Nhạc sĩ Lê Dũng và ca khúc 'Ngôi trường giữa ngàn mây'

Sinh sống tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), thế nhưng, nhạc sĩ Lê Dũng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang) lại có duyên với những sáng tác về vùng cao. Ca khúc 'Ngôi trường giữa ngàn mây' của anh vừa được đưa vào chương trình sách giáo khoa âm nhạc lớp 11, bộ sách Chân trời sáng tạo (sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép ban hành và áp dụng từ năm học 2023 - 2024).

Nhạc sĩ Lê Dũng (áo bò) và những em nhỏ múa hát bài “Ngôi trường giữa ngàn mây” trên sóng VTV. Ảnh: NVCC

Nhạc sĩ Lê Dũng (áo bò) và những em nhỏ múa hát bài “Ngôi trường giữa ngàn mây” trên sóng VTV. Ảnh: NVCC

Nhạc sĩ Lê Dũng sinh ra và lớn bên dòng sông Thương thơ mộng, hiền hòa. Cảnh đẹp quê hương cùng với năng khiếu bẩm sinh đã thôi thúc anh đến với âm nhạc và yêu nó như máu thịt của mình. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, anh trở về quê nhà dạy nhạc ở các trường phổ thông cấp 1, cấp 2. Trước nhu cầu học tập âm nhạc ngày càng lớn, năm 2010, anh quyết định mở trung tâm chuyên dạy các bộ môn năng khiếu như piano, ghita, thanh nhạc cho lứa tuổi thanh, thiếu niên tại thành phố Bắc Giang.

Chính từ những cảm xúc thăng hoa bên bài giảng cho học trò đã khiến nốt nhạc được “bật” lên trong anh. Từ sáng tác đầu tay vào năm 2019 đến nay, anh đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó, chủ yếu là hướng đến thanh, thiếu niên. Năm 2020, Nhà xuất bản Thanh niên đã tuyển chọn, giới thiệu và phát hành tập sách “Bốn mùa yêu thương“ gồm 19 ca khúc tiêu biểu của anh dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, như: “Ơn thầy cô”, “Khúc hoan ca mùa thu”, “Em vui hội trăng rằm”, “Xin chào Tết ơi!”, “Hè về bên em”, “Mùa tựu trường yêu thương”, “Trăng và bé”, đặc biệt là ca khúc “Ngôi trường giữa ngàn mây”.

“Bản thân xuất phát là giáo viên dạy âm nhạc nên tôi có nhiều thời gian tiếp cận, gần gũi và phần nào hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em. Tôi mong muốn các em lứa tuổi hồng sẽ có thêm nhiều bài hát hay, chất lượng, vừa mang yếu tố giải trí, lại mang yếu tố giáo dục, hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ. Tất cả những điều ấy khiến bản thân tôi cần nỗ lực, tư duy, sáng tạo nhiều hơn nữa để có thể sáng tác các ca khúc cho lứa tuổi học trò” - nhạc sĩ Lê Dũng chia sẻ.

Ca khúc “Ngôi trường giữa ngàn mây” là một trong những ca khúc đầu tay nhưng cũng là một trong những ca khúc mang lại thành công nhất cho anh. Ca khúc đã đoạt giải trong Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và cũng đã được giới thiệu trong Chương trình “Tác phẩm mới” trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Đây chính là “quả ngọt” sau chuyến đi thực tế tại huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Ca khúc được viết ở hình thức 2 đoạn đơn mang âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc. Với những lời ca trong sáng, gần gũi, giản dị, bài hát như một bức tranh miêu tả cảnh đẹp của miền sơn cước gắn liền với hình ảnh ngôi trường quanh năm mây bay bao phủ.

Điều mà anh muốn nhắn nhủ là dù con đường đến trường gặp nhiều khó khăn nhưng các em nhỏ vẫn đang quyết tâm, nỗ lực và mơ ước về một tương lai tươi sáng. Hình ảnh được anh sử dụng trong bài hát rất đẹp, nên thơ: “Sáng mỗi sáng em vén màn mây/ Chân em vượt núi, cao thật cao/ Xuôi theo con dốc, qua lưng sườn đèo/ Đường em tới lớp có tiếng chim hòa reo...”.

Nhạc sĩ Lê Dũng hướng dẫn các em nhỏ chơi đàn piano. Ảnh: NVCC

Nhạc sĩ Lê Dũng hướng dẫn các em nhỏ chơi đàn piano. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng về việc ca khúc “Ngôi trường giữa ngàn mây” được đưa vào chương trình sách giáo khoa âm nhạc lớp 11, nhạc sĩ Lê Dũng cho biết: “Thời đi học, tôi vô cùng ngưỡng mộ các nhạc sĩ có tác phẩm trong sách giáo khoa. Họ đều là những “cây đa, cây đề” của nền âm nhạc Việt Nam. Các tác phẩm của họ đều mang tính mẫu mực, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật, dễ thuộc, dễ hát. Và giờ đây khi cũng có vinh dự ấy khiến tôi cảm thấy rất vui vì được góp thêm phần nhỏ bé vào sự nghiệp giáo dục âm nhạc nước nhà. Có thể nói, đây là một món quà rất lớn, là động lực, niềm tin để cho tôi tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa trên những chặng đường tiếp theo”.

Là giám khảo Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020”, tác giả ca khúc nổi tiếng “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” - nhạc sĩ Vũ Thiết nhận xét: “Ngôi trường giữa ngàn mây” có cấu trúc xinh xắn, gọn gàng với một chủ đề và cách nhìn mới, lời ca trong sáng, phù hợp với lứa tuổi của các em thanh, thiếu niên. Chính vì tác giả là một giáo viên dạy nhạc cho thanh, thiếu niên nên đã có thể hiểu và sử dụng nét nhạc, lời ca vô cùng gần gũi với thế giới tuổi thơ. Việc bài hát được nằm trong chương trình sách giáo khoa là cơ hội để nó được bay cao, bay xa đến với lứa tuổi học trò trên khắp cả nước”.

Chia sẻ về những ca khúc về miền núi của các nhạc sĩ đi trước, nhạc sĩ Lê Dũng cho rằng, các sáng tác về miền núi khá đa dạng, đã sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu âm nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt, nhiều nhạc sĩ đã chọn được được chi tiết, hình ảnh đắt giá.

“Với một người thuộc thế hệ 8X như tôi, lại không có nhiều thời gian sống, trải nghiệm ở vùng cao thì sẽ thật khó có ca khúc hay. Tuy nhiên, tình yêu với biên cương Tổ quốc luôn mãnh liệt trong tôi và thôi thúc tôi cầm bút viết lên những giai điệu đẹp về mảnh đất thiêng liêng này. Tôi hy vọng sẽ viết được nhiều ca khúc về những em nhỏ vùng cao để người miền xuôi có thêm những nhìn nhận về cuộc sống của những đứa trẻ nói riêng và của người dân vùng cao nói chung” - nhạc sĩ Lê Dũng nhấn mạnh.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhac-si-le-dung-va-ca-khuc-ngoi-truong-giua-ngan-may-post467192.html