Nhắc lại vụ 39 người chết trong container, đại biểu đề nghị luật phải giảm thiểu lao động chui
Sáng 10-6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, luật cần phải đánh giá được mình đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng thì còn vướng mắc, tồn tại nào? Các địa phương đưa lao động đi như thế thì đạt yêu cầu ra sao? Đến thời điểm này, quy định về việc đưa lao động đi thực tập, nâng cao tay nghề trong dự thảo Luật còn đơn giản, cần phải thêm liều lượng.
"Như vụ việc đau lòng 39 người chết trong container, rồi lao động trốn ở lại bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Tại sao mình có luật nhưng việc trốn chạy, đi ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp vẫn rất nhiều, hơn số người đi theo con đường hợp pháp là thực hiện như luật này?", ĐBQH Thái Trường Giang băn khoăn.
Ông cho rằng, dự luật này còn nhiều vấn đề mà nếu áp dụng vào thì như những rào cản, khiến người ta thấy nên đi chui, vì đi chui đơn giản hơn rất nhiều. "Tôi thấy sửa lần này chưa khắc phục, nhiều cái tưởng là chi tiết để quản lý nhưng rất khó thực hiện", đại biểu nói.
Ông lấy ví dụ về Điều 55, có lãnh sự, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quản lý rồi nhưng Điều 55 lại buộc người lao động khi nhập cảnh theo hợp đồng phải khai báo trực tuyến, bao gồm đơn nhập, hợp đồng lao động, hồ sơ... "Chuyện này không thể thực hiện được, phải xem trình độ ngoại ngữ của người lao động như thế nào, công nghệ thông tin như thế nào... Nhiều người đi đứng, liên hệ còn chưa xong nữa là. Khai báo trực tuyến là tốt nhưng nếu anh đưa ra điều kiện người ta không thể thực hiện được thì bất hợp lý", ĐBQH tỉnh Cà Mau nêu quan điểm.
Cũng đề cập đến sự việc 39 người Việt Nam tử vong trong container, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng đây là bài học trong việc quản lý người lao động đi nước ngoài làm việc, thậm chí có thực trạng người lao động phải hối lộ để được đi làm việc ở nước ngoài. “Ở Đồng Tháp chúng tôi không tuyệt nhiên không có, nhưng qua phản ánh thì các địa phương khác có chuyện này”, ông nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vụ 39 người chết là vượt biên trái phép, do đó không chịu sự điều chỉnh của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập tình trạng nhiều người bị lừa đưa đi xuất khẩu lao động, làm những công việc vất vả, nặng nhọc, đề nghị cần phải xử lý những hành vi lợi dụng làm trái, vi phạm pháp luật. Như đưa người xuất cảnh khi chưa được cho phép, môi giới lừa gạt trái pháp luật, cưỡng bức lao động, hay đi rồi trốn ở lại...
Nêu thực tế ở địa phương, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cho biết, nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn tổ chức đường dây đưa người lao động ra nước ngoài bất hợp pháp. Tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp nhưng khi hết hạn hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Gần đây nhất, nhiều địa phương tại
Nêu thực tế tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nhiều lao động đi Hàn Quốc làm việc bỏ trốn ở lại đã làm mất cơ hội việc làm của nhiều người khác, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định tạo hành lang pháp lý nghiêm minh hơn, đúng quy trình để hạn chế tiêu cực.
“Những doanh nghiệp ở nước ngoài khi làm hợp đồng thì tốt cả, nhưng sang đó có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, từ đó trách nhiệm của doanh nghiệp với cá nhân người lao động không được thực hiện. Nếu doanh nghiệp không cam kết thì người lao động sẽ tự ý bỏ đi làm việc bất hợp pháp. Do đó, cần phải có một khoản tiền quy định, nếu không thực hiện đúng sẽ phải chịu phạt”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị, khi sửa đổi luật phải giải quyết được những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn. Đặc biệt là làm rõ quy trình, trình tự trong quản lý nhà nước cho hoạt động này tốt hơn; làm sao để giúp các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đưa người đi lao động nước ngoài hiệu quả hơn, giúp thị trường lao động tốt hơn...