tháp Mười đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn dịch bệnh, tác động môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đối với tình trạng xây dựng trái phép. Tuy nhiên so với những ngành nghề khác, ngoài việc mang lại nguồn lợi kinh tế, thêm sinh kế cho người dân vùng biên, ngành nghề nuôi yến được đánh giá ít sự tác động hơn nếu có sự quy hoạch, quản lý chặt chẽ và bài bản.
“Tân Thạnh - yến chọn tổ, người tận tình dọn ổ”
Những năm gần đây chim yến theo dòng di cư đổ về khu vực Đồng Tháp Mười tỉnh Long An rất nhiều. Nghề nuôi yến mang lại cơ hội mới cho người nông dân vùng biên. Cùng với Tân Hưng, Vĩnh Hưng, huyện Tân Thạnh là một trong số ba địa phương của khu vực Đồng Tháp Mười được đánh giá thừa hưởng được “thiên thời” để nuôi yến khi có nhiều luồng chim yến di cư, di thực về đây sinh sống làm tổ.
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu tháng 6/2022 gia đình chị Lê Thị Minh Thi, hộ nông dân xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi yến. Từ một phần kinh tế tích lũy, chị Thi mạnh dạn vay thêm ngân hàng để cải tạo căn nhà quê cấp 4 trên đất thổ cư thành 3 tầng, phần diện tích ở bên dưới còn 2 tầng trên nuôi yến với tổng diện tích 2 sàn nuôi yến trên là 340m2. So với trồng lúa, nghề nuôi yến mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị chỉ sau hơn 12 tháng.
“Ở đây nuôi yến dễ vì không phải chăm nhiều như những vật nuôi khác, đồng thời phù hợp với túi tiền của nhiều bà con. Hiện có quy định luật nên việc xin giấy phép cũng gặp nhiều khó khăn khiến nuôi yến còn hạn chế. Bà con cũng mong muốn nhà nước cho phép điều kiện để bà con phát triển nghề, tăng thêm thu nhập nâng cao đời sống”, chị Thi nói.
Theo ông Dương Hữu Trí, đồng sáng lập Công ty Thương mại dịch vụ Trí Sơn, DN có nhiều kinh nghiệm nuôi yến lấy tổ tại nhiều tỉnh thành như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... thì số lượng yến về ở làm tổ tại Tân Thạnh rất nhanh, hiệu quả nhờ nguồn mồi đa dạng, phong phú, tổ yến cũng to hơn.
Theo ông Trí, nuôi yến là nghề đặc thù, phải có sự nghiên cứu, chọn khu vực nuôi có thổ nhưỡng phù hợp với luồng di cư giúp yến sớm an cư kết tổ nên không phải nơi nào cũng có thể nuôi được. Chính vì vậy khó nhất của nghề nuôi yến là chọn được nơi phù hợp cho chim yến mà vẫn đảm bảo được quy hoạch, quy định của nhà nước.
“Xây dựng nhà nuôi yến hiện chưa có quy hoạch rõ ràng và cũng chưa có cơ quan nào cấp giấy phép xây dựng nhà nuôi yến. Người dân muốn nuôi yến cũng không biết chọn đất nào để xây dựng, trong khi điều kiện tự nhiên phù hợp cho nuôi yến phát triển kinh tế, nếu không chớp lấy cơ hội cũng đáng tiếc”, ông Trí bày tỏ.
Nhà yến tăng nóng, quản lý thế nào?
Huyện Tân Thạnh là địa phương có số lượng nhà yến phát triển nhanh của Long An trong những năm gần đây. Nếu như năm 2020, ở đây chỉ có 18 nhà yến thì đến đầu năm 2024 đã tăng lên 149 nhà. Trong số này có 31 nhà ở được chuyển công năng nhà, vừa ở vừa nuôi yến theo quy định.
Theo ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, trong thời điểm kinh tế khó khăn, công nghiệp, xây dựng chưa thể hồi phục ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho kinh tế địa phương. Nghề nuôi chim yến có triển vọng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc nuôi chim yến hiện nay đang phát triển một cách tự phát, cần quản lý chặt chẽ hơn.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ chủ động rà soát các quy hoạch, trong đó có quy định vùng nuôi chim yến, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của địa phương. Qua đó, vừa tạo thêm sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân vừa tạo nguồn thu đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương chung là Tân Thạnh luôn tạo điều kiện để người dân phát triển nghề yến. Huyện cũng sẽ hình thành một trung tâm nghiên cứu 3ha chuyên ngành nuôi yến.
“Chính quyền địa phương luôn ủng hộ việc phát triển nghề nuôi yến. Tuy nhiên thời gian tới sẽ có sự kiểm soát từ ban đầu về đất đai, xây dựng, quản lý dịch bệnh. Khi quản lý tốt chắc chắn phải tính đến giá trị thặng dư, tính hiệu quả của ngành nghề này”, ông Đông cho biết
Theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, toàn tỉnh đã có trên 1.200 nhà yến. Thời gian qua xuất hiện tình trạng người dân được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, sau đó tự ý cải tạo, cơi nới hoặc thay đổi công năng thành nhà dẫn dụ chim yến. Đây là hành vi vi phạm hành chính về trật tự xây dựng. Thanh tra Sở đã phối hợp với địa phương kiểm tra xử lý nhiều trường hợp không có giấy phép xây dựng, không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt tại huyện Thạnh Hóa, huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường.
Sở đã áp dụng biện pháp khắc phục, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng chủ đầu tư sau khi bị xử phạt tiếp tục xây dựng công trình trên đất không đúng mục đích sử dụng đất. Cùng với đó là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm.
Ông Võ Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, nếu quy hoạch thành một vệt rộng cho xây dựng nhà yến cũng gặp vướng mắc, bởi nhà yến làm cách xa nhau, không liền mạch và chưa biết có phù hợp hay không.
“Quy hoạch xây dựng chấm nhiều vệt không liền mạch sẽ rất khó, trong khi muốn xác định được nguồn yến phải có chuyên gia, xác định được khu đó có yến mới tiến hành quy hoạch. Nếu quy hoạch xong khu đó lại không có yến về sẽ dẫn tới lãnh phí nguồn lực”, ông Linh diễn giải.
Từ thực tế công tác quản lý và sản xuất, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện tối đa để người dân phát triển kinh tế, đảm bảo ngành nghề nuôi được phát triển ổn định, xứng tầm, đóng góp cho phát triển địa phương.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nha-yen-o-long-an-tang-nong-mung-nhieu-hon-lo-post1091893.vov