Nhạc sĩ không là nghệ sĩ?

Luật Thi đua, khen thưởng đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26-11-2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004. Theo đó, tại khoản 1, Điều 64 của luật này quy định như sau: Đối tượng được xét tặng danh hiệu 'Nghệ sĩ nhân dân', 'Nghệ sĩ ưu tú' gồm: diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi do Bộ Nội vụ soạn thảo đang được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét danh hiệu 'Nghệ sĩ nhân dân', 'Nghệ sĩ ưu tú' đối với nhạc sĩ và phát thanh viên.

Trước hết, dự thảo cũng như luật hiện hành đều thống nhất quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người được xét danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”. Và tiêu chuẩn đầu tiên, cũng như cao nhất là phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời là người có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ và phải có đủ thời gian hoạt động nghệ thuật theo quy định. Cụ thể, đối với danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” thì phải có từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 15 năm trở lên. Đặc biệt, sau khi được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, thì phải tiếp tục được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

Lý do được Bộ Nội vụ đưa ra vì nhạc sĩ là người sáng tác và soạn nhạc, tác phẩm của nghệ sĩ có giá trị và đủ tiêu chuẩn sẽ được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”. Phát thanh viên làm việc ở các đài phát thanh, truyền hình, trên thực tế phát thanh viên đảm nhiệm cả việc biên tập tin như một nhà báo và được thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm. Và ngay sau khi dự thảo luật này được công bố để lấy ý kiến các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước, cũng như thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội và cả cộng đồng mạng không đồng thuận, vì cho rằng lý do mà Bộ Nội vụ đưa ra không đủ sức thuyết phục.

Nhạc sĩ Trần Tiến (phải) trình diễn cùng ca sĩ Trần Thu Hà trong đêm diễn tại Hà Nội - Ảnh internet (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trong Báo cáo số 256/BC-UBXH15 về “Thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)”, Ủy ban xã hội của Quốc hội đã có ý kiến đối với vấn đề này như sau: Tờ trình của Chính phủ đã nêu lý do bỏ đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đối với nhạc sĩ và phát thanh viên, song chưa thuyết phục. Trong khi đó, nhạc sĩ và họa sĩ đều là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cũng có thể là đối tượng được xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” và dự thảo luật vẫn giữ họa sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”… Trong khi đó, ở nội dung dự thảo luật này là bỏ nhạc sĩ không còn là đối tượng được xét tặng danh hiệu nêu trên.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần có sự thống nhất về khái niệm thế nào là nghệ sĩ. Theo từ điển tiếng Việt, do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn phát hành năm 2005, trang 1.117, thì nghệ sĩ là người chuyên sáng tác hoặc biểu diễn trong một môn nghệ thuật nào đó: nghệ sĩ múa, nghệ sĩ dương cầm (…còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì nghệ sĩ là người chuyên hoạt động (sáng tác hoặc biểu diễn) trong một bộ môn nghệ thuật. Nghệ sĩ là người sáng tạo ra loại hình nghệ thuật như: vẽ, đồ họa, chạm khắc, chụp ảnh, làm mô hình, diễn kịch sân khấu về các ý tưởng và cảm xúc với văn hóa xã hội. Như vậy, nghệ sĩ là người gắn liền với hoạt động nghệ thuật. Vì vậy, khái niệm nghệ sĩ phụ thuộc vào khái niệm nghệ thuật. Nói tóm lại, nghệ sĩ là người sáng tạo hoặc biểu diễn một hay nhiều loại hình nghệ thuật hoặc một hay nhiều kỹ năng đặc biệt.

Từ khái niệm nêu trên cho thấy, nhạc sĩ trước hết là người sáng tác ra tác phẩm âm nhạc nhưng tác phẩm ấy không có sự sáng tạo, không đạt tới tầm nghệ thuật thì khó đi vào tâm hồn người nghe, công chúng. Vì thế, nhạc sĩ không thể không phải là nghệ sĩ. Hơn nữa, trong thực tế cuộc sống không phải nhạc sĩ chỉ là người sáng tác thuần túy, mà rất nhiều người còn biểu diễn và biểu diễn hay, được đông đảo công chúng hâm mộ. Đó là nhạc sĩ Trần Tiến, ông vừa là nhạc sĩ sáng tác ca khúc quần chúng vừa là ca sĩ nổi tiếng. Còn với phát thanh viên, cũng theo khái niệm nêu trên thì đây là những người có nghề với sự thể hiện kỹ năng đặc biệt. Và thông qua giọng nói, giọng đọc “huyền thoại” của mình, họ truyền đến người nghe, người xem những cảm xúc chân thành, tình cảm sâu sắc. Và để có được giọng nói, giọng đọc “hớp hồn” người nghe, người xem đòi hỏi phát thanh viên phải có sự nỗ lực học hỏi, rèn luyện không mệt mỏi. Các nghệ sĩ ưu tú: Kim Tiến, Minh Trí, Tuyết Mai... là những người như vậy, họ đã trở thành những giọng đọc huyền thoại và “thương hiệu” một thời của sóng phát thanh, truyền hình Việt Nam…

Nói tóm lại, nghệ sĩ luôn gắn liền với nghệ thuật. Mỗi khi nói đến nghệ sĩ là người ta hiểu ngay đến lĩnh vực hoạt động của người nghệ sĩ đó. Và điều này cũng có nghĩa là khi nhắc đến khái niệm nghệ sĩ thì không thể bỏ quên khái niệm nghệ thuật. Do đó, khái niệm nghệ sĩ phụ thuộc nhiều vào cách hiểu về nghệ thuật. Trong khi đó, hiện nhiều người chưa có thói quen nhìn nhận những nghề nghiệp đòi hỏi người có nghề, làm nghề phải thực hiện các kỹ năng đạt tới trình độ nghệ sĩ và cao hơn nữa là nghệ thuật của nghề và nghề phát thanh viên là như vậy. Bởi thực tế chứng minh có rất nhiều người đã, đang sống với nghề này nhưng để đạt tới danh xưng trong nghề là nghệ sĩ hay nghệ thuật “xướng ngôn” thì không phải ai cũng có được. Vì vậy, nhạc sĩ và phát thanh viên có tâm, xứng tầm là những người xứng đáng được nghệ danh cao quý - “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” .

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/128053/nhac-si-khong-la-nghe-si