Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: Nhắn ai đi về vùng đất phương nam

Đời ông là chuyến bộ hành không ngơi nghỉ của người chiến sĩ cách mạng năm nào với câu hò, điệu lý phương Nam. Sáng 29/3, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từ giã cõi tạm sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

Xác thân ông gửi lại quê nhà - mảnh đất Thủ Dầu Một, Bình Dương, nơi 90 năm trước tiếng mẹ đưa nôi ru hời, tiếng sáo cha thổi hiu hắt buồn cho phận nước non khói lửa. Lời hát ru dạt dào yêu thương của mẹ và tiếng sáo u hoài của cha đã nuôi lớn tâm hồn cậu bé Lê Văn Gắt (tên thật nhạc sĩ Lư Nhất Vũ).

Ngày ấy, những bài thơ cách mạng hừng hực khí thế đấu tranh trở thành ngọn đuốc soi đường cho Gắt khi gót giày thực dân Pháp giày xéo đất nước. Ngọn đuốc đó bừng lên vào mùa hè năm 1953, thôi thúc chàng thanh niên 17 tuổi viết bài thơ “Mồ chiến sĩ” trước nấm mồ người du kích vừa ngã xuống. Bài thơ ký bút danh Lư Phong, được Báo Dân ta ở Sài Gòn chọn in: "Cho tôi hưởng chút tinh thần ấy/ Cho kiếp người tôi dạn gió sương/ Tôi xin thề quyết liều thân trẻ/ Giải phóng cho đời cảnh đau thương".

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (ảnh: Nguyễn Á).

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (ảnh: Nguyễn Á).

Hai năm sau, Gắt vượt tuyến ra Bắc, tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong làm việc ở Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống rồi thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Hồi mới ra thủ đô, anh được má Thể - một bà má miền Nam tập kết - thương như con cái trong nhà. Những lúc cậu thanh niên đồng hương ghé thăm căn nhà nhỏ trên đường Tôn Đản, má lại chiêu đãi những món ngon đặc sệt phong vị Nam Bộ.

Cô con gái thứ chín của má tên Vũ. Nàng vừa tròn đôi tám, đẹp tựa ánh trăng rằm. Nét đẹp ấy làm chàng thi sĩ Lư Phong mê đắm, quyết đặt lại bút danh của mình là Lư Nhất Vũ (nghĩa là Lư chỉ có duy nhất Vũ) trong bài thơ “Giờ chia ly” viết tặng cho nàng: “Tôi nhớ ngày ra đi/ Giờ chia ly/ Nàng không khóc/ Gió thổi tung mái tóc/ Phất phơ trên mẫu ruộng xanh màu/ Nàng đứng trên Mũi Cà Mau/ Bóng in lên sóng biển/ Áo bà ba quyến luyến…”. Nhưng bài thơ không đến tay nàng mà lại nằm trên tờ báo tường của Trường Âm nhạc Việt Nam! Ca khúc đầu tay "Gửi bạn Algerie" cũng được ông ký bút danh này. Dẫu duyên không thành nhưng từ đó về sau, cái tên Lư Nhất Vũ không đổi và gắn liền với sự nghiệp nghiên cứu, sáng tác miệt mài của ông.

Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1962, Lư Nhất Vũ công tác tại Đoàn Ca múa miền Nam. Giai đoạn đầu sự nghiệp, người nhạc sĩ tài hoa ấy gắn liền với những bài hát bừng bừng hào khí cách mạng, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài “Gửi bạn Algerie", có thể kể đến loạt ca khúc nổi bật thời gian này như “Hàng em mang đến chiến hào”, “Tưởng nhớ Trần Văn Ơn”, “Lòng em như hoa hướng dương”, “Chiếc khăn rằn”, “Sáng ra công trường”…

Về sau, dù thông điệp đấu tranh vẫn trở đi trở lại nhưng các sáng tác của ông dần mang nặng âm hưởng dân ca Nam Bộ như tấm lòng đứa con hướng về miền Nam thân yêu. Ca khúc “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” được ông viết tại Hà Nội dựa theo âm hưởng của điệu "Lý con sáo sang sông". Bài ca mang không khí vui tươi, khẩn trương về lực lượng nữ dân quân đô thị góp sức cho Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân mùa xuân năm 1968: "Chim kêu, chim kêu ven rừng suối gọi ta lên rừng nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang/ Sương đêm, sương đêm ướt đầm nón vải, ta xuyên rừng theo giải phóng quân/ Từ ngày đô thị vùng lên, chị em mình đi tải đạn, để các anh đi diệt thù…". Kể từ tác phẩm này, Lư Nhất Vũ đã khẳng định vị trí riêng trong nền âm nhạc Việt Nam bằng phong vị phương Nam mộc mạc, hồn hậu, giàu sức sống.

Nổi tiếng trong loạt ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ còn có “Khúc hát người đi khai hoang”, “Hãy yên lòng mẹ ơi” và đặc biệt là “Bài ca đất phương Nam” ra đời năm 1997. Đây vốn là bài hát chủ đề của phim truyền hình “Đất phương Nam” do Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn. Nhưng với lời ca giàu hình ảnh, giai điệu da diết nhưng đầy hào sảng về một thời lưu dân mở đất khai hoang, đậm đặc cốt cách bản sắc Nam Bộ khiến “Bài ca đất phương Nam” trở thành ca khúc biểu tượng, thành “giai điệu tự hào” cho đất và người phương Nam: “Nhắn ai đi về miền đất phương Nam/ Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang/ Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh…”.

Mùa hè năm 1970, trên đường hành quân trở về miền Nam chiến đấu, ông bị sốt rét hành hạ khi vừa đặt chân đến Tây Ninh, căn cứ của Trung ương Cục miền Nam. Cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh đã cho ông gặp một nửa của đời mình sau bao chuyện tình mà như ông ví “có duyên nhưng không có phận, có phận lại không có duyên”. Nữ sĩ Lê Giang - người con gái đất mũi Cà Mau - hơn ông sáu tuổi, đã có hai con, khi ấy công tác ở Ban Dân y. Không chỉ ân cần chăm sóc, thuốc thang mà bà còn tâm đầu ý hợp với người đồng đội ở tâm hồn thơ nhạc.

Mặc cơn sốt hành hạ, chàng nhạc sĩ gắng gượng phổ nhạc, còn nàng viết lời cho nhạc cảnh “Tiếng cồng vượt thác". Nhạc cảnh nối mối lương duyên cho họ thành vợ thành chồng, để rồi ông bà không chỉ là bạn đồng hành trong đời sống mà còn là cặp đôi tri kỷ trong nghệ thuật. Rất nhiều bài hát của Lư Nhất Vũ lấy ý hoặc phổ nhạc từ thơ Lê Giang như “Bài ca đất phương Nam”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Khúc hát người đi khai hoang”, “Mẹ cho con câu hát quê mùa”, “Nhớ em câu hát đưa đò”, “Ra giêng anh cưới em”…

Không chỉ là mảnh ghép hoàn hảo trong âm nhạc, “nàng Cà Mau” của ông còn là người bạn đường trên hành trình rong ruổi khắp miền đất nước để sưu tầm, gìn giữ và giới thiệu dân ca, đặc biệt là dân ca Nam Bộ đang dần bị mai một. Hàng chục công trình nghiên cứu, biên khảo đồ sộ ghi dấu ấn của hai người như: “Tìm hiểu dân ca Nam Bộ”; “Dân ca người Việt ở Nam Bộ” ; “300 Điệu Lý Nam Bộ”, “Hò trong dân ca Việt Nam”, “Hát ru Việt Nam”, “Lý trong dân ca người Việt”; “Nói thơ - Nói vè - Thơ rơi Nam Bộ”, “Dân ca Bến Tre”, “Dân ca Hậu Giang”, “Dân ca Trà Vinh”, “Hành khúc giải phóng”…

Sinh thời, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chia sẻ: “Riêng về mảng Nam Bộ thì tôi đã bỏ ra gần cả cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm. Vì muốn phân tích về dân ca ở vùng đất Nam Bộ thì rất khó. Chỉ ở vùng đất này mà có đến 473 điệu lý. Ký âm phần hát ru của các dân tộc khó lắm, nhiều khi phiên âm không nổi, chỉ lấy nội dung chính, nhà thơ Lê Giang chuyển thành bài hát. Dù sao đi nữa, ký âm được dân ca Việt, hát ru Việt để những câu hát dân gian không bị thất truyền là tôi vui lắm rồi”.

Để câu dân ca không nằm “chết” trong sách vở mà phải làm sao cho vốn quý của cha ông “sống” trong thời cuộc hôm nay, lan tỏa đến mọi thế hệ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang khéo léo vận dụng các làn điệu vào sáng tác của mình, làm dậy nên hồn cốt dân tộc mà say đắm lòng người. Đó là “Ra giêng anh cưới em” mang âm hưởng điệu Hò Cống Chùa; “Kiên Giang mình đẹp lắm” (Lý chèo đưa cá Ông); “Thiết tha miền Hậu Giang” (Lý gọng kiềng); “Về Sông Bé quê em” (Lý chèo đò)…

Với hành trình lao động miệt mài và cống hiến lớn lao của mình, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001); Huân chương Lao động hạng nhất; Giải thưởng về Văn học - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1997-1998; Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ (Bình Dương, 2005)… Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập ông là "Nhạc sĩ có nhiều công trình sưu tầm và nghiên cứu các thể loại dân ca Việt Nam" (năm 2009).

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ giống tính cha mình: hiền lành, kiệm lời và sống giản dị, dân dã. Nhớ về ông, người ta nhớ nụ cười đôn hậu của ông già Nam Bộ có món tủ là cá lóc kho tộ. Ai có dịp ghé căn chung cư cũ ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Hồ Chí Minh, đều được lão nhạc sĩ đãi món ăn đậm phong vị phương Nam ấy. Nhà thơ Lê Giang có lần tâm sự với ông rằng, cuối đời, bà chỉ có hai sở thích: một là đi sưu tầm các bài dân ca còn sót lại, hai là đi… chợ. Đi để ngắm nhìn những thức trái quê nhà, nhớ mùi bánh cống Sóc Trăng, nhớ tô bún ăn trên con xuồng lắc lư ở chợ Ngã Bảy…

Ông cũng có niềm vui là chở vợ đi chợ để … chờ vợ và sáng tác! Nhà thơ Lê Giang vẫn không quên cách sáng tác ngộ nghĩnh của chồng trong một lần ông đứng trước cổng chợ chờ vợ. “Trong nhà lồng chợ bước ra, đụng mấy bà bán trái cây đang bụm miệng cười khọt khẹt, mấy bả hỏi tôi ổng làm gì vậy bà? Tôi dòm qua đường thấy ổng ngửa mặt lên trời, miệng chu chu huýt gió”. Hóa ra ông đang nghĩ ra giai điệu điệp khúc “A, ai gọi đời ta!” trong bài hát “Hãy yên lòng mẹ ơi”!

Đến khi nằm trên giường bệnh, phút cuối đời mình, ông vẫn mỉm cười lạc quan, vẫn muốn lắng nghe lời ca mà lớp trẻ hôm nay tiếp nối cha anh, hát về miền Nam thân yêu qua 50 năm non sông liền một dải…

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhac-si-lu-nhat-vu-nhan-ai-di-ve-vung-dat-phuong-nam-i764087/