Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Tình yêu ở lại

Là tác giả của nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng, nhưng nhắc tới nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, bên cạnh đó vẫn đọng lại trong lòng công chúng những bản tình ca ngọt ngào nhất. Có lẽ, bởi khi chọn đề tài gì, 'bậc thầy phổ nhạc' - người chắp cánh cho bao vần thơ bay lên bằng âm nhạc vẫn nhìn qua lăng kính của tình yêu. Tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người, tình yêu đôi lứa… quyện hòa trong từng hơi thở âm nhạc của ông để làm nên Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Anh ở đầu sông em cuối sông, Những ánh sao đêm, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… Và chính bởi sự ngọt ngào của tình yêu đã giúp âm nhạc của ông neo lại trong lòng người sâu sắc.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2024), Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, Hội Âm Nhạc TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Thành phố phối hợp tổ chức; Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố, Ban Ca nhạc - Đài Truyền hình Thành phố phối hợp thực hiện chương trình nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu - Tình yêu ở lại”.

Đêm nhạc “Phan Huỳnh Điểu – Tình yêu ở lại” nhân 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ

Đêm nhạc “Phan Huỳnh Điểu – Tình yêu ở lại” nhân 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ

NỔI TIẾNG TỪ 16 TUỔI, VỚI CA KHÚC ĐẦU TAY

Ca khúc mở đầu đêm nhạc - Trầu cau được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết năm 16 tuổi. Ông lấy cảm hứng sau khi xem vở kịch Tục Lụy (thơ Châu Vinh và Thế Lữ, nhạc của Lưu Hữu Phước) của đoàn kịch Thế Lữ biểu diễn tại Đà Nẵng. Mong ước viết một vở ca kịch mang sắc màu cổ tích như thế, nên dù chỉ mới học nhạc lõm bõm, ở tuổi 16, ông vẫn liều viết Trầu cau bằng cây đàn mandoline (đây cũng là cây đàn ông dùng để sáng tác những ca khúc mang dấu ấn sau này)… Ban đầu, ý định của nhạc sĩ chỉ để đoàn Sói Con của mình hát trong các đêm lửa trại trong phong trào Hướng đạo nhưng không ngờ khi lọt ra ngoài, Trầu cau đã đưa lại thành công lớn cho ông; người nghe càng bất ngờ hơn khi tác giả của ca khúc đầy yêu thương, ngậm ngùi, sâu sắc này lại chỉ mới 16 tuổi.

Những người nghe nhạc Phan Huỳnh Điểu, dù say đắm với những ca khúc cách mạng, thấm đượm với những ca khúc tình yêu lứa đôi… thì vẫn nhắc tới ca khúc đánh dấu tên tuổi nhạc sĩ đất Quảng trong làng tân nhạc Việt Nam: Trầu cau. Dù có độ chênh với những trường ca cùng thời (Văn Cao với Thiên thai, Lê Thương với Hòn Vọng Phu…) thì Trầu cau của chàng nhạc sĩ trẻ tuổi 16 vẫn có một vị trí sâu đậm, được đánh giá như một điểm nhấn trong những trường ca của tân nhạc bấy giờ. Thậm chí nhiều người khẳng định: Thiếu Trầu cau thì không phải Phan Huỳnh Điểu! Có lẽ bởi với ca khúc này, chàng trai trẻ đã định hình một phong cách âm nhạc của mình ngay từ đầu, để rồi suốt cả chiều dài con đường âm nhạc, ông đi theo và định danh chính mình: Nhạc sĩ của tình yêu.

Với sự thành công của nhiều khúc ca trữ tình sâu lắng, tên tuổi của Phan Huỳnh Điểu còn được nhắc đến như một người chắp cánh cho sự trường tồn của tình yêu bằng âm nhạc. Ông là một nhạc sĩ “không có tuổi”, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tác khi “bóng xế tuổi già”. Và dẫu hôm nay, khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không còn nữa thì các ca khúc của ông vẫn sống và được công chúng say mê, đón nhận bởi những lời tình ca đầy tha thiết, đầy đắm say và rất trẻ trung như chính tâm hồn của Phan Huỳnh Điểu lúc sinh thời.

Tốp ca với ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao

Tốp ca với ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao

NHỮNG TÌNH CA THEO CHIỀU DÀI ĐẤT NƯỚC

Phan Huỳnh Điểu được xem là một trong những nhạc sĩ có sáng tác gắn liền với chiều dài lịch sử đất nước. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán gốc của Ông là ở Điện Bàn, Quảng Nam, sau này ông đã chọn TP Hồ Chí Minh làm quê hương thứ hai của mình. Cả tuổi thơ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lớn lên trong những làn điệu dân ca, câu hò đằm thắm của vùng đất Quảng. Với Quảng Nam yêu thương, ca khúc ông viết như rút từ tim mình ra để trao trọn một tình yêu sâu sắc dành cho quê hương; để rồi mấy mươi năm qua bao người nghe và yêu đất Quảng bởi sự nồng đượm như “rượu hồng đào chưa nhấm đã say” trong âm nhạc Phan Huỳnh Điểu, thương đất Quảng cũng bởi sự da diết, ân tình mà ông gửi gắm.

Nhưng, khi nghe đến Bóng cây Kơ - nia, ca khúc được ông viết 6 năm công tác ở chiến trường miền Nam và Tây Nguyên, được ông dùng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên tạo nên một ca khúc sâu lắng, trữ tình lúc tha thiết nhớ nhung, lúc thôi thúc dồn dập, lúc vang vọng nhắn nhủ mới thấy phải yêu và hiểu đại ngàn đến sâu thẳm mới viết được những giai điệu đẹp đến vậy. Và với Anh ở đầu sông, em cuối sông thì những dạt dào, ngọt ngào của câu hò, điệu lý sông nước miền Tây đã thấm trong từng hơi thở để nhạc sĩ viết nên ca khúc mộc và ngọt đến ấm lòng này.

Dù viết về mảnh đất nơi mình sinh ra lớn lên, mảnh đất nơi mình gắn bó, chiến đấu… thì vẫn rất dễ để nhận thấy sự nồng nàn yêu thương trong từng giai điệu ông viết. Tình yêu ấy được thể hiện qua khả năng bậc thầy sử dụng âm hưởng dân gian đặc trưng vùng miền, cùng khả năng tinh tế khi chọn những bài thơ để phổ nhạc đã giúp ông có được những tác phẩm mang dấu ấn đậm sâu không chỉ cho con đường âm nhạc của mình mà cho âm nhạc Việt. Có thể thấy, những tình khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là tình yêu phát triển theo năm tháng. Từ Trầu cau - tình yêu thủy chung thấm đượm ca dao, cổ tích; Những ca khúc qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc Đoàn giải phóng quân - tình yêu son sắt, “thề quyết không lui” khi Tổ quốc nguy nan của những buổi đầu kháng chiến; Mùa đông binh sĩ; Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Sợi nhớ sợi thương, Bóng cây Kơ nia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Những ánh sao đêm, Đêm nay anh ở đâu…trải qua bao gian nguy đạn bom, thăng trầm cắt chia đất nước vẫn giữ trọn niềm tin yêu; hay Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu - những ca khúc được coi là bất hủ về tình yêu đôi lứa… hết thảy vẫn ngời lên niềm tin tưởng, lạc quan vào tương lai tươi sáng của số phận con người, đất nước. Và hầu như chưa có tác phẩm nào ông viết ra trong tâm trạng buồn nản hay thất vọng. Ông từng nói: "Tôi chỉ sáng tác nhạc khi trong lòng thấy vui vẻ, lạc quan vì muốn truyền điều đó đến cho người nghe. Trong đầu tôi không bao giờ ngừng vang lên giai điệu, trong tim không bao giờ ngừng yêu. Giờ cao tuổi, mình không có người yêu nữa thì mình yêu cuộc đời, yêu thiên nhiên...".

Thật vậy, không khó để nhận ra, trong âm nhạc Phan Huỳnh Điểu, phần lớn các ca khúc của ông viết trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc được thể hiện bằng giai điệu trữ tình, da diết, khá khác biệt với nhiều nhạc sĩ cùng thời khác. Đó là những sáng tác ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, chiến tranh và sự chờ đợi, thủy chung. Dù là đề tài viết về chiến tranh hay sự mất mát, tình yêu lứa đôi nồng nàn hay nỗi buồn chia cách thì âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu vẫn toát lên tinh thần lạc quan, những bản tình ca của ông với giai điệu trữ tình, trau chuốt, luôn ngọt ngào, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Bởi với ông, “Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao!” dường như đã là chân lý.

Tốp ca với ca khúc Trầu cau

Tốp ca với ca khúc Trầu cau

VÀ TÌNH YÊU ĐỌNG LẠI TRONG ĐỜI

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà kể kỷ niệm về ba mình với nhiều xúc động: "Tôi và các anh em tôi may mắn hạnh phúc khi được là con của ông. Có rất nhiều điều có thể nhớ mãi về ba mà khi nhắc đến ông có lẽ không giữ được nước mắt. Chúng tôi nhớ mãi khoảng thời gian từ năm 1964 đến năm 1970, là thời điểm ông đi chiến trường để công tác, anh em chúng tôi phải đi sơ tán. Chúng tôi thường trèo lên cây mít chơi, nhìn về hướng Nam và hát Tình trong lá thiếp của ba với nỗi nhớ khôn nguôi. Còn với riêng cá nhân tôi, có một kỷ niệm, khi ở Hà Nội, nhà tôi có một cái tủ đựng đồ, có cả đồ của ba ở trong đó. Thời điểm đó ba ở trong chiến trường. Tôi vẫn lấy quần áo của ba ra hít mùi của ba còn vương lại trong quần áo và khóc khi nhớ đến ba. Và cho đến bây giờ, nghĩ lại vẫn rất xúc động. Đối với cá nhân tôi, tôi sẽ không thể quên được những kỷ niệm sâu sắc ấy".

Là một trong những ca sĩ đầu tiên hát bài Đêm nay anh ở đâu trên các chiến trường, ca sĩ Thục An kể: "Khi tôi còn là một ca sĩ trẻ, những bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã theo tôi đi khắp chiến trường Khe Sanh, thành cổ Quảng Trị, đến những ụ pháo, những đơn vị bộ đội, những vùng hải đảo xa xôi hay những rừng sâu hẻo lánh… Tôi đã đi mọi nơi bằng những bài hát của Phan Huỳnh Điểu và được mến yêu lúc bấy giờ. Các cụ có nói một câu “Kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Tôi không biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là ai cả ngoài những ca khúc tuyệt vời của ông. Cho đến sau ngày thống nhất đất nước, nghỉ hưu theo các con vào sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, 15, 16 năm về trước, trong một buổi sinh hoạt với cựu văn công quân đội, tôi vẫn hát bài hát Đêm nay anh ở đâu nhưng khi hát xong thì có một người ốm ốm, cao cao, gầy gầy đưa lên một bông hoa tặng tôi. Ông nói: “Cảm ơn Thục An đã hát bài hát của tôi”. Lúc bấy giờ tôi mới biết đó là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người tôi rất quý trọng mà chưa có dịp gặp gỡ. Nhạc sĩ có nói với tôi một câu trước hết tất cả mọi người: “Thục An có hỏi là Đêm nay tôi ở đâu hả? Đêm nay tôi ở Cư Xá Bắc Hải (là tư gia của ông)”. Bên cạnh niềm vui lớn khi được gặp ông, nhạc sĩ sáng tác những bài hát mà mình đã hát trên dưới 50 năm. Tôi từng tự hỏi và hiểu rằng vì sao một nhạc sĩ có được những bài hát tuyệt vời, nổi tiếng như thế? Là bởi, bên cạnh sự tài hoa, nhạc sĩ còn là người vui vẻ, trẻ trung và rất chân thành".

“Chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại” - Qua các tác phẩm để đời của mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu gửi đi thông điệp: Thế gian này, mọi thứ rồi sẽ tan biến hết, nhưng tình yêu thì vô tận, tình yêu là thứ đẹp nhất, duy nhất còn ở lại. Một đêm âm nhạc chân dung nhạc sĩ tài danh Phan Huỳnh Điểu khó có thể nói hết con đường âm nhạc cũng như tình cảm của mọi người đối với ông. Với những người yêu nhạc, vui vẻ đứng xem, vỗ tay, hát cùng ca sĩ khi khán phòng hết chỗ - điều khó tìm thấy trong thời nay. Với những người có thể thuộc nằm lòng những ca khúc của ông, say mê hát theo ca sĩ và cả những người ngạc nhiên hỏi nhau: “Ô, bài hát này cũng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu à?” - khi nghe đến ca khúc mà mình thuộc nằm lòng từ lâu nhưng vô tình không biết tên nhạc sĩ…

Tôi nghĩ, đấy là hạnh phúc cho người sáng tác lẫn hạnh phúc cho người yêu nhạc của ông. Và hạnh phúc ấy, không chỉ 100 năm để lại dấu ấn trong đời này, tin rằng sẽ còn mãi.

VÕ THU HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/nhac-si-phan-huynh-dieu-tinh-yeu-o-lai-5621e87/