Nhạc sĩ Trần Tiến: Bài hát là khuôn mặt mình
Trần Tiến xuất hiện ở Hà Nội. Áo vest kẻ caro màu đỏ, đội mũ nồi. Vẫn vẻ phong trần lãng tử. Ông xóa tan lời đồn về việc vài tờ báo mạng mấy hôm trước chạy dòng tin nóng: Nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì ung thư vòm họng…
1. Trần Tiến vẫn dí dỏm như xưa. Ông vẫn khiến người ta bật cười khi nghe ông nói chuyện. Tỉ như khi ông thổ lộ, không thích gọi là chú, chỉ muốn gọi bằng anh. Với Trần Tiến, không có chú hay bác nhạc sĩ, chỉ có chàng nhạc sĩ. Rồi Trần Tiến hóm hỉnh, người viết nhạc sống bằng giai điệu và lời ca chứ không phải bằng cơ bắp. Điều tuyệt vời nhất là giai điệu và lời ca mà họ viết ra còn sức trẻ chứ nếu nó già thì chán chết.
Trần Tiến bảo, mỗi lần ra Hà Nội, sướng nhất là buổi sáng được thoải mái đi bộ ở Hồ Gươm ngắm sương mù, rồi lang thang phố xá “thăm mấy người tình thức ăn” như bánh cuốn Thanh Trì, bánh đúc nóng, phở bò Cồ Cử, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng… “Tôi đi đến đâu cũng có người hỏi “Ôi anh Trần Tiến còn sống à?”. Rồi vì thấy tôi còn sống và đến ăn quà, chủ hàng tuyên bố “Anh Tiến không phải trả tiền”. “Vui vậy đấy!”- Trần Tiến hào hứng kể.
Trần Tiến cũng cho rằng, với mỗi người nghệ sĩ, bài hát là khuôn mặt của mình. “Tôi không muốn xuất hiện trước truyền thông nhiều vì mình làm con người thì sướng hơn siêu sao. Sao rồi cũng vụt tắt. Khi khán giả quan tâm tới tôi, tôi chỉ mong họ quan tâm đến những bài hát để những sáng tác của tôi làm sao cho các bạn nghe vẫn thấy nó khỏe, trẻ”- nhạc sĩ nói.
Ở ngưỡng tuổi ngoài 75 và trận ốm mới rồi khiến thần thái vị nhạc sĩ “Mặt trời bé con”, dù cố, cũng vẫn thấy dấu hiệu của tuổi già. Nhưng Trần Tiến quả quyết, ông vẫn khỏe để thực hiện nhiều dự án âm nhạc, mà trước mắt là hai đêm nhạc “Chuyện tình”. Đó là đêm nhạc với những câu chuyện được kể bằng âm nhạc giữa hai nhạc sĩ, một Thanh Tùng đã phiêu diêu miền mây trắng và một Trần Tiến… thi thoảng lại bị đồn đang ốm thập tử nhất sinh, thậm chí bị đồn đã qua đời.
“Trước đây, tôi với Thanh Tùng cũng từng nghĩ đến chuyện làm một đêm nhạc. Nhưng khi đó tôi nói với anh Thanh Tùng rằng tôi rất mê tín. Tiến với Tùng mà làm đêm nhạc với nhau thì chỉ có... túng tiền thôi” - nhạc sĩ Trần Tiến kể, vẫn bằng những câu chuyện dí dỏm rất riêng - “Cho nên cứ để sau này sẽ có người tổ chức đêm nhạc cho mình. Không ngờ đến nay, mong ước ấy của chúng tôi cũng thành hiện thức, chúng tôi sắp có đêm nhạc kết hợp với nhau”.
Đêm nhạc ấy, lẽ ra được tổ chức vào tối 7 và 8/3 vừa rồi, nhưng vì Covid-19 và sự an toàn của khán giả, mà lại dời đi đến ngày 27, 28/3 mới diễn ra. Không sao. Khán giả dù mua vé thường hay vé VIP vẫn chờ đợi Trần Tiến, để nghe những câu chuyện dí dỏm, những bài hát mới.
Bài hát mới mang tên “Không gục ngã”. Ông kể: “Tôi đã viết Không gục ngã vào những ngày đang nằm trên giường bệnh, không thể bước xuống đất và cứ nghĩ rằng mình sắp chết. Lúc đấy, tôi cố gắng bò dậy, nhấc người lên để có thể đứng dậy. Ngay lập tức, giai điệu đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là “Đứng dậy đi…”. Lúc đấy tôi viết trên laptop, cứ tự hát và tự phối. Thế nhưng nhờ bài hát mà tôi sống lại cho đến bây giờ. Đó là sự trở lại cực kỳ hùng dũng, như từ cõi chết trở về” - Trần Tiến nhớ lại.
Bài hát ấy sẽ được Trần Tiến chuẩn bị hai bản, một hard rock và một rock để Hà Trần - cô cháu gái - gửi đến khán giả. “Tôi rất muốn các bài hát của tôi có sức trẻ, sức mạnh. Còn tôi có thể bệnh nặng, có thể sắp chết nhưng tất cả điều này đều phải ở phía sau bài hát”- Trần Tiến thổ lộ.
2. Trần Tiến là người sống đầy. Ở ông, luôn có dòng nhựa sống như trực trào ra. Việc sáng tác của Trần Tiến, vì thế, cũng tuôn trào mạnh mẽ. Ông viết, và vứt đó, và quên đi, không nhớ rằng mình đã viết. Đó là một thói quen có thật ở ông. Bởi thế mới xảy chuyện, “một lần thấy Hà Trần hát “Chuyện tình thảo nguyên”, tôi bảo bài này của ai mà hay thế nhỉ? Hà Trần tròn mắt bảo bài của bố mà, bố không nhớ à. Lúc ấy tôi mới nhớ ra đó là bài của mình” - nhạc sĩ kể lại. Quan điểm của ông: “Viết xong phải quên bài đó đi để còn viết bài khác”.
“Trời cho tôi 2 lần suýt chết để viết 2 bài là “Sắc màu” và “Không gục ngã”. Trời cho tôi vào chiến trường và gặp biết bao nhiêu chuyện. Trời cho tôi những ngày bị người ta xua đuổi, coi mình như thằng “gán tiền” - Tiến “gàn”. Trời cho tôi những ngày bị đuổi việc vì mặc quần loe, để râu và đúng lúc bị đuổi thì được mời vào TP HCM, nếu không thì tôi sẽ bơ vơ. Mọi thứ đúng là cuộc đời sắp xếp. Vào đó, tôi tiếp cận được với âm nhạc trẻ trung của Mỹ. Tôi gần như là người đầu tiên đưa nhạc Việt vào tất cả các thể loại pop, rock...” - nhạc sĩ tâm sự khi nhìn lại cuộc đời nhiều chìm nổi của mình.
“Hãy sống như lời bài hát của chính mình. Đừng dạy người khác, hãy dạy chính mình” - nhạc sĩ Trần Tiến tự nhủ, đồng thời dí dỏm bày tỏ, ca khúc “Không gục ngã” có thể gọi là bài “Bệnh nhân ca” để động viên, truyền cảm hứng cho những người đang mang bệnh trong người.
3. Trần Tiến sinh ngày 16/5/1947, là em trai của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu. Năm 16 tuổi, Trần Tiến làm hậu đài Đoàn ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học nhạc, ông là ca sĩ đơn ca của Đoàn. Từ năm 1971 đến năm 1978, Trần Tiến theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp bằng thanh nhạc và sáng tác giao hưởng.
Nhắc đến Trần Tiến, khán thính giả yêu nhạc thường nhớ ngay đến một người nhạc sĩ đầy chất lãng tử. Suốt nhiều thập niên qua, có thể nói tên tuổi và những sáng tác của ông quyện chặt vào ký ức đẹp của nhiều thế hệ yêu nhạc. Ông còn được mệnh danh là “nhạc sĩ du ca” vì những chuyến đi hát phục vụ khán giả hồi những năm 90 của thế kỷ trước. Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng nói: “Trần Tiến sinh ra để du ca hay du ca là phương thức, là bản chất của Trần Tiến”.
Phong cách sáng tác của ông thay đổi theo từng thời kỳ, lúc thể hiện tinh thần yêu nước: “Giai điệu Tổ quốc”, “Vết chân tròn trên cát”..., khi cổ động cho tinh thần đổi mới: “Rock đồng hồ”, “Trần trụi 87”... và cả dân gian đương đại: “Tùy hứng lý ngựa ô”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Quê nhà”... Nhìn nhận về sự thành công qua mỗi sáng tác, Trần Tiến cho rằng ông chỉ đóng góp được 20% công sức, 80% còn lại là “trời cho”.
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ trong phim tài liệu của mình rằng, ông thích xê dịch, thích đi lang thang, ngắm phố xá và ngồi cà phê với bạn bè. Những chuyến ngao du mang lại cho nhạc sĩ những cảm xúc và chất liệu âm nhạc tuyệt vời để ông sáng tác thêm nhiều khúc du ca về quê hương, đất nước…
Năm 2007, nhạc sĩ Trần Tiến nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm “Bài ca thanh niên ra tiền tuyến” (1967), “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” (1968), “Giai điệu Tổ quốc” (1980), “Chiếc vòng cầu hôn” (1984)...
Trần Tiến - những suy nghĩ bâng quơ
* Chúng ta có thể quên quá khứ. Nhưng rồi chúng ta sẽ là quá khứ. Quá khứ không hề quên chúng ta. Đừng nghĩ ta là loài chim bay không để lại dấu.
* Cũng như nước, rồi sẽ bốc hơi. Ai rồi cũng chết. Ta sống không phải để sợ chết. Ta chỉ sợ sống chưa đủ...
* Trời cho tôi một ngôi nhà ven biển, phía hoàng hôn rơi. Cứ chiều về ngồi với người bạn già để nói chuyện bình minh.
Sáng mai sẽ vui mà. Tin tôi đi, đừng mãi làm kẻ của ngày hôm qua. Người của bình minh có thể xấu đẹp, có thể mang lộc hay bất an. Nhưng ít nhất là vui. Không có gì buồn hơn, nếu cứ cũ như ngày qua. Chúng ta di chuyển càng chậm càng không nên. Chúng ta không phải thiên nga. Chúng ta là cá mập. Nụ cười đẹp trong ngày mới, có thể cho ta một thế giới.
* Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng. Hãy dũng cảm táo bạo nhưng phải biết hưởng thụ.
* Đừng bao giờ nghĩ mình sắp chết và cũng nên nghĩ mình có thể chết ngay bây giờ. Cứ thế mà định liệu cuộc sống mình.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhac-si-tran-tien-bai-hat-la-khuon-mat-minh-557596.html