Nhạc sĩ Trần Tiến: Không gục ngã!
Sở hữu gia tài tác phẩm đồ sộ mà nhiều người mơ ước nhưng nhạc sĩ Trần Tiến rất khiêm tốn. Ông bảo sự nổi tiếng của mình 80% là trời cho, ông chỉ đóng góp được 20% công sức
Tác giả ca khúc "Mặt trời bé con" cho biết ông chỉ thích làm người bình thường. "Vì người bình thường sướng hơn ngôi sao" - ông khẳng định.
Cuộc đời sắp xếp
Nhạc sĩ Trần Tiến dẫn chứng: Khi ông ra Hà Nội, sướng nhất là buổi sáng được thoải mái đi bộ ở hồ Gươm ngắm sương mù, thăm mấy "người tình thức ăn" như bánh cuốn Thanh Trì, bánh đúc nóng, phở bò Cồ Cử, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng…
"Tôi đi đến đâu cũng có người hỏi "Ôi anh Trần Tiến còn sống à?". Rồi vì thấy tôi còn sống và đến ăn quà, chủ hàng tuyên bố "anh Tiến không phải trả tiền". Vui vậy đấy!" - nhạc sĩ Trần Tiến hào hứng kể.
Nói thêm về tình hình sức khỏe của mình sau tin đồn thất thiệt, Trần Tiến cho hay ông vẫn ổn, sức khỏe bây giờ rất tốt. Hà Trần - cháu gái nhạc sĩ, người coi ông như một người cha - tiết lộ ông lúc nào cũng tràn đầy nhựa sống. Không bao giờ Trần Tiến thấy mình già, bởi tâm hồn ông vẫn luôn dào dạt.
Ở tuổi ngoài 70, nhạc sĩ Trần Tiến không thích gọi ông là chú, chỉ muốn gọi bằng anh. Với ông, không có chú hay bác nhạc sĩ, chỉ có chàng nhạc sĩ. Ông chia sẻ người viết nhạc sống bằng giai điệu và lời ca chứ không phải bằng cơ bắp. Điều tuyệt vời nhất là giai điệu và lời ca mà họ viết ra còn sức trẻ chứ nếu nó già thì "chán chết".
"Tôi rất muốn các bài hát của tôi có sức trẻ, sức mạnh. Còn tôi có thể bệnh nặng, có thể sắp chết nhưng tất cả điều này đều phải ở phía sau bài hát" - Trần Tiến thổ lộ.
Trần Tiến là một trong những nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Song, điều đặc biệt mà ông thừa nhận là không bao giờ... nhớ bài hát của mình. "Viết xong phải quên bài đó đi để còn viết bài khác" - ông lý giải.
Chính vì thế mới có chuyện nhạc sĩ Trần Tiến không tưởng tượng nổi "Chuyện tình thảo nguyên" lại do chính ông viết. "Có hôm Hà Trần hát "Chuyện tình thảo nguyên", tôi bảo bài này của ai mà hay thế nhỉ? Hà Trần tròn mắt bảo bài của bố mà, bố không nhớ à. Lúc ấy tôi mới nhớ ra đó là bài của mình" - nhạc sĩ kể lại.
Sở hữu gia tài tác phẩm đồ sộ mà nhiều người mơ ước nhưng Trần Tiến rất khiêm tốn. Ông bảo trong sự nổi tiếng của mình, ông chỉ đóng góp được 20% công sức, 80% còn lại là "trời cho".
"Trời cho tôi 2 lần suýt chết để viết 2 bài là "Sắc màu" và "Không gục ngã". Trời cho tôi vào chiến trường và gặp biết bao nhiêu chuyện. Trời cho tôi những ngày bị người ta xua đuổi, coi mình như thằng "gán tiền" - Tiến "gàn". Trời cho tôi những ngày bị đuổi việc vì mặc quần loe, để râu và đúng lúc bị đuổi thì được mời vào TP HCM, nếu không thì tôi sẽ bơ vơ. Mọi thứ đúng là cuộc đời sắp xếp. Vào đó, tôi tiếp cận được với âm nhạc trẻ trung của Mỹ. Tôi gần như là người đầu tiên đưa nhạc Việt vào tất cả các thể loại pop, rock..." - nhạc sĩ tâm sự khi nhìn lại cuộc đời nhiều chìm nổi của mình.
Tác giả "Tùy hứng lý qua cầu" hóm hỉnh cho biết đến bây giờ ông vẫn "gàn". "Nhưng chẳng ai gọi tôi gàn, vì tôi gàn đáng yêu, gàn tốt. Đôi khi gàn mới làm nên việc, gàn không có nghĩa là xấu" - ông bày tỏ.
Nói thêm về tính "gàn" của mình, Trần Tiến kể ông tốt nghiệp nhạc viện chuyên ngành sáng tác nhạc giao hưởng với điểm số rất cao, "tốn rất nhiều công dạy dỗ của thầy giáo". Thế nhưng, đến ngày tốt nghiệp, ông lại bảo với thầy mình là... muốn viết ca khúc chứ không viết giao hưởng!
Trần Tiến muốn viết những ca khúc cho thanh niên và sinh viên hát ở ngoài đường chứ không phải những ca khúc phát trên đài phát thanh. Và ông quyết tâm làm điều đó. Ông trăn trở với câu hỏi tại sao không ai viết về tình yêu không có chiến tranh, không mùi khói súng, đạn bom, về tình bạn, về trẻ con…
Không ai viết thì ông viết, bất chấp việc kiểm duyệt âm nhạc lúc bấy giờ còn rất khắt khe. Những đứa con tinh thần của nhạc sĩ suốt bao năm qua không chỉ in đậm trong lòng khán giả mà còn giúp ông nhận nhiều giải thưởng về âm nhạc như một cách ghi nhận sự cống hiến của ông.
"Bệnh nhân ca"
Nhạc sĩ Trần Tiến từng trải qua 2 lần thập tử nhất sinh và 2 ca khúc ông yêu thích đã ra đời sau đó, là "Sắc màu" và gần đây nhất là "Không gục ngã". Ông tâm sự mình viết "Không gục ngã" vào những ngày nằm trên giường bệnh, không thể bước chân xuống đất, không thể đứng dậy và nghĩ mình sắp chết.
"Lúc ấy, tôi hát trên laptop và cứ tự hát, tự phối. Giai điệu và lời ca cứ vang lên một cách rất tự nhiên: Đứng dậy, đứng dậy thôi. Bao nhiêu năm qua ta không gục ngã. Đứng dậy, hãy vượt qua. Bao nhiêu năm qua ta sống không đớn hèn. Bao nhiêu năm qua giữa khói bom rơi, ta xông pha, cái chết bên ta tựa lông hồng... Nhờ có bài hát này mà tôi đứng dậy, tập đi, tập chạy trở lại" - tác giả "Mẹ tôi" cho hay.
Hà Trần tâm sự cô cảm nhận được tất cả sự cố gắng của nhạc sĩ Trần Tiến dồn vào tác phẩm này. Ông phải quên đi đau đớn và bất tiện của cơ thể qua quá trình trị liệu, cầm iPad viết nhạc, tự sản xuất và tự thu âm. Lời bài hát như rút từ gan ruột nhạc sĩ, chính xác với hiện trạng, tâm lý tác giả ở thời điểm ấy. Đó là lúc tác giả chiến đấu không khoan nhượng với bệnh tật để giành giật sự sống, để yêu cuộc đời hơn.
Tác giả "Tạm biệt chim én" cho hay 3 tháng nay, mỗi ngày ông chạy được 3 vòng, mỗi vòng 600 m. Ngoài ra, ông còn tập các môn khí công để có thể vẫn hát. Đến giờ, "Không gục ngã" đã trở thành bài hát nằm lòng của Trần Tiến, ông luôn bỏ túi ca khúc này để tự nhủ mình không được gục ngã .
"Hãy sống như lời bài hát của chính mình. Đừng dạy người khác, hãy dạy chính mình" - nhạc sĩ Trần Tiến tự nhủ. Ông còn nói vui ca khúc "Không gục ngã" có thể gọi là bài "Bệnh nhân ca" để động viên, truyền cảm hứng cho những người đang mang bệnh trong người.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nhac-si-tran-tien-khong-guc-nga-20210130211049648.htm