Nhạc sĩ Đoàn Bổng: 'Nếu tôi buồn thì cũng không ai buồn cùng tôi'
Ít ai biết rằng, nhạc sĩ, nhà thơ Đoàn Bổng - tác giả của những ca khúc lãng mạn, bay bổng như: 'Dòng sông quê anh, dòng sông quê em', 'Về Hà Tây đi em'… lại có cuộc sống riêng tư đầy trắc trở, buồn rầu. Thế nhưng, hoàn cảnh sống không làm nhạc sĩ thôi sáng tạo.
Ngày ngày trong căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Đoàn Bổng ở phố Hào Nam (Hà Nội) luôn đầy ắp tiếng cười của những vị khách là những người bạn nhạc sĩ, nhà thơ và cả những yêu nhạc, mê thơ ông. Ông vẫn luôn quan niệm, trong cuộc sống cái quý giá nhất là tình bạn, có nhiều bạn thì có nhiều niềm vui. Và đó chính là điều mà ông thêm yêu cuộc sống hơn, tâm hồn phong phú hơn. Ông từng thổ lộ: “Muốn bạn đến chơi thì mình phải hiếu khách, nhiệt tình và sống chân thành. Hơn nữa, mình phải luôn bằng lòng với những gì mình đang có”.
Hẳn nhiều người cũng đã biết trong nhiều năm qua, đời sống riêng tư của nhạc sĩ Đoàn Bổng có những chuyện không vui: người vợ yêu quý của ông bỗng nhiên đổ bệnh hoang tưởng khi vừa đến tuổi nghỉ hưu. Thời gian đầu bà thường có cảm giác sợ hãi, lo lắng, tâm lý bất an, vì thế việc ăn uống cũng thất thường, đầu óc lúc nào cũng suy nghĩ. Rồi người con trai duy nhất của ông cũng có dấu hiệu của bệnh này, nên năm nay dù đã bước vào tuổi 38 vẫn chưa kết hôn và phải sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi của ông bà.
Vậy nhưng, gạt qua những nỗi buồn ấy, người ta vẫn thấy nhạc sĩ Đoàn Bổng lạc quan, yêu đời, bay bổng với những nốt nhạc, vần thơ. Hỏi chuyện thì ông chép miệng: “Nếu tôi buồn thì cũng không ai buồn cùng tôi, vì vậy mình phải tự đứng lên và vượt qua mà sống. Chính khó khăn mới làm con người ta có bản lĩnh trong cuộc sống, luôn luôn tạo ra niềm vui cho mình và vượt qua chính mình bằng cách đừng bao giờ nghĩ là mình khổ”.
Ngẫm về cuộc sống hiện tại, ông cho rằng mình còn sướng chán so với người bạn là họa sĩ của mình. Nhìn vào thành công của bạn hôm nay, ông lại nghĩ về quá khứ mà người bạn này từng trải qua. Hồi ấy, đều đều cứ 4 giờ sáng, bạn đã dậy đi lấy bánh mỳ, bán hàng xong đến hơn 6 giờ lại cắp cặp vội vàng đến trường. Trưa về ăn tạm 3 lưng cơm, vài quả dưa chuột chấm với mắm tôm hoặc tí muối là xong một bữa mà mặt lúc nào cũng tươi tỉnh. Sau đó, bạn lại xuống phố mua đầy 2 phích kem, bán hết buổi chiều rồi tối về mới có thời gian học bài.
Suy từ câu chuyện của bạn, ông bảo, vậy hà cớ gì mà có quyền nghĩ là mình khổ, mình đã khổ như người bạn mình đâu? Đó là chưa kể cuộc sống thời nay còn có nhiều hoàn cảnh éo le như bị dị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc màu da cam hay không may bị tai nạn khiến việc đi đứng gặp vô vàn khó khăn… nhưng họ vẫn vượt lên số phận, sống lạc quan, yêu đời. Còn mình thì chỉ là hoàn cảnh có người nhà sức khỏe yếu mà cũng không phải bệnh nghiêm trọng nay đưa đi viện, mai đưa đi viện. Thế thì mình phải vượt qua hoàn cảnh ấy, gắng lên làm thêm những việc lặt vặt trong nhà, như việc cầm cái chổi quét nhà thì giỏi lắm mất vài phút. Đấy là cái tự anh phải vượt qua cái bình thường. Vượt qua được điều ấy, anh mới có cảm xúc mà viết được.
Rồi ông bảo, đặc biệt ở cái tuổi này ông rất thích viết những bài tình ca. Muốn vậy, người nhạc sĩ phải có sự lãng mạn, nhiều khi lãng mạn trong tưởng tượng. Ví như bài “Ba Vì xanh mãi một tình yêu”, ông đã tưởng tượng ra vùng này có tiếng chim hót và giá như có cô bạn gái đi bên cạnh thì hay biết mấy. Rồi ông coi như đôi trai gái đi trên miền quê có rừng, có núi, có sương mờ, mây trắng yên tĩnh, thanh bình. Ông cho biết, sáng tác âm nhạc cũng giống hệt như người họa sĩ khi vẽ tranh vì phải tưởng tượng ra bối cảnh gì đó, mình vẽ bằng âm thanh để ra câu chuyện. Nếu tâm hồn khô khan, thì giai điệu không thể mượt mà, uyển chuyển.
Chính vì giữ được tâm hồn sáng tác mà trong thời gian gần đây, ông liên tiếp cho ra đời nhiều ca khúc được giới thiệu trong chương trình “Tác phẩm mới” trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam như: “Nghe trong tiếng yêu”, “Hà Nội đêm”, “Ninh Bình tình đất, tình người”… Trong đó, “Nghe trong tiếng yêu” (phổ thơ Trà My) ông đã đồng cảm với nhà thơ, vốn là người phụ nữ cao tuổi nhưng rất mơ mộng, luôn tưởng tượng tiếng yêu văng vẳng đâu đấy, tiếng người yêu rót vào tai lời yêu thương khiến con người ta phấn chấn, trẻ trung và yêu đời. Còn “Hà Nội đêm” (phổ thơ Trần Minh) thì đó lại là đôi trai gái yêu nhau trong điều kiện luôn nghĩ về nhau mà ít có cơ hội được gặp gỡ. Trong một đêm thu Hà Nội đẹp trời, họ đã đến với nhau nhưng không ai thủ thỉ về tình yêu. Họ lặng im đi bên nhau, đôi khi chỉ là va chạm nhẹ về mặt thể xác nhưng trong trái tim mỗi người có nhịp đập rộn rã và thấy tình yêu nảy nở nhiều hơn. Ông cho rằng, đó chính là sự lịch lãm, văn minh, đúng mực và sâu sắc của người Hà Nội gốc.
Năm nay đã bước vào tuổi 77 nhưng nhạc sĩ Đoàn Bổng vẫn cho rằng mình không có tuổi. Bởi, ông quan niệm tuổi mỗi năm qua đi, nhưng đó là tuổi của thời gian chứ không phải tuổi của tâm hồn. Quan trọng trong người sáng tác là phải còn nguyên cảm xúc của tuổi đôi mươi. Phải luôn yêu đời, vượt qua khó khăn trong cuộc sống kinh tế và hoàn cảnh gia đình, lúc nào cũng thấy cuộc sống tươi đẹp và không bao giờ nghĩ năm nay mình bao nhiêu tuổi. Ông còn lấy ví dụ nhạc sĩ Văn Ký năm nay đã bước vào tuổi 91 nhưng vẫn viết tình ca huống chi ông là bậc đàn em kém đến 14 tuổi. Vấn đề trái tim anh có rạo rực, thổn thức không, thấy vẻ đẹp của thiếu nữ vẫn rung động, tức là vẫn yêu, vẫn sáng tạo. Ông bảo, với những bản tình ca, khi hát lên ta sẽ nghĩ về tình yêu đẹp của con người, để ta sống luôn đẹp như lời bài hát ta vừa hát. Đó cũng chính là cách giáo dục bằng nghệ thuật như người xưa vẫn nói “Lời ngọt lọt đến xương”. Âm nhạc đẹp, nhắc nhở ta sống đẹp, hạnh phúc như bài hát ta vẫn nghêu ngao hát hoặc nếu không hát được thì nghe và cảm nhận.
Quan niệm về sự đa tình, ông cho rằng trong nghệ thuật nói chung, đa tình là một tố chất của lãng mạn, đa tình tức là giàu tình cảm như việc đang đứng trên Bờ Hồ thấy một thiếu nữ sao ta lại không nhìn, trời sinh ra đôi mắt thì ta có quyền ngắm vẻ đẹp của cuộc đời và khi ngắm ta lại có quyền ước ao giá cô bạn này trở thành người bạn rất thân của mình. Người ta nói tôi đa tình cũng không sao, không xấu, đa tình để làm cho việc xứng đáng, đàng hoàng. Hơn nữa, đa tình còn để sáng tạo. Bởi, thực ra muốn sáng tạo được phải giàu cảm xúc mà muốn giàu cảm xúc được phải có đa tình.
Sự trẻ trung, lãng mạn ấy không chỉ được ông “thổi hồn” trong những tác phẩm âm nhạc mà trong thơ ca người đọc cũng dễ dàng cảm nhận được điều đó. Ông bộc bạch, mình có rất nhiều thơ tình, thậm chí có những người bạn 15 năm gặp lại họ rút trong ví ra bài thơ tình mà ông từng tặng họ và cho biết, mỗi khi ngồi bên bạn gái họ lại đem ra đọc mà đối phương cứ say đứ đừ.
Ông tự nhận thơ mình lúc nào cũng trẻ. Nếu ai đọc thơ mà chưa gặp mặt thì nghĩ “cụ” này chắc còn ít tuổi. Có hôm một cô bạn nhắn cho ông: “Em lại bị nhớ anh rồi”. Câu nói vui ấy khiến ông đầy phấn chấn để ra được bài thơ: “Lời của tình yêu” với những câu thơ:“Em lại bị nhớ anh rồi/ Mai mình gặp nhau đi anh ơi/ Con tim em đập nhanh hơn lần trước/ Con mắt em nó không ngủ được/ Bởi chẳng có anh ở bên/ Anh nhé, anh nhé đừng quên/ Em lại bị nhớ anh nhiều hơn lần trước/ Lần này anh đến sớm càng tốt/ Đừng chậm chân mà em phạt gấp đôi/ Anh ơi! anh ơi! em đang bị nhớ đây này”. Rồi những câu thơ của ông được in vào tấm thiệp tặng bạn bè cứ nhẹ nhàng, khe khẽ, thoang thoảng như gió mùa thu để rồi len lỏi, chinh phục vào tâm hồn người đọc như: “Năm em sáu mươi /Anh tròn trăm tuổi/ Tình ta như suối/ Chảy đến vô cùng/ Không có điểm dừng/ Tình là mãi mãi (Tình) hay “Đàn ông các anh là hư lắm/ Ngày xưa xóc đĩa, tổ tôm/ Bây giờ rượu bia tới số/ Thận gan chả còn chất bổ/ Nếu bị cắm sừng đừng đổ tại em” (Lời phán quyết của đàn bà).
Có thể nói cùng với âm nhạc thì thi ca là một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Đó là hai lĩnh vực mà ông neo tựa vào để vượt qua những thử thách của hoàn cảnh sống nhiều gian truân, ngặt nghèo.