Thất bại của Trần Hữu Tấn và bài học cho phim kinh dị Việt
Sau khoảng thời gian gây sốt, phim kinh dị, tâm linh dần đánh mất vị thế. Chuyên gia cho rằng đây là hiện tượng tất yếu xảy ra khi khán giả đã ngán ngẩm những công thức một màu.
Chỉ sau chưa đầy một tháng chiếu, Dưới đáy hồ đã lặng lẽ rời rạp với doanh thu khoảng 27 tỷ đồng. Thành tích này tỏ ra khiêm tốn so với mặt bằng chung phim kinh dị Việt một năm đổ lại đây, với nhiều cái tên thậm chí xô đổ cột mốc phòng vé trăm tỷ.
Bên cạnh Dưới đáy hồ, một số phim tâm linh/kinh dị khác cũng rơi vào cảnh thất thế tương tự như Ma không đầu, Âm dương lộ hay Năm mười... Vẫn còn khá sớm để kết luận dòng phim này đã "hết thời" sau khoảng thời gian làm mưa làm gió ngoài rạp Việt, áp đảo những thể loại khác. Song, đây rõ ràng là tín hiệu cảnh cáo mạnh mẽ cho sự xô lệch của bức tranh điện ảnh nội địa, khi chỉ mải mê chạy theo công thức ăn khách mà thiếu các thử nghiệm, sáng tạo mới mẻ.
Khi khán giả 'ngán' kinh dị
Từ sau mùa phim Tết Ất Tỵ, điện ảnh nội địa chính thức bước vào giai đoạn "bội thực" kinh dị, tâm linh. Lần lượt là những Đèn âm hồn, Nhà gia tiên, Quỷ nhập tràng hay Thám tử Kiên liên tục gây sốt.
Đèn âm hồn ra mắt từ ngày 7/2, chỉ sau khoảng một tháng đã mang về hơn 100 tỷ đồng. Thành tích này gây tranh luận, bởi phim ngay từ khi ra mắt đã vấp phản ứng gay gắt từ đại chúng vì phần kịch bản rời rạc lại ôm đồm, phong cách kể chuyện cũ kỹ. Thế nhưng chỉ nhờ hiệu ứng từ tên tuổi đạo diễn Hoàng Nam và chiến dịch quảng bá rầm rộ, Đèn âm hồn vẫn ngang nhiên thống trị rạp chiếu.
Ngay sau đó, Nhà gia tiên của Huỳnh Lập trình làng. Mang trong mình màu sắc tâm linh xen lẫn kinh dị, phim nhanh chóng thu hút chú ý. Tuy nhiên, khán giả một lần nữa thất vọng khi chuyện phim nhiều lỗ hổng, diễn xuất nặng tính thậm xưng. Dù có một số ý tưởng đáng khen, hồi kết tham lam và sai hướng khiến thông điệp phim bị bóp méo, trở nên lệch lạc. Dẫu vậy, sức hút từ cái tên Huỳnh Lập, Phương Mỹ Chi cùng sự lên ngôi của thể loại kinh dị, tâm linh vẫn giúp tác phẩm dắt túi 243 tỷ đồng, lọt top 10 phim Việt ăn khách nhất lịch sử.
"Nghịch lý phòng vé" một lần nữa xảy ra với Quỷ nhập tràng. Dù bị đánh giá "thảm họa", phim vẫn gây sốt nhờ dàn cast nổi tiếng và những chiến dịch truyền thông hiệu quả. Kết thúc hành trình, đứa con tinh thần của Pom Nguyễn thu 150 tỷ đồng - dẫn đầu danh sách phim Việt thuần kinh dị kiếm nhiều tiền nhất.

Út Lan là phim kinh dị Việt mới nhất được trình làng.
Dễ dàng nhận thấy, thành tích phòng vé của phim kinh dị, tâm linh Việt gần đây phần lớn không tỷ lệ thuận với chất lượng. Những dự án này dễ tiêu thụ, dễ được đón nhận tức thời nhưng lặp đi lặp lại công thức rập khuôn, thiếu chiều sâu và sự sáng tạo một cách trầm trọng. Bất chấp hạn chế đó, làn sóng kinh dị, tâm linh vẫn bùng nổ, được các nhà sản xuất đổ xô khai thác như một phương pháp hiệu quả "câu" người xem ra rạp.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian phòng vé Việt "bội thực" thể loại này, dấu hiệu thoái trào đã bắt đầu xuất hiện rõ nét. Khoảng 2 tháng đổ lại đây, phim kinh dị, tâm linh gặp nhiều trở ngại ngoài rạp, sức tiêu thụ không áp đảo như trước. Điển hình là Âm dương lộ, khi doanh thu chỉ hơn 30 tỷ đồng - chấm dứt chuỗi thắng lợi liên tiếp của dòng phim này.
Sau cú sẩy chân của Âm dương lộ, tình cảnh càng thêm ảm đạm với sự xuất hiện của Năm mười. Tác phẩm tiếp tục bị chê thảm họa cả về nội dung lẫn diễn xuất. Nhưng lần này, kỳ tích phòng vé đã không xảy ra như Đèn âm hồn hay Quỷ nhập tràng: doanh thu phim lẹt đẹt, chỉ khoảng 2,3 tỷ đồng.
Hay như Ma không đầu - từng là hiện tượng phòng vé khi lần đầu ra mắt - gần đây tái chiếu nhưng rơi vào cảnh ế ẩm, lọt thỏm trên bảng tổng sắp doanh thu.
'Giải ngấy' phim kinh dị Việt
Trong bối cảnh dòng phim kinh dị, tâm linh nội địa dần rơi rụng sức hút, sự xuất hiện của những tác phẩm thuộc thể loại mới đã giải "ngấy" cho thị trường phim Việt, đồng thời tạo nên những điểm sáng bất ngờ tại phòng vé.

Địa đạo tạo nên kỳ tích cho dòng phim chiến tranh của điện ảnh Việt.
Tiêu biểu nhất là Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Khai thác đề tài chiến tranh - thể loại vốn cực kỳ kén khách, tác phẩm lại làm nên kỳ tích khi làm dậy sóng rạp Việt tháng 4. Thu hút sự quan tâm và được đánh giá cao về mặt nội dung, chất lượng sản xuất, Địa đạo tạo nên cuộc cách mạng phòng vé, dắt túi 172 tỷ đồng - con số không tưởng với một dự án tài liệu/chiến tranh trên màn ảnh Việt.
Thành công của Địa đạo cho thấy khán giả nội địa luôn sẵn sàng đón nhận những bộ phim chất lượng, miễn là chúng mang lại trải nghiệm mới mẻ, giàu cảm xúc thay vì chạy theo công thức dễ dãi.
Tiếp nối tác phẩm của Bùi Thạc Chuyên, mới đây, Điều ước cuối cùng ra mắt cũng tạo nên cú hích tiếp theo cho thị trường điện ảnh Việt. Thuộc thể loại hài hước, gia đình - dòng phim từng làm mưa làm gió rạp nội địa một thời, tác phẩm nhanh chóng vượt mặt phim kinh dị Út Lan, mang về hơn gần 9 tỷ đồng sau các suất chiếu đầu tiên.
Sự trở lại của thể loại hài hước, gia đình góp phần cân bằng lại thị trường sau khoảng thời gian dài "bội thực" tâm linh, kinh dị. Trao đổi với Tri Thức - Znews, nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng nhận định thị trường đang đi vào chu kỳ mùa phim hè, vốn là giai đoạn hiếm khi có phim Việt doanh thu cao. Cộng với việc quá nhiều tác phẩm kinh dị/tâm linh dồn dập phát hành với motif na ná nhau, "vật cực tất phản" sẽ khiến khán giả ngán ngẩm và quay lưng, đi tìm những món ăn tinh thần mới mẻ, hấp dẫn hơn.

Điều ước cuối cùng mang thể loại hài/gia đình trở lại rạp Việt.
“Trước mắt, một số phim kinh dị/tâm linh có màu sắc đặc biệt sẽ vẫn tạo sự quan tâm nhất định đối với người xem. Ngoài ra, nhiều thể loại phim mới xuất hiện, với những cái tên như Mưa đỏ, Làm giàu với ma 2, Tử chiến trên không... sẽ kéo khán giả nội địa quay trở lại rạp nhiều hơn, lấy đà cho mùa phim cuối năm”, ông Tùng cho biết.
Về bức tranh thị trường thời gian tới, chuyên gia cho rằng còn sớm để kết luận phim kinh dị, tâm linh đã “hết thời”. Bởi khán giả Việt rất yêu thích đề tài tâm linh, kinh dị tương tự khán giả Thái Lan. Dòng phim này vốn có nhiều “chiêu trò” và kỹ thuật để dễ dàng thu hút sự tò mò, quan tâm từ phía đại chúng. Vậy nên, chúng sẽ luôn giữ một vị thế đặc biệt trong lòng người xem.
Chỉ có điều, để một lần nữa khơi gợi sự hào hứng nơi khán giả, các nhà làm phim sẽ phải nêm nếm thêm nhiều gia vị và tìm cách làm tươi mới dòng phim này, như kinh dị cổ trang, tâm linh dân gian hay các vũ trụ điện ảnh mang dấu ấn đặc sắc… Ở khía cạnh khác, sự sảy chân của kinh dị, tâm linh ngoài rạp cũng tạo điều kiện cho nhiều thể loại khác tỏa sáng thời gian tới, như drama/gia đình (Đem mẹ đi bỏ, Điều ước cuối cùng, Đợi gì mơ đi, Cục vàng của ngoại), hay hình sự/tội phạm (Trại buôn người, Trái tim què quặt, Giải cứu)...