Nhạc sĩ Chu Minh: Người thầy lớn, nhân cách lớn

Nhắc đến ông, không thể có cách xưng tụng nào chính xác hơn. Là nhạc sĩ lớn vì ông là tác giả của ít nhất 2 ca khúc bất hủ, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc, mẫu mực, có sức lay động mãnh liệt tình cảm của công chúng. Đó là 'Người là niềm tin tất thắng' và 'Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!'.

Là người thầy lớn vì ông từng đào tạo nên nhiều nhạc sĩ tài năng, thành danh. Và ông là một tấm gương về nhân cách, đức độ, lại luôn dành tình cảm đẹp cho học trò khiến họ luôn yêu kính, tâm phục khẩu phục.

Hẳn bạn đọc đã nhận ra người nhạc sĩ tài năng đó là Chu Minh - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - nguyên Chủ nhiệm Khoa Sáng tác, lý luận, chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Những ngày này, có thể nói cả giới âm nhạc Việt Nam và nhiều công chúng hâm mộ đang bùi ngùi thương tiếc người nhạc sĩ họ kính trọng, yêu quý khi biết tin vào rạng sáng ngày 17/10 vừa qua, Chu Minh đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 93 tuổi. Ông ra đi để lại một khoảng trống vô cùng lớn, thật khó bù đắp. Cũng khó có lại một người thầy vừa dạy giỏi lại rất tận tâm với học trò, đào tạo nên nhiều nhạc sĩ tài năng, nổi tiếng.

Nhạc sĩ Chu Minh.

Nhạc sĩ Chu Minh.

Nhớ lại dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1969 - một ngày “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” khi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - từ trần. Khi đó, một không khí đau thương trùm lên khắp mọi miền quê hương, đất nước. Người ta đã khóc Bác như khóc người ruột thịt của mình qua đời. Sau đó không lâu, tôi nghe được một bài hát ở trên Đài Tiếng nói Việt Nam có nhan đề “Người là niềm tin tất thắng” vô cùng xúc động với những ca từ giản dị mà sâu sắc: “Đất nước nghiêng mình/ Đời đời tiếc thương/ Tên Người sống mãi/ Với non sông Việt Nam…”. Bài hát chậm rãi, dàn trải, sâu lắng rất phù hợp với việc diễn tả tình cảm của gần 50 triệu người Việt Nam lúc đó: đau buồn, tiếc thương. Nhưng điều đặc biệt rất đáng quý ở bài hát này là tuy có giai điệu đượm buồn nhưng không bi lụy, tang thương, gây cảm giác não nề, thê lương cho người nghe mà vẫn rất khỏe khoắn, rắn rỏi, lạc quan, xốc người ta dậy chứ không ngập tràn trong nước mắt. Điều này được thể hiện rất rõ ở đoạn sau, gần về cuối bài: “Vì độc lập tự do đường lên phía trước, rực màu cờ sao. Hồ Chí Minh! Bác Hồ Chí Minh kính yêu! Người là niềm tin tất thắng sáng ngời”. Chính yếu tố này đã khiến bài hát của Chu Minh vượt lên nhiều bài khác về cùng một chủ đề ra đời cùng thời điểm để sống mãi trong lòng công chúng.

Tôi cũng được nghe nhiều bài hát khác cùng viết về sự ra đi vĩnh viễn của Bác lúc đó thì thấy tất cả đều rất bi lụy. Có lẽ chính vì vậy mà cho đến nay, chỉ còn đọng lại bài kể trên của Chu Minh khiến công chúng truyền tụng. Mãi cho đến khi công trình xây lăng Bác được hoàn thành mới xuất hiện một số bài hát hay về sự kiện này như: “Vào Lăng viếng Bác” (Hoàng Hiệp), “Bên Lăng Bác Hồ” (Dân Huyền), “Vầng trăng Ba Đình” (Thuận Yến). Lúc này, đã qua đi cơn sốc đau thương của toàn dân tộc nên giới sáng tác đã tĩnh tâm trở lại để tạo nên những sáng tác kể trên. Những bài này dạt dào cảm xúc tiếc thương Bác nhưng lại trong sáng, lạc quan, thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện lời di chúc của Người.

Khi mà bài “Người là niềm tin tất thắng” vẫn còn vang vọng khắp nơi thì năm 1972, Chu Minh lại tiếp tục cho ra đời một “trái bom tấn” trong lĩnh vực thanh nhạc. Đó là ca khúc “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!” được phổ từ bài thơ “Đầu sóng” của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Ta đứng đầu ngọn sóng/ Những luồng mạch tâm tư lay động loài người/ Thác lũ cuộc đời/ Thuyền ta bé nhỏ nhưng vững tay chèo/ Không chòng chành nhằm thẳng hướng mà đi...”. Ta thấy lời thơ đã khái quát được tầm vóc, vị thế của dân tộc Việt Nam trong dòng xoáy cách mạng của toàn thế giới. Chu Minh đã tìm được một giai điệu đầy đặn, hoành tráng, bề thế để chuyển tải nội dung lời thơ rất sâu sắc của Hoàng Trung Thông.

Bài hát có độ dài gần 7 phút, vượt quá mức thông thường của một ca khúc. Nhưng nghe vẫn rất hàm súc, không có cảm giác dài, loãng do ngôn ngữ âm nhạc được chắt lọc và hình tượng âm nhạc đắt, tạo dựng được sự hào hùng, vẻ tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc đã kiên cường chống trả và chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm lớn nhất. Đây là một bài hát có tầm cỡ lớn cả về nghĩa đen (dài về thời gian trình diễn, phối khí rất công phu, phần đệm là cả một dàn nhạc giao hưởng - ít thấy đối với ca khúc) lẫn nghĩa bóng (tư tưởng có tầm khái quát lớn, sâu sắc về đất nước, về sự nghiệp cách mạng của dân tộc).

Một lần tôi nói với nhạc sĩ Chu Minh: “Ta tự hào...” của anh có tầm cỡ ngang với những “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Sông Lô” của Văn Cao, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc. Nhưng riêng sự sâu sắc, ý nghĩa triết lý, sắc nặng về tư tưởng ở bản thân giai điệu, chứ không nói ca từ có phần còn hơn”. Nhạc sĩ bậc thầy nói: “Cậu có quá khen không? Có thể do phần phối khí dày bằng cả dàn giao hưởng đệm mà cậu có cảm giác đó”. “Em thấy đó chỉ là một phần. Sự hài hòa cả hai yếu tố ca từ và âm nhạc cho em cảm giác đó”.

Nhạc sĩ Chu Minh còn nhiều ca khúc khác cũng có đời sống như “Màu xanh ánh mắt quê hương”, “Đường đi trăm nẻo”, “Lời ca mở tuyến”, “Đừng buồn nghe em”... Nhưng khi một nhạc sĩ mà có đến hai bài quá nổi tiếng như Chu Minh thì thường người ta không còn để ý đến những bài khác. Và cũng chỉ cần hai bài, Chu Minh đã là một nhạc sĩ lớn, một người thầy trong âm nhạc đã đào tạo biết bao nhạc sĩ Việt Nam sau này.

Đêm nhạc Chu Minh.

Đêm nhạc Chu Minh.

Nhạc sĩ Chu Minh được đào tạo chính quy, bài bản ở Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc). Về nước, ông giảng dạy ở Trường Âm nhạc Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu. Ông đi đều “hai chân” giảng dạy và sáng tác. Nhiều tác phẩm khí nhạc của ông đã rất thuyết phục người nghe, thành khuôn mẫu cho các học trò nghiên cứu. Ở Nhạc viện Hà Nội, ông là một trong những người thầy sáng tác nhạc không lời xuất sắc nhất với những tác phẩm giá trị: Bản concerto “Tuổi trẻ” viết cho piano và dàn nhạc; tổ khúc giao hưởng “Khăn quàng đỏ”; giao hưởng 1 chương “Ngã 3 Đồng Lộc”; ouverture “Thành phố Hồ Chí Minh”... Đặc biệt là bản giao hưởng mang tính kinh điển có tên “Miền Nam tuyến đầu”. Những tác phẩm khí nhạc của Chu Minh mang tính triết lý, có ngôn ngữ âm nhạc rất hiện đại nhưng cũng đậm màu sắc dân tộc, được đồng nghiệp đánh giá cao, trở thành những tác phẩm mẫu mực, giảng dạy trong các nhạc viện.

Là người trầm lặng, kín đáo, nhạc sĩ Chu Minh ít nói nên phút đầu mới tiếp xúc dễ khiến đối tượng ngần ngại. Nhưng khi đã hợp “gu”, ông lại rất cởi mở, chân thành. Ông có cuộc sống giản dị, từ ăn mặc, sinh hoạt đến lời ăn tiếng nói. Tiếp xúc với ông, tôi lại nhớ đến một câu nói nổi tiếng: “Mọi chân giá trị đích thực luôn giản dị”. Ta càng thấy rõ điều này trong những tác phẩm của ông. Nếu nhìn bản nhạc hai ca khúc nổi tiếng đã nhắc, ta thấy âm hình các nốt rất đơn giản, không có nhiều luyến láy, hoa mỹ rườm rà. Vậy mà khi vang lên thì không thể có giá trị, sự hoàn chỉnh nào hơn. Nghe tác phẩm của ông, ta thực sự được chìm đắm vào một thế giới âm thanh vô cùng phong phú, giàu sức gợi mở, tưởng tượng.

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm với nhạc sĩ Chu Minh khi ông sống ở khu nhà lắp ghép tại Giảng Võ. Có lần ông đã “dàn hòa” cho tôi và nhạc sĩ Tân Huyền trở lại thân thiết như cũ. Số là tôi và người nhạc sĩ quê Hà Tĩnh là bạn vong niên. Tân Huyền lại rất thân thiết và là hàng xóm với nhạc sĩ Chu Minh.

Có lần tôi thật thà góp ý với bậc đàn anh Tân Huyền về câu “Nghệ An Xô-viết vẫn là Nghệ An”: “Anh viết thế tức nói rằng hôm nay Nghệ An có phát triển thế nào chăng nữa thì cũng vẫn chỉ là Nghệ An của cái thời Xô-viết năm 1930-1931 mà thôi. Lẽ ra anh phải viết thế nào để toát lên cái ý: Nghệ An hôm nay và mãi mãi vẫn xứng đáng với truyền thống của Nghệ An thời Xô - viết Nghệ - Tĩnh năm xưa chứ”. Tân Huyền đã tự ái, nói tôi là “Trứng khôn hơn vịt” và giận tôi rất lâu.

Về sau, mối quan hệ được cải thiện lại sau khi nhạc sĩ Chu Minh nói một câu: “San nó vốn dĩ là dân văn chương nên chặt chẽ về lời lẽ. Nó nói cũng có lý. Nó coi ông như thầy, nỡ nào trách giận nó”. Tôi cứ biết ơn nhạc sĩ Chu Minh mãi cái chi tiết này, và càng thấy tấm lòng nhân hậu sâu rộng của một người nhạc sĩ lớn bao la và nhân văn biết bao. Từ đó, cứ mỗi lần tôi đến chơi với ông hay nhạc sĩ Tân Huyền thì chủ nhà lại sang “ới” bạn mình cùng sang thù tạc. Có khi là uống bia. Có khi chỉ trà, thuốc lá.

Khi nhạc sĩ Chu Minh bước vào tuổi 90 - năm 2021- thấy ông vẫn còn khỏe, tôi đã mừng vì các bậc cùng trang lứa với ông trong làng nhạc đã lần lượt ra đi. Vậy mà giờ đây, ông lại “tiếp bước”. Chắc chắn không phải chỉ tôi mà rất nhiều người sẽ cùng ý nghĩ: Khoảng trống trong âm nhạc Việt Nam mà ông để lại thật khó có sự thay thế.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhac-si-chu-minh-nguoi-thay-lon-nhan-cach-lon-i711635/