Nhạc để cổ động cũng theo trend

'Đánh giặc Corona/ Đoàn kết toàn dân ta/ Đánh giặc Corona/ Từ trẻ đến người già/ Đánh giặc Corona/ Ngành y là xung kích/ Thề quyết thắng đại dịch/ Hòa chung một bài ca/ Đánh giặc Corona/ Vì hạnh phúc chúng ta…'. Bài hát Đánh giặc Corona hiện đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng giữa tình hình dịch bệnh khá căng thẳng.

Ngay sau khi ca khúc được tung lên mạng xã hội, trên nhiều diễn đàn lẫn trang Facebook cá nhân đã có nhiều lượt chia sẻ, tán dương xôm tụ. Mới nghe qua, giai điệu sôi động, ca từ đơn giản nên được một bộ phận người nghe cho là thiết thực, như để nhắc nhở mọi người cùng có ý thức phòng tránh virus Corona. Trên YouTube, bài hát đã có gần 89.000 lượt xem trong khoảng 1 tuần.

Nhưng, bên cạnh đó, không ít người đã thắc mắc, ai là tác giả của bài hát và bài hát ra đời như thế nào? Có người nói thẳng: “Sáng sớm tôi mới được bạn gửi cho nghe. Xám hồn luôn trời ạ! Nghe xong mà muốn sang chấn tâm lý luôn đó. Y như nhạc cổ động dành cho con nít. Nghĩ sao viết vậy, nhạc gì mà hồn nhiên quá sức!”.

Có người nhiệt tình chia sẻ bài hát cùng bạn bè với nỗi niềm: “Được nghe bài hát 2 ngày nay, đến hôm nay hết chịu nổi nên đưa lên Facebook cho mọi người cùng… chịu đựng. Thiệt tôi phục người hát. Giọng ca vui tươi, sôi động cứ y như đang ăn mừng, chào đón Corona đến với Việt Nam nhiều hơn là tuyên truyền phòng chống”.

Một vài ý kiến cho rằng, đây là loại hình dạng nhạc cổ động phong trào, chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn nhất định nào đó, nên không cần thiết phải có giá trị nghệ thuật cao; do đó mọi người đừng quá khắt khe, xét nét.

Không thể phủ nhận, dạng nhạc này có nét riêng, vui tươi nên khán giả dễ nghe, dễ hiểu và dễ thuộc. Thế nhưng, ở một khía cạnh nào đó, bài hát “ám ảnh” người nghe là có thật. Mặc dù lời bài hát không có ca từ thô tục, không có từ lóng như nhiều bài nhạc chế khác, nhưng đòi hỏi lan tỏa tinh thần chống dịch e hơi… khó. Ca từ cũ, giai điệu cũng cũ nốt, nội dung đơn điệu, truyền tải ít, cổ động không ăn thua và không thấm vào đâu. Mà không chỉ có bài hát Đánh giặc Corona, để kịp “bắt trend”, một số bài khác cũng kịp xuất hiện, như Nhạc chế Cô rô na khẩu trang giá cắt cổ của L.H. có gần 350.000 lượt nghe; riêng Corona của C.C (gần 75.000 lượt xem) sử dụng nhiều từ lóng nhạy cảm mà chúng tôi không tiện nêu…

Vấn đề không phải là sáng tác, hát và nghe nhạc theo kiểu cổ động như thế nào, bởi đó là quyền tự do cá nhân riêng tư của mỗi người, mà bài hát đó mang lại ý nghĩa và có lan tỏa điều gì tích cực hay không? Cái khó của loại nhạc này là làm sao khai thác được yếu tố thời sự và chọn được ngôn ngữ trình bày thật hóm hỉnh.

Lâu nay, dạng nhạc cổ động khiến một số người dân sợ nghe, nhất là ở vùng nông thôn, khi hệ thống loa phát thanh làng xã còn phát huy hết công sức. Bởi vậy, sáng tác nhạc có yếu tố cổ động không phải là cứ nhạc xình xịch, câu từ hô hào các loại là thấm vô đầu óc người nghe.

CA DAO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhac-de-co-dong-cung-theo-trend-646184.html