Những người giữ hồn văn hóa các dân tộc

Văn hóa các dân tộc Sơn La đa dạng và phong phú với sự quy tụ của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc riêng. Những giá trị văn hóa luôn được bảo tồn và và phát huy, có công lao rất lớn của những nghệ nhân dân gian, họ đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trao truyền để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Các nghệ nhân của huyện Quỳnh Nhai truyền dạy nghệ thuật đàn tính, hát then cho thế hệ trẻ.

Các nghệ nhân của huyện Quỳnh Nhai truyền dạy nghệ thuật đàn tính, hát then cho thế hệ trẻ.

Sơn La hiện có 2 nghệ nhân nhân dân, 27 nghệ nhân ưu tú và hơn 70 nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Mỗi người am hiểu sâu sắc về một lĩnh vực, như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, dân tộc... Những nghệ nhân dân gian, luôn tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, thực hành các loại hình văn hóa dân gian, am hiểu và thuần thục các loại hình trình diễn truyền thống có giá trị lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc từ ngàn đời nay.

Hơn 10 năm miệt mài truyền dạy chữ nôm Dao cho đồng bào dân tộc Dao ở huyện Mộc Châu và Vân Hồ, Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức, tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đã trực tiếp giảng dạy hơn 20 lớp, với hàng nghìn lượt học viên. Dưới sự chỉ dạy tận tình của ông, các học viên đã đọc thông, viết thạo chữ của dân tộc mình, nhiều học viên cũng nối gót ông trở thành “giảng viên”, truyền đạt lại kiến thức và chữ viết cho đồng bào. Ông Đức cũng là người đầu tiên ở Sơn La biên soạn bộ sách giáo khoa 15 cuốn dùng để dạy học.

Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức trăn trở: Bộ sách chữ nôm Dao là nơi chứa đựng các tri thức dân gian, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc. Chính vì thế, mong muốn lớn nhất của tôi là tất cả những ai là con cháu dân tộc Dao thì sẽ biết tiếng Dao và có nhiều người am hiểu, thông thạo chữ nôm Dao để văn hóa dân tộc được tiếp tục gìn giữ cho nhiều thế hệ mai sau.

Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (ngoài cùng bên phải) tâm huyết với nghệ thuật hát then.

Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (ngoài cùng bên phải) tâm huyết với nghệ thuật hát then.

Còn ông Điêu Văn Minh, xóm 5, xã Mường Giàng, vốn được mọi người biết đến là người giữ “hồn then” của đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai. Năm nay đã 72 tuổi nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương, đi giao lưu trong và ngoài tỉnh. Năm 2022, ông Điêu Văn Minh được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Ông Minh chia sẻ: Hát then, đàn tính có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống và văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai. Tuy nhiên, những người biết mo then, chơi đàn tính, am hiểu văn hóa truyền thống hiện không còn nhiều. Vì thế, khi còn sức khỏe, tôi luôn cố gắng để truyền dạy nét đẹp văn hóa này cho con cháu.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Nhai, nói: Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai có 1 Nghệ nhân nhân dân, 7 Nghệ nhân ưu tú thuộc các lĩnh vực và dân tộc khác nhau. Trong đó, có 4 nghệ nhân đã được hỗ trợ sinh hoạt phí 1 triệu đồng/tháng theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Đây là nguồn động viên không nhỏ, khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục cống hiến và bảo tồn văn hóa.

Các nghệ nhân dân gian là người giữ hồn văn hóa, người nắm giữ sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Để các nghệ nhân phát huy khả năng, tâm huyết với việc truyền dạy văn hóa dân tộc, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa. Trong đó, việc lập hồ sơ xét đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đã giúp tôn vinh các nghệ nhân có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Đồng thời, tiến hành kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng kế hoạch, đề án bảo tồn di sản; tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch... là giải pháp thiết thực góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc.

Các nghệ nhân tái hiện không gian văn hóa dân tộc Dao tại Bảo tàng tỉnh.

Các nghệ nhân tái hiện không gian văn hóa dân tộc Dao tại Bảo tàng tỉnh.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đang tập trung các giải pháp trọng tâm hướng về cơ sở, nhất là không ngừng đổi mới công tác quản lý văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, kết hợp tuyên truyền về giá trị di sản mà họ đang nắm giữ, để khơi dậy niềm tự hào về văn hóa dân tộc và cùng chung tay gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đang có.

Trân trọng và phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian là giải pháp quan trọng và hiệu quả để gìn giữ giá trị cội nguồn của văn hóa các dân tộc. Từ đó, giúp định hướng các giải pháp bảo tồn văn hóa đúng hướng, phát triển văn hóa - con người đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/nhung-nguoi-giu-hon-van-hoa-cac-dan-toc-VyR9sklIR.html