Nhạc chế của Lê Dương Bảo Lâm bị VTV nhận xét 'vô nghĩa', phản ứng của Gen Z thế nào?
'Gây bão' khắp các nền tảng mạng xã hội và xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế nhưng nhạc chế của Lê Dương Bảo Lâm cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về ca từ cũng như nội dung bài hát.
Gần đây, đoạn nhạc chế từng được nghệ sĩ hài Lê Dương Bảo Lâm ngẫu hứng thể hiện trong chương trình Sàn đấu ca từ năm 2019 bỗng trở nên viral. Khán giả dễ dàng bắt gặp những ca từ “Má Xê-kô thì nghèo, má Chaien thì giàu, còn Nobita hay ăn hiếp bạn bè” trên các trang mạng xã hội hay thậm chí là trên sóng truyền hình khi nam diễn viên thể hiện nó trong một số chương trình.
Trong một bản tin của VTV24 mới đây có đề cập đến bản nhạc chế trên của Lê Dương Bảo Lâm. Theo đó, VTV24 nhận xét phần lời chế của Lê Dương Bảo Lâm không chỉ vô nghĩa mà còn phá nát câu chuyện gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu người. Đoạn nhạc chế hoàn toàn sai lệch so với nội dung của bộ truyện đến từ Nhật Bản.
Tưởng chừng chỉ là sản phẩm giải trí, đem lại tiếng cười cho khán giả tuy nhiên ca khúc này cũng nhận lại nhiều ý kiến trái chiều.
Nhạc chế: Để nghe vui là chính!
Lý giải cho việc bản nhạc có từ năm 2019 lại trở nên viral thời gian gần đây, Thanh Trúc (Đại học KHXH&VN, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Vì nó rất vui! Mặc dù nội dung hơi “xàm xí” nhưng chính sự “xàm” đó lại khiến nó có tính giải trí, gây cười.”
Việt Hoài (Đại học Ngoại thương TP.HCM) đã nghe ca khúc này đôi lần để giải trí sau những giờ học căng thẳng. Cô bạn bộc bạch: “Chất giọng Lê Dương Bảo Lâm rất hài cùng với ca từ nhí nhố khiến mình cảm thấy vui và thư giãn. Đối với mình thì chỉ đơn giản là nghe cho vui chứ không quan tâm quá nhiều đến nội dung. Giải trí là để bớt căng thẳng, không nên xét nét quá nhiều."
Quả thực qua bài nhạc này, Lê Dương Bảo Lâm đã làm rất tốt vai trò của một nghệ sĩ hài. Chỉ là phút giây ngẫu hứng nhưng anh vẫn có thể cho ra sản phẩm rất giải trí, hài hước giúp khán giả giải tỏa căng thẳng. Chất giọng và biểu cảm hài hước đặc trưng là yếu tố khiến mỗi câu nam diễn viên nói đều gây sự chú ý.
Vui quá hóa "ô dề"
Khi thấy cậu em nhỏ tuổi của mình cũng nghêu ngao hát mỗi ngày, Yến Nhi (Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) lo lắng: “Nhạc chế hiện nay không nên “chế” quá nhiều từ nội dung đến ngôn từ như vậy bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cách các em dùng từ ngữ cũng như tư duy, nhận thức. Thử tưởng tượng một em bé lên lớp hát trêu bạn “Nếu A bằng lòng lấy B làm chồng thì một năm sau con hai đứa chào đời” thì đối với mình, đứa trẻ đó không còn đáng yêu!"
"Thông điệp sai lệch khi những vấn đề giàu nghèo, yêu đương... giờ đây lại được nổi bật lên và gắn liền với bộ truyện. Theo mình, những điều này sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của người tiếp nhận. Nếu chúng ta dễ dãi chấp nhận thì sẽ trở thành sự cổ vũ cho những sự biến tấu tiêu cực hơn nữa trong tương lai.” - Hà Trang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ nỗi băn khoăn.
“Những nội dung ở cuối bài như “Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng thì một năm sau Nobito chào đời” không phải là vấn đề khiến trẻ em cần tránh xa bài nhạc này. LGBTQ+ nên là một vấn đề được nhìn nhận một cách khách quan, cởi mở. Bên cạnh đó ca khúc này được phổ biến nhiều nhất trên TikTok, vốn không phải mạng xã hội dành cho thiếu nhi thì việc để các em tiếp cận và chịu ảnh hưởng từ đây cũng một phần thuộc trách nhiệm của người lớn.” - Hùng Cường (ĐH Kiến Trúc Hà Nội) chia sẻ thêm ở một góc nhìn khác.
Trước đó, trong một cuộc trao đổi với Zing News, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ, nhiều ca khúc nhạc chế hiện giờ có nội dung độc hại, ca từ vớ vẩn, nhảm nhí, không có giá trị giải trí lành mạnh. Chúng vô nghĩa và không có cảm xúc. Với khán giả trẻ, nhất là thiếu nhi, những ca khúc nhạc chế chắc chắn có ảnh hưởng xấu. Nhạc sĩ khẳng định các ca khúc không mang lại giá trị gì cho thiếu nhi, ngoài việc ảnh hưởng xấu đến đầu óc và suy nghĩ.