Nhạc sĩ Phú Quang đáp lại những câu hỏi 'khó chịu'
Phú Quang là một trong số ít nghệ sĩ thường nói thẳng, thật những suy nghĩ của mình và không sợ làm mất lòng người khác. Ông bảo: nếu đến cả suy nghĩ của mình cũng không dám nói thật, sống vậy thì khổ quá!
Với một tên tuổi như Phú Quang, trên con đường âm nhạc có không ít những đồn thổi, thóc mách. Sự khó chịu mà ông thường xuyên phải đối mặt chính là những nghi ngờ về khả năng viết lời bài hát của ông.
Nhiều người, thậm chí cả bạn bè không ít lần “lấy làm tiếc” vì Phú Quang có vẻ “lạm dụng” việc phổ thơ và phụ thuộc vào điều này (dù nhiều bài thơ nhờ ông phổ nhạc mà nổi tiếng).
Một lần vui chuyện, Phú Quang bảo: “Trả lời nghiêm túc đây này”, rồi ông ra vẻ sửa soạn như trước khi lên hình, đoạn nói một lèo: “Ở Việt Nam người ta rất quan trọng việc đặt lời bài hát nhưng nhìn chung người ta không để ý điều này: Schubert được gọi là “Hoàng đế của các ca khúc” nhưng ông ấy không có một lời bài hát nào của ông ấy cả, tất cả đều là thơ của Schiller, của Goethe... Thực ra phổ thơ nó mang tính chuyên nghiệp nhiều hơn là mình đặt lời, tính chuyên nghiệp của người nhạc sĩ cao hơn. Trên thế giới, nếu để ý các bài hát thì hầu hết là lời của một người, nhạc của một người”.
Tôi lại hỏi: Vậy từ trước đến nay có nhà thơ nào “cự nự” chuyện phổ nhạc của ông không?
Ông khẳng định: Cho đến bây giờ thì tôi cũng chưa nghe nhà thơ nào cự nự kể cả những người mà tôi chỉ lấy của họ một câu. Nhiều trường hợp tôi đề tên nhà thơ nhưng chỉ dùng đúng một câu của nhà thơ ấy. Có người nói khi tôi trả tiền bản quyền cho họ: có một câu mà Quang cứ trả tiền anh ngại. Tôi bảo không, không phải tôi đề cao các nhà thơ nhưng tôi phải cám ơn họ là nếu không có cái tứ ấy nó không nảy ra bài hát. Cho nên mình đề tên họ trong đấy cũng là một thái độ trân trọng nhưng cũng rất là sòng phẳng.
Một lần ông phát ngôn “tiền hậu bất nhất”, tôi hỏi vặn, ông cười khì bảo: “Chỉ có những nhà giáo lý mới nói ra là như đinh đóng cột, còn nghệ sĩ thích thì làm, không thích thì bỏ, miễn là lương thiện”.
Nói chuyện về việc một số nhạc sĩ trẻ nói rằng muốn nâng điểm nghe của khán giả thì phải tập cho họ quen với thứ âm nhạc bác học, tôi hỏi Phú Quang nghĩ thế nào về quan điểm này, ông bảo: Nghệ thuật ngoài việc chiều lòng khán giả cũng phải hướng dẫn cho khán giả. Bao giờ một album của tôi ra thì người ta cũng nói album trước hay hơn nhưng sau đó thì người ta nói công nhận cái này hay hơn. Tôi nghĩ cái gì cũng phải có thời gian để làm quen và người làm một cái gì mới thì phải chấp nhận sẽ có người họ thấy xa lạ nhưng mà tôi tin nếu mình làm nghệ thuật đích thực thì sẽ hút được họ đến.
Thời điểm ấy Phú Quang làm show khá dầy, tôi hỏi đó có phải là áp lực của thành công hay không, ông bảo: Thành công là điều đáng lo lắng vì thất bại là điều bình thường, mình sẽ rút kinh nghiệm làm lại cái khác. Nhưng mà ví dụ cái show này hay hơn show trước thì tôi rất lo vì tôi không biết phải làm thế nào với cái show sau của mình. Về nguyên tắc của tôi trong việc làm các liveshow là chương trình sau phải tự bóp chết chương trình trước của mình. Đấy là ý nguyện của tôi, dù chỉ là nhích hơn một phân thôi nhưng nó cũng phải hơn cái trước. Tôi không có được cái hạnh phúc của mấy con gián sau khi kiếm được mẩu bánh mỳ thì ngồi tự hào ve vẩy râu. Tôi không có được cái rung đùi ấy.
Đáp lại lời “bắn tin”: “nghệ thuật mỗi người chỉ có một thời thôi và nghệ sĩ thì nên chấp nhận cái sự hết thời ấy”, Phú Quang nghiêm túc: Tôi không tin vào điều đó vì trí tuệ người sáng tạo càng già càng sâu sắc hơn, tất nhiên phải lao động cần cù. Khi tôi hơn hai mươi tuổi có người nói đây đang là thời của ông, ông phải tranh thủ không qua cái thời này là nó mất đi nhưng tôi chả tin bởi vì nếu hai mấy tuổi làm được thì ba mấy tuổi sao không làm được. Mà những cái gì thuộc về trí tuệ thì càng già nó càng sắc bén nếu được rèn luyện đều đặn.