Nhạc cây

Chàng trai vẫn chưa thôi bài sáo 'Tiếng vọng đêm trăng'. Tối cuối tuần mùa thu mênh mang. Cả con phố như được ngơi nghỉ sau cả tuần căng mình ngột ngạt. Thân đa ta nhẹ nhõm và những tán lá cũng được vui cùng những cơn gió.

Cô gái bước ra với một cuốn sách trên tay. Hằng nói: “Bạn em vừa mua tặng. Em mới đọc được một nửa. Em mang ra đây khoe với anh”. Thành dừng thổi sáo, nhìn vào cuốn “Bản nhạc của mây trời” trên đôi tay thanh tân của cô gái, mỉm cười: “Đọc xong cho anh đọc chung với”. Hằng gật đầu. Chàng trai trao cho cô gái bó hoa nhỏ xinh. Hoa nở trên tay cầm. Ánh mắt cô gái lúng liếng. Tình yêu của bọn trẻ thật đẹp, làm những tán lá của ta cảm động…

Bọn trẻ làm ta nhớ tới những mùa yêu đầu của chính thế hệ ông bà chúng. Ông Được và bà Mùa. Giờ cả hai đã ngoài chín mươi, như trái chín mùa thu. Con người thế là trường thọ, như ta đây đã trường thọ nơi mảnh đất này mấy trăm năm, cội rễ đan bện nỗi đời và thời gian. Nhưng ta chưa bao giờ bạc đầu, năm nào cũng có mùa lá xanh. Ta chứng kiến bao chuyện vật đổi sao rời, cũng tận mắt thấy lòng kiên trung của những người con đã ngã xuống để bảo vệ Thủ đô. Ta nhớ chuyện của nhiều năm về trước, những chàng trai cô gái hừng hực khát vọng cống hiến khi Hà Nội bị chiếm đóng. Ông Được vào bộ đội, theo Trung đoàn 57 về An toàn khu Việt Bắc, bà Mùa cũng theo đoàn văn công về Thái Nguyên. Ta biết họ quen nhau từ thời để chỏm ở khu phố này. Họ thề non hẹn biển dưới thân ta trong đêm trăng sáng vằng vặc. Hai người có mặt trong ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Ngày cả Thủ đô rực rỡ sắc màu, cờ và hoa trong niềm vui khôn xiết. Những tán lá của ta cũng tấu lên khúc nhạc cùng bầy chim vành khuyên lích chích, chim sẻ nhảy nhót, chào mào tinh nghịch. Ta thấp thoáng thấy ông Được, bà Mùa, những nụ cười rất trẻ trong sắc thu tuyệt diệu hân hoan. Ngay hôm sau các đoàn văn công đã biểu diễn ở Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà Đấu Xảo… Ta thấy những ngày thiêng liêng nhất trong đời người về làm chủ thành phố. Rồi ta tưởng rằng ông Được bà Mùa sẽ nên vợ nên chồng, nào ngờ…

Ông Được hăng hái lên đường tiếp tục ra trận, bà Mùa vẫn đi văn công nhưng bặt tin người yêu. Ba năm sau bà nghe tin ông mất. Một năm sau nữa bà đồng ý lấy chồng. Khi bà yên bề gia thất thì năm “sáu mươi”, ông Được trở về với cơ thể không lành lặn. Nơi gia đình, bàn thờ ông Được nghi ngút khói. Nay ông trở về, cả dòng họ mừng vui. Ông Được bà Mùa gặp nhau trong bùi ngùi. Ván đã đóng thuyền rồi. Ông Được được gia đình làm mối cho một cô giáo, nhưng từ chối. Gia đình động viên: “Người ta đã có gia đình rồi, phải để yên cho cô ấy sống. Con là thương binh, có người chịu lấy là may…”. Ông Được có cô giáo là người “nâng khăn sửa túi”. Nỗi nhớ nguôi ngoai, nhưng ký ức đẹp của mùa yêu đầu còn găm trong lòng. Khi con cái lớn, ông Được gặp bà Mùa trong dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, cả hai đã cho nhau một khoảng không gian riêng.

- Chúng ta có duyên mà không có phận - ông Được nói - tôi vẫn giữ chiếc khăn tay của Mùa để nhớ về kỷ niệm… Thôi thì chúng ta cũng có phúc có phần, con cái được ăn học tử tế, thằng Thắng con tôi cũng hợp với cái Yến nhà bà đấy.

Bà Mùa vui mừng hỏi lại:

- Ý ông là tác thành cho chúng nó?

Cả hai đồng ý với chuyện đính ước đó. Ấy thế rồi dòng đời lại đẩy xô, Thắng vào bộ đội, Yến đi học ở Nga. Họ không thể nào hướng về nhau. Sau khi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Thắng tiếp tục cùng đồng đội làm nhiệm vụ bên nước bạn. Anh xuất ngũ năm “tám sáu”, trở về thành phố học ngành xây dựng rồi làm kỹ sư. Lúc đó Yến vẫn chưa học ở nước ngoài về. Một lần anh sang xứ sở nơi chị ở để làm công chuyện, thì Yến lại có việc đi nước khác. Lần sau chị về nước thì Thắng đi miền núi công tác một tháng. Đôi trai gái cứ như sen mùa hạ cúc mùa thu. Thời gian chẳng cho phép ai nghĩ đến người đã được hai bên gia đình đính ước. Nhưng Thắng nhớ Yến, mong đợi điều gì đó ở chị. Rồi Yến trở về nước, mang theo người yêu. Lá thư anh viết chờ dịp gửi cho Yến vẫn còn nóng ấm trong ngăn tủ. Nó sẽ mãi mãi nằm trong đó. Anh chỉ thưa với bố: “Con với Yến không có phận đâu, chúng con ít nói chuyện, cũng đâu có cơ hội gặp nhau. Con sẽ tìm người phù hợp với mình”. Ông Được khẽ thở dài, rồi gật: “Ừ, ta hiểu hoàn cảnh của hai đứa. Thôi, chuyện đó con tự quyết vậy”. Là người cần mẫn, nghiêm khắc nhưng cũng tôn trọng ý kiến con cái, ông Được luôn khiến con cái kính trọng ở đức độ, nhân nghĩa và hết lòng với mọi người. Mấy năm sau Thắng cưới một cô kế toán cùng công ty, có khuôn mặt giống Yến. Ngày mới yêu, đón bạn gái về nhà, bao giờ anh cũng đưa cô ấy đến chỗ bóng đa rồi mới tiến vào con ngõ xanh rêu. Dường như Thắng cảm thấy đứng dưới thân đa ta, chẳng những sẽ được vui vẻ, mà còn muốn nhắc nhở bạn gái về nguồn cội, về nền nếp gia phong. Vợ chồng Thắng sống hạnh phúc. Ông Được gặp bà Mùa khi tham gia Câu lạc bộ khiêu vũ ở bờ hồ, vẫn nhắc: “Chúng ta, rồi cả bọn trẻ, cứ như sao Hôm với sao Mai, bao dự định mà chẳng được thành công”.

* * *

Ông Được tin ở tình yêu của một trong những đứa cháu của mình với một trong những đứa cháu bà Mùa. Bà Mùa cũng vậy. Bà tin bọn trẻ bây giờ thông minh và đủ điều kiện để quyết định vận mệnh và cuộc sống của chúng. Ông Được vô cùng yêu quý Hằng, con của Thắng, đứa cháu nội thông minh kiều diễm của mình vừa vào đại học năm nhất ngành môi trường. Còn Thành là cháu nội bà Mùa, con chị Yến - noi gương bố của Hằng, học kỹ sư xây dựng. Tiếng là đôi bạn trẻ học những ngành nghề chẳng liên quan gì đến nghệ thuật, Thành lại giỏi đàn ca sáo nhị, Hằng là “cây” chơi đàn dương cầm khá. Thầy hiệu trưởng ngôi trường cô học có niềm đam mê âm nhạc, ông đã rất đầu tư thời gian, tâm huyết và cả vật chất cho đoàn thanh niên phát triển văn nghệ, phát huy năng khiếu cá nhân.

Đàn dương cầm không hề rẻ, nhưng khi biết trong số sinh viên của mình có một cô gái sáu tuổi đã biết chơi organ, được học sơ cấp ở Nhạc viện, mười hai tuổi biết chơi dương cầm, ông đầu tư sắm một chiếc bằng tiền trích từ đề tài nghiên cứu cấp bộ của mình. Hằng chính là cô gái đã góp phần làm cho những tiết mục văn nghệ của đoàn thanh niên, những buổi giao lưu văn hóa, kỷ niệm của nhà trường thành công. Ngồi bên đàn dương cầm, cô và đàn hòa làm một, say sưa, phiêu du. Khuôn mặt như nữ thánh của cô gái dường như khiến đàn ngân lên như mê dại. Thật tuyệt. Âm nhạc sinh ra như một liều thuốc bổ cho cuộc sống này. Sự kết hợp của tâm hồn và nhiều cung bậc cảm xúc của con người đã kết nối mọi nền văn hóa và đem đến những giá trị nhân văn.

Chuyện sẽ mãi đẹp và cuộc sống của đôi bạn trẻ sẽ mãi xanh, như lời chúc phúc. Thế nhưng một tai nạn giao thông đã khiến Hằng gẫy một bên chân. Tai nạn còn khiến đầu óc cô bị sang chấn, ảnh hưởng đến cặp mắt diễm tuyệt. Sự trong trẻo của đôi mắt đã bị tráo đổi thành đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi. Trong những ngày điều trị, bó bột bên chân gãy Hằng còn bị sốt, lên cơn co giật, khiến bên chân gẫy bị ảnh hưởng. Chuyện học hành cũng bị dở dang. Cùng một thời điểm, tai họa giáng xuống đầu khiến tâm trạng cô gái bất ổn. Cô không còn tâm trạng chơi dương cầm. Xa tiếng đàn, tiếng nhạc, tâm hồn cô càng trở nên khô khan, buồn nản.

Thành không ngờ mọi chuyện diễn biến xấu đến mức ấy. Nhưng cậu không nản. Dù gia đình cô gái chưa có ý kiến gì, thì cậu đã khẳng định với bố của Hằng: “Cháu sẽ không bỏ rơi Hằng. Chúng cháu không xa nhau đâu”. Ông Được và anh Thắng vui vì điều đó. Thắng nói với Thành: “Cháu làm chú rất an tâm!”.

Lúc bạn gái gặp khó, Thành càng trở nên chững chạc. Cậu ở bên động viên, thổi những bài sáo âm vực khỏe khoắn, vi vút. Chàng trai vẫn thường dẫn cô gái ra ngồi dưới thân đa ta. Cô gái đượm một vẻ buồn còn chàng trai ngời lên sức sống, sự nhẫn nại cùng những ân cần sẻ chia. Ta vui vì điều đó. Nơi con phố nhỏ vùng đất ngoại thành, ta chứng kiến biết bao đôi trai gái nên vợ nên chồng, chứng kiến những mảnh tình đẹp. Chuyện của chàng trai thổi sáo và cô gái chơi dương cầm bên con phố vắng khiến ta có nhiều cảm xúc. Mà lúc cảm xúc lên, những cái lá trên cành đa xôn xao, không muốn ở yên, sẽ tấu nhạc cùng gió, chim chóc và đôi bạn trẻ.

* * *

Một ngày kia Thành đề nghị với Thắng:

- Chú ạ, em Hằng không thể xa tiếng đàn cũng như thiên nhiên, cháu nghĩ em ấy cần phải chơi một nhạc cụ nào đó.

- Nhưng Hằng đã chán âm nhạc - giọng Thắng thảng thốt - Nó chỉ thích dương cầm. Giờ thì dương cầm nó cũng không ưa.

- Không, em ấy từng chơi được

violon. Cháu cũng biết sơ qua. Cháu nghĩ là cuối tuần, cháu và Hằng cần thay đổi không khí, ra ngoại thành, kéo violon. Hôm trước Hằng có nói là muốn đến những nơi yên tĩnh.

Lời đề nghị của chàng trai không phải không có lý. Anh Thắng sắm thêm một cây violon cho con gái. Nhưng cô gái vì sang chấn, ảnh hưởng tâm lý, trở nên trầm cảm cần một liều thuốc nào đó để thay đổi chứ không phải cả ngày ngồi trong nhà đóng cửa và nhìn bốn bức tường.

Thành biết một bờ sông ngợp cỏ, nơi cuối chiều cò vạc về đậu, nơi châu chấu cào cào tanh tách nhảy bình yên. Hai ngày đầu, Hằng rất ít nói. Dù cô thích ra bờ sông, nhưng cũng chỉ lặng thầm nhìn cảnh vật với sự u hoài, Thành hỏi gì cũng chỉ gật, hoặc cười nhẹ.

Ngày thứ ba, sau khi Thành dành nhiều thời gian tập lại violon, chàng trai đã khiến cô gái xúc động với bài “Tình ca du mục”. Nhạc Nga. Âm điệu của đàn như chảy tràn vào tâm hồn cô gái, thấm vào từng thớ não, lỗ chân lông, khiến cô trào ra hai hàng nước mắt.

Trong chiều lộng gió, khung cảnh lãng mạn có phần trầm buồn này khiến chàng trai thổn thức. Cô gái trước mặt anh kia tuy chẳng phải con nhà trâm anh thế phiệt, cũng chẳng phải sinh ra trong cảnh nghèo khó. Cô là cô gái có ước mơ, khát vọng làm đẹp cho đời và có năng khiếu âm nhạc. Cô dự định sẽ vẫn làm công việc liên quan đến ngành mình học, kết hợp dạy âm nhạc ở trung tâm mà cô từng học. Tai nạn đã ngăn cản con đường cô đến với ước mơ. “Mình sẽ không để điều đó xảy ra”, chàng trai tự nhủ.

Sau bản nhạc “Tình ca du mục” được soạn riêng cho violon, trong một khoảnh khắc xúc động không thể kìm nén, cô gái choàng ôm chàng trai. “Em có sai không anh, khi cứ chìm đắm trong tuyệt vọng? Em xấu xí, chân tập tễnh rồi, mặt cũng có sẹo, anh còn yêu em không?”. Thành ôm chặt Hằng hơn, một tay anh vẫn cầm cần cây violon: “Sao em lại hỏi vậy? Chẳng điều gì làm thay đổi tình yêu ấy. Em đừng lo, anh sẽ chăm sóc cho em cả đời. Chúng ta sẽ vẫn có công việc tốt, và vẫn chơi đàn”. Cô gái cảm động.

* * *

Hướng tới kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô năm nay, một cuộc thi năng khiếu âm nhạc dành cho tuổi trẻ, Hằng đã đăng ký tham gia. Cô trở lại trường sau một năm gián đoạn, xin học lại những học phần còn thiếu và tập violon cũng như dương cầm. Ông Được gặp bà Mùa, hai người ở tuổi gần đất xa trời đã xúc động cảm thán bằng những lời lẽ rưng rưng. Trong gian khó bọn trẻ không hề rời xa nhau. Suốt những năm tháng qua, sự dạy dỗ của các ông bà đối với con cháu, đã không chỉ khiến chúng phương trưởng, đức độ, mà còn có nền tảng văn hóa xã hội cơ bản. Ở nơi các gia đình, người này luôn biết sống cho người kia. Với đôi bạn trẻ, cô gái đã trở nên khiếm khuyết bên ngoài mà chàng trai chẳng những không lung lay mà ý chí còn vững vàng hơn. Hai người bạn già rất vui sướng.

Ở Nhà văn hóa khu phố, cạnh gốc đa ta diễn ra đêm văn nghệ. Cô gái chơi dương cầm, sử dụng violon điêu luyện đã khiến những người có mặt lặng người. Ngón đàn quá hay. Gió như nín thở cùng ta. Rồi khi bản nhạc kết thúc, làn gió ập tới, tán đa xao động như tâm hồn người đang mở ra. Những tiết mục văn nghệ của khu phố tổ chức, giao lưu với khu phố khác khiến ta thêm tin rằng, con người vẫn cần âm nhạc lắm. Với Hằng, cô có thêm những lần thử sức trước khi bước vào cuộc thi của thành phố.

Rồi ngày đó đến. Cô gái chơi xuất sắc. Ở vòng thi chung khảo, cô độc tấu bản “Tình ca du mục” và bản Concerto giọng Mi thứ cho đàn violon của nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn. Cô giành giải nhất. Trong đêm thi, gia đình, người thân, gia đình của Thành đều có mặt, cổ vũ, chúc mừng. Cô gái nhìn Thành âu yếm: “Không có anh thì em đã chẳng có thành công này”. Thành nói: “Là nỗ lực của em mà”.

Ngày kỷ niệm rợp cờ hoa, thân đa ta xốn xang vui mừng lạ. Chàng trai cô gái tổ chức thêm “mini show” kết hợp cùng đoàn thanh niên phường. Khán giả đến đông. Cả khu phố vốn đôn đáo mưu sinh nay sống trong không khí du dương, êm đềm. Ta cũng góp bằng khúc nhạc của tán cây, chim trời. Một khúc nhạc của cây lá. Ta cổ thụ, vậy mà lúc này phơi phới trẻ thêm ra cùng với con người... Dưới từng mái nhà trên con phố nhỏ, vẫn còn những câu chuyện lay động đến cỏ cây. n.v.h

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/truyen-ngan-nhac-cay-544274.html