Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Nghệ thuật đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Nhật ký của mẹ, Gia đình nhỏ hạnh phúc to, Mẹ ơi có biết, Vui đến trường…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và bà Trương Ngọc Minh Đăng, người sáng lập dự án 'Cùng con đi khắp thế gian'.
Trong làng nhạc Việt, Nguyễn Văn Chung là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Nhật ký của mẹ, Gia đình nhỏ hạnh phúc to, Mẹ ơi có biết, Vui đến trường, Món quà tặng cô… với hàng triệu lượt nghe và nhiều thế hệ khán giả thuộc lòng.
Âm nhạc xoa dịu nỗi đau
Đằng sau những bản hit ấy là một nhạc sĩ luôn kiên định với con đường nghệ thuật - sáng tác để lan tỏa giá trị nhân văn, đề cao cái đẹp và lòng nhân ái trong cuộc sống.
Nhân sự kiện “Cùng con đi khắp thế gian” tròn 10 năm, cũng là 10 năm nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gắn bó, đồng hành với vai trò đại sứ âm nhạc, sử dụng các ca khúc hướng dẫn trẻ tự kỷ phát âm, tập nói, xoa dịu những nỗi đau, ưu tư của các bậc cha mẹ. Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
- Nhiều khán giả khi nghe các ca khúc viết về gia đình đã từng bật khóc, nhất là “Nhật ký của mẹ”. Có được những bài hát giản dị mà chạm tới trái tim như thế, phải chăng anh có bí quyết?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Có lẽ bài hát “Nhật ký của mẹ” may mắn được nhiều người dành tình cảm và sự trân trọng. Bí quyết của tôi là viết bằng chính trải nghiệm thật, với tất cả cảm xúc của bản thân cùng với sự chỉn chu trong ca từ, kiên định với quan điểm nghệ thuật đề cao cái đẹp và nhân văn.
- Trong bài hát này, từng có tranh luận về nội dung “sẽ có một người yêu con hơn mẹ yêu”, họ cho rằng “không ai yêu con bằng mẹ” và đó là lỗ hổng của nội dung?
Đúng là xét về bản chất cuộc sống thì không ai thương con hơn người mẹ, trên đời chỉ có người mẹ là yêu thương con nhất. Tuy nhiên, câu trong bài hát là “sẽ có một người yêu con hơn mẹ yêu” không phải là một câu khẳng định mà chỉ đơn giản là suy nghĩ, là mong muốn của người mẹ.
Người mẹ biết mình thương con nhiều đến chừng nào, thương như thế nào. Nhưng đến một lúc nào đó, mình không thể ở bên con được nữa, mình phải rời xa con. Vậy thì khi mình rời xa con, ai sẽ là người thay mình thương con, hiểu và bao dung với con, đồng hành cùng con. Người mẹ chỉ ước có một người thương con mình hơn cả tình yêu thương mà bản thân một người mẹ dành cho con cái.
Khi tôi viết “sẽ có một người yêu con như mẹ yêu” thì tự nhiên tôi khựng lại, nếu ở mức “như mẹ yêu” - dù đã là tình yêu rất vĩ đại rồi, nhưng khi mình đặt vào vai trò của người mẹ để nói câu đó thì cảm thấy là chưa đủ, bởi “như mẹ yêu” là đôi khi còn hờn giận, còn la mắng. Bởi vậy, người mẹ mong muốn “sẽ có một người yêu con hơn mẹ yêu”, lúc đó người mẹ mới sẵn sàng ra đi, còn nếu không thì không thể đành lòng bỏ lại con bơ vơ trên thế gian này.
- Là đại sứ âm nhạc trong dự án “Cùng con đi khắp thế gian” sử dụng ca khúc “Mẹ ơi có biết” giúp trẻ tự kỷ phát âm, tập nói. Thông qua dự án này, anh có cảm nhận gì trong việc sử dụng âm nhạc để chữa lành, xoa dịu những thiệt thòi, mất mát?
Thông qua dự án này tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi âm nhạc của mình lại có tác dụng để chữa lành, xoa dịu những mất mát, khiếm khuyết. Theo như chia sẻ của các anh chị trong quỹ thì khi đi giao lưu với các em nhỏ tự kỷ, ban tổ chức đã dùng các bài hát của tôi để xoa dịu nỗi buồn, nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ và sử dụng các bài hát ấy để hướng dẫn trẻ tự kỷ chậm nói có thể phát âm được.
Tôi thấy hạnh phúc vì âm nhạc của mình có nhiều ý nghĩa. Đối với một nhạc sĩ, việc bài hát được nhiều khán giả yêu mến, đón nhận đã là một niềm vui, nhưng khi âm nhạc có giá trị nhân văn, tác động tích cực đối với cuộc đời của nhiều người thì đó còn là niềm hạnh phúc vô cùng lớn. Và vì niềm hạnh phúc đó mà tôi luôn luôn theo đuổi ước mơ sáng tác những ca khúc mà tôi đã nói là “đề cao cái đẹp và nhân văn”.

Tranh cát thể hiện minh họa trong video ca khúc 'Nhật ký của mẹ'.
Khán giả là giám khảo rõ ràng nhất
- Không chỉ có nhiều ca khúc chủ đề gia đình, dành cho thiếu nhi... hầu hết các bài hát do anh sáng tác đều tuyệt đối không có yếu tố “sến, sẩm”?
Quan điểm sáng tác của tôi là đề cao cái đẹp - phải đẹp từ giai điệu, đến ca từ, nội dung, thông điệp cũng phải đẹp và cái tên bài hát cũng phải đẹp.
Nghệ thuật là tôn vinh cái đẹp của cuộc sống, những người làm nghệ thuật là những người miêu tả vẻ đẹp của cuộc sống thông qua những tác phẩm và góc nhìn của mình.
- Như anh thấy, thị trường âm nhạc hiện nay có rất nhiều ca khúc hay, ý nghĩa - nhưng cũng không ít bài hát mà người ta gọi là “vô tri, vô hồn”. Nhưng có khi, những bài hát “vô tri” lại dễ sống, dễ nổi tiếng?
Thực ra là nhạc sĩ, tôi rất hạn chế nghe các sáng tác của người khác vì sợ sẽ bị nhiễm giai điệu hay ID của họ, sẽ không tốt cho công việc sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận giải thưởng sáng tạo với ca khúc 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình'.
Việc một ca khúc dễ sống, dễ nổi tiếng là do sự đón nhận của khán giả. Khán giả là ban giám khảo rõ ràng nhất, bài hát hay thì sẽ nổi tiếng, hoặc bài hát nào khiến khán giả tò mò thì sẽ nổi tiếng trong một khoảng thời gian nào đó. Tuy nhiên, ca khúc ấy ở lại với khán giả bao lâu thì phụ thuộc vào giá trị nghệ thuật, hay giá trị cảm xúc.
Đối với một người nhạc sĩ, có những bài hát được khán giả yêu mến đã là một niềm vui lớn. Lại được mọi người yêu quý trân trọng vì những cảm xúc mà bài hát đó mang lại trong từng giai đoạn cuộc đời như khi biết yêu, giai đoạn thời học sinh - sinh viên, khi lập gia đình, khi có con, khi nghĩ đến cha mẹ... thì thật sự hạnh phúc. Tôi sẽ cố gắng giữ tâm hồn nhẹ nhàng bình yên ngắm nhìn cuộc sống và viết thêm những bài hát hay về cuộc đời gửi đến mọi người để đáp lại sự yêu thương to lớn ấy.
- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung!
Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983, là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng: “Chiếc khăn gió ấm”, “Mùa Đông không lạnh”, “Vầng trăng khóc”, “Ngôi nhà hoa hồng”, “Con đường mưa”… Mới đây, ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của anh được chọn trình diễn trong Lễ diễu binh, diễu hành ngày 30/4, làm “dậy sóng” các bảng xếp hạng âm nhạc, vượt mốc 5 tỷ view. Ngày 1/7, ca khúc này được UBND TPHCM chọn trao giải công trình sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.