Nhạc sĩ 'Đừng xa em đêm nay': 'Giai đoạn tinh thần xuống nhất là khi tôi mới sang Mỹ định cư'
Nhạc sĩ Đức Huy chia sẻ rằng giai đoạn ông bị xuống tinh thần nhất là khi mới sang định cư ở Mỹ, làm quen với văn hóa, nếp sống mới. 'Tôi mất chừng 10 năm không sáng tác, sau đó, vượt qua khó khăn tôi lại sáng tác sung nhất, với các ca khúc: Yêu em dài lâu, Đường xa ướt mưa, Đừng xa em đêm nay...
Nhạc sĩ Đức Huy: Tôi mất chừng 10 năm không sáng tác
Năm 2017 ông làm liveshow ở TP HCM nhưng như ông chia sẻ thì không được thành công lắm. Lần này ông chọn Hà Nội để tổ chức là vì yếu tố bán vé hay còn có lý do gì đặc biệt?
- Tôi nghĩ thế gian này điều gì cũng như ý mình thì tốt đẹp biết bao nhiêu nhưng sự thật có nhiều yếu tố, đôi khi không như ý. 2017 tôi làm một concert ở TP.HCM, 17 năm sau tôi không nghĩ mình sẽ làm concert nữa. Nhưng cái duyên đã đưa tôi và nhà sản xuất đến gần nhau và rồi ý tưởng làm chương trình "Những gì đến tự nhiên" đến như chính cái tên của nó. Tôi chọn Hà Nội là cái duyên, cũng là sự lựa chọn của ê-kíp, nhà sản xuất.Hà Nội ghi dấu rất nhiều dấu ấn trong trái tim tôi vì như quý vị biết, tôi từng sống ở Hà Nội nhiều năm rồi mới vào Nam mà.
Âm nhạc Đức Huy là thanh xuân của rất nhiều thế hệ 7X, 8X. Trong mắt ông, ai là người thể hiện ca khúc của ông thành công nhất?
- Trước đây ca sĩ Ngọc Lan là người hát nhiều ca khúc của tôi nhất nhưng giờ cô ấy mất rồi. Sau này ai hát nhạc của mình là tôi đều thấy hạnh phúc. Ai cũng có cái hay, có chất riêng, rất khó để nhận xét ai hát hay hơn, vì còn tùy thuộc thời điểm và nhiều yếu tố khác nữa.
- Trầm bổng đều là những yếu tố quan trọng cần thiết trên chặng đường của chúng ta. Có lẽ giai đoạn tinh thần xuống nhất là khi tôi mới sang định cư ở Mỹ, làm quen với văn hóa, nếp sống mới. Tôi mất chừng 10 năm không sáng tác, sau đó, vượt qua khó khăn tôi lại sáng tác sung nhất, với các ca khúc: Yêu em dài lâu, Đường xa ướt mưa…
Trong số những bài hát của ông, bài hát nào nhận được tiền tác quyền nhiều nhất?
- Và con tim đã vui trở lại, Và tôi cũng yêu em, Như đã dấu yêu, Để quên con tim, Đừng xa em đêm nay, Một tình yêu, Tiếng mưa đêm, rồi thì… nhiều quá không nhớ hết được.
Những bài hát này đều rất nổi tiếng, vậy ngoài điều đó ra thì nó có điểm gì chung với nhau?
- Tôi phải được yên tĩnh, phải được một mình. Hai mình là không được.
Chứ không phải là yêu nhiều sao thưa nhạc sĩ?
- Yêu là một chuyện, còn sáng tác là chuyện khác, đừng có lẫn lộn.
Nhưng yêu nhiều và được yêu nhiều thì cảm xúc cho sáng tác sẽ tốt hơn?
- Quý vị muốn biết câu trả lời thì mời đến hôm đó, tôi sẽ nói về vấn đề yêu và được yêu là bài hát mà ai cũng muốn được nghe hết. Nhưng có được yêu nhiều không hay là có được yêu người mình yêu hay không là một chuyện khác.
Lâu lắm rồi tôi không biết buồn
Người Hà Nội yêu thì có gì khác với người ở vùng khác không?
- Ôi tôi đâu có yêu nhiều đến mức mà cô lại "lừa" tôi vào cái câu hỏi như thế (cười sảng khoái).
Trong những bài hát của ông, có câu hát nào mà ông thích nhất?
- Khó quá cô. Nó còn tùy vào thời điểm nữa.
Vậy thì ví dụ như thời điểm này đi, trước một show diễn lớn thì…
- (suy nghĩ) Và con tim đã vui trở lại.
Thế khi nào thì "con tim" buồn nhất?
- Con tim buồn nhất? Lâu lắm rồi tôi không biết buồn. Tôi nói thật.
Vậy lần cuối cùng mà ông thấy buồn?
- Một trong yếu tố của người lớn tuổi là hay quên. Tôi mà nhớ được lần cuối cùng tôi buồn là chết liền.
Trong concert tới đây, ông sẽ vừa đàn vừa hát và kể câu chuyện đời mình. Vậy lúc này ông có thể bật mí một chút về câu chuyện mà ông sẽ kể?
- Kể bây giờ ấy à? Ôi thế thì mất hay. Câu đố mà cho trước lời giải thì còn gì là thú vị! Mời cô đến và mời quý vị hãy đến nghe.
Hà Nội là nơi ông gắn bó, vậy có bài hát nào mà ông dành nhiều tình cảm cho Hà Nội?
- Theo tôi thì tôi đã dành lời viết và giọng hát, lối hát cho Hà Nội rồi.
Tôi sợ nhất là làm chiều lòng người khác
Có bài hát nào mà ông viết dành cho bà xã không?
- Ôi cái này thì… à mà bà xã nào mới được chứ? Cảm xúc âm nhạc nó lạ lắm, có khi tôi viết không phải cho những người trước mà cho người mà mình chưa bao giờ gặp.
Ở tuổi ngoài 70 nhưng ông vẫn rất trẻ trung, trẻ hơn cả tuổi thật của mình rất nhiều. Vậy yếu tố nào khiến cho ông giữ được sự trẻ trung hơn tuổi như thế?
- Dạ thưa cô 90 chưa phải là già. Khi nào mà cảm thấy hết ham muốn sống thì tôi nghĩ đó là già. Còn khi ý thức vẫn nói được rằng: "Ông ơi, chúng ta còn đang sống ngon lành, phải sống mạnh" thì chưa thể gọi là già được. Nhưng tôi đi ngủ sớm và 3 rưỡi 4 giờ đã thức rồi. Sau đó thể thao, chăm lo hơi thở vào buổi sáng. Ăn uống cũng được bà xã chăm chút với chế độ rất kỷ luật.
- Tôi làm việc khi nào tôi thấy muốn làm. Khi nào thích đi ngủ là tôi ngủ, thích đi chơi là đi chứ tôi không có đặt ra giờ giấc gì cả. Hàng ngày tôi cũng sưu tầm ý tưởng, có gì hay thì giữ lại.
Nhạc sĩ giữ bằng cách nào?
- Tôi giữ trong đầu.
Nhưng ông vừa nói là tuổi này hay quên lắm?
- Tôi nói đùa tí thôi. Nhưng tôi nhớ cái cần nhớ và không nhớ cái không cần nhớ.
Khi sáng tác thì ông viết những cái mình thích hay cái mà người nghe thích?
- Tôi sợ nhất là làm chiều lòng người khác.
Trong các chương trình trước nhạc sĩ hát vài tiết mục với đàn guitar, lần này thì sao?
- Trong live concert lần này tôi hát 3-4 bài, có bài Tiếng đàn guitar tôi hát một mình với đàn, một số bài hát tôi song ca, hát tam ca với các ca sĩ khác.
Nhưng hát ở sân khấu trực tiếp của Trung tâm Hội nghị quốc gia, ở tuổi 77 ông có sợ bị so sánh khi đã quen nghe các bài hát qua sản phẩm phòng thu?
- Tôi sống ít sợ lắm (cười). Nghệ sĩ chúng tôi thích nhất là bài "Đêm đông", không phải vì lạnh mà là vì khán giả đông đó. Càng đông khán giả thì chúng tôi càng cháy, càng nhiều quý vị đến thì chúng tôi nhận được càng nhiều năng lượng.
Cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện!
Ca sĩ Bằng Kiều: "Hit maker ở Mỹ có David Foster, Việt Nam có Đức Huy"
Nhạc của anh Đức Huy không cần nói gì nhiều bởi nhạc Đức Huy là đời sống, là một phần cuộc sống, một phần tình cảm củarất nhiều người, là điều gì đó gắn bó, thân thuộc. Cá nhân Bằng Kiều hát rất nhiều những bài của anh Đức Huy. Trước đây tôi hát ở vũ trường, bar bài của anh Đức Huy mà không hề biết, là Cơn mưa phùn, Cánh chim biển… cảm thấy âm nhạc của anh như một phần cuộc đời mình.
Khi giám đốc sản xuất mời Bằng Kiều tham gia show, tôi không phải nghĩ đến giây thứ hai mà nhận lời luôn. Thậm chí tôi còn "chảnh" rằng: Không mời Bằng Kiều hát show nhạc sĩ Đức Huy thì còn gì thú vị nữa. Tôi cảm thấy âm nhạc Đức Huy vô cùng gần gũi.
Anh Đức Huy là hit maker. Ví dụ ở Mỹ có David Foster (nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc), thì ở Việt Nam có Đức Huy và Lam Phương. Nghĩa là không có bài nào là không hit. Bài nào ra là hit, ra bài nào là mọi người hát được ngay, mọi người thuộc nằm lòng rồi.
Rất may mắn khi giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng trẻ, mang hơi thở hiện đại, trong sáng để đến với âm nhạc Đức Huy mới mẻ, không theo lối mòn. Bằng Kiều thấy vui và hạnh phúc khi tham gia chương trình và có thể mang tới cho khán giả cũ và mới, lớn tuổi và trẻ cảm nhận âm nhạc Đức Huy theo nhiều chiều hướng khác nhau.