Nhạc sĩ Trần Tiến: 'Thế giới này không phải mãi tàn lụi đâu. Tôi nghĩ âm nhạc Việt Nam cũng vậy'
Trong một năm đau thương của đất nước, một giai đoạn buồn như những nốt nhạc trầm của lịch sử, một lần nữa, người ta lại nhắc đến Trần Tiến, người đã vẽ nên chân dung của rất nhiều những người con của Việt Nam, bằng âm nhạc.
Vào ngày 27 - 28/3, Liveshow Chuyện Tình tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là câu chuyện tình yêu và những người phụ nữ của hai nhạc sĩ Trần Tiến và Thanh Tùng. Đêm nhạc với những câu chuyện được kể bằng âm nhạc bởi những nhạc sĩ hàng đầu theo format đậm phong cách sang trọng, trữ tình và lãng mạn có sự tham gia của các nghệ sĩ: nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Bằng Kiều, Hồng Nhung, Trần Thu Hà và Quang Dũng do nhạc sĩ Dương Cầm làm giám đốc âm nhạc.
Cuối tháng 11 vừa qua, bộ phim tài liệu về cuộc đời và âm nhạc của Trần Tiến của đạo diễn Lan Nguyên, có tên gọi “Màu cỏ úa” đã được ra mắt khán giả. Trong một năm đau thương của đất nước, một giai đoạn buồn như những nốt nhạc trầm của lịch sử, một lần nữa, người ta lại nhắc đến Trần Tiến, người đã vẽ nên chân dung của rất nhiều những người con của Việt Nam, bằng âm nhạc.
Hơn 70 mùa xuân cuộc đời, giữa những hàng loạt các trào lưu âm nhạc vẫn dần dần thay thế nhau, Trần Tiến vẫn ở đó, bình thản vững vàng như một cánh rừng già xù xì gai góc, khi thâm trầm, khi rạo rực. Âm nhạc với ông không chỉ là giai điệu, không chỉ là lời ca, mà còn là bao nhiêu cuộc đời và năm tháng chìm vào trong đó.
Nỗi buồn hiện sinh giữa cuộc đời
Vài năm trước, trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Trần Tiến đã nói về mùa xuân thế này: “Mùa xuân ư? Mùa xuân không chỉ là niềm vui. Đôi khi mùa xuân còn là tiếng chuông reo khẽ nhắc người già nhìn về cuối đời. Biết có còn hạnh phúc hay không?”
Nhiều người nói rằng, nhạc Trần Tiền buồn lắm, buồn day dứt như mùa thu Hà Nội của một thời quá vãng. Nhưng có lẽ không hẳn vậy, dù mùa thu xứ Bắc là một phần kí ức sâu đậm trong tâm hồn của người nhạc sỹ họ Trần, thì âm nhạc của ông lại dường như không mang cái dáng vẻ buồn ngưng đọng đến tê liệt của mùa thu ấy.
Nhạc của Trần Tiến có cái chảy trôi từ hiện tại vòng về quá khứ, nhưng vẫn luôn hướng tới tương lai, với một chút gì đó khấp khởi mong chờ. Cái buồn trong nhạc của Trần Tiến luôn vận động, một nỗi buồn đẹp đầy năng lượng và tình yêu, của một người đàn ông với đầy đủ sự sáng suốt và nhạy cảm với cuộc đời.
Và, cái nỗi buồn đượm màu nhân sinh ấy, nó gần hơn với dáng vẻ của mùa xuân, của sự sống luôn không ngừng sinh sôi, phát triển.
Cuộc đời Trần Tiến sinh ra trong chiến tranh, đi qua những năm tháng khói lửa đau thương nhất, rồi nghèo, rồi đói. Hơn 70 năm cuộc đời, ông đi qua cả những suy tàn và những sụp đổ, những khởi nguồn và cả những thay thế mà những người thuộc thế hệ của ông phải chứng kiến. Âm nhạc cũng hình thành trong ông từ tất cả những ngặt nghèo ấy.
Ngay từ những sáng tác trong giai đoạn đầu của mình, như Giai điệu tổ quốc, Đôi mắt mang hình viên đạn hay Chiếc vòng cầu hôn… không như nhiều thanh niên trí thức Hà Thành thời ấy với những nỗi buồn lâm li sang trọng, những cuộc tình đỏm dáng, Trần Tiến đã chọn cho mình một con đường sáng tạo với đôi chân luôn chạm đất, ông mang vào sáng tác của mình tất cả những điều mắt thấy tai nghe, những điều trái tim cảm nhận được, làm nên một chất nhạc đượm màu hiện sinh giữa cuộc đời.
Nhạc của ông là sự kết hợp tuyệt đẹp giữa mồ hôi, khói bụi và sự lãng mạn hào hoa. Âm nhạc trong ông không phải là ánh đèn sân khấu, không phải những bộ cánh đẹp đẽ, mà là những nẻo đường, những vùng đất, những khu phố nghèo, những phận đời, là mẹ, là cây bàng trước ngõ, là mùa đông cha ngồi uống rượu… từ những nhỏ bé bình dị ấy, âm nhạc của Trần Tiến vút bay lên:
“Phải ráng sống gần như người vùng đất đó, cảm xúc và vui buồn, hạnh phúc, đắng cay như họ. May ra mới hiểu được phần nào. Hiểu thôi, không phải để viết. Muốn viết thì phải bay lên. Viết cái người ta biết thì viết làm gì. Sáng tác là hát lên giấc mơ của đời sống. Giấc mơ nhiều người chưa biết, hoặc biết mà chưa ai hát lên”.
Cho nên, nghe nhạc Trần Tiến mỗi khi lòng đau, lại thấy như được trở về.
“Thế giới này không phải mãi mãi tàn lụi đâu”
Trần Tiến không tìm cách định nghĩa mình trong âm nhạc, cảm xúc với ông như một dòng chảy và sáng tác là nhu cầu để kể ra những câu chuyện mà mình cần phải kể. Mà như ông và những người ở thời ông, người ta gọi là “du ca”, còn thời nay, chúng ta gọi là “indie”, những nghệ sỹ hoàn toàn tự do trong sáng tạo.
Không cần cố gắng, ông mang tới âm nhạc Việt Nam một sắc màu nam tính hào sảng hiếm có, vì nó cũng chính là con người của Trần Tiến, ngang tàng ngạo nghễ, thỉnh thoảng tếu táo bông đùa nhưng đầy day dứt, đôi khi tưởng cười cợt đấy, mà đau.
Trần Tiến buồn nhiều, vui cũng nhiều. Ông viết ballad, jazz, nhưng cũng viết cả disco, bossanova, rock, rồi dân gian đương đại, và nhạc phật giáo… ông cũng viết nhạc đặt hàng, viết nhạc để kiếm tiền, nhưng ở bất cứ góc nào, cũng thấy ở Trần Tiến cái “thật”, cái tha thiết với cuộc đời, cái suy tư của một nghệ sỹ cảm nhận được quá nhiều những buồn vui của thực tại.
Trần Tiến không phải là số 1, ông chưa bao giờ nhận mình là số 1, cũng không muốn nhận bất cứ một danh hiệu nào cho riêng mình. Có thể, một ngày nào đó, trong những biến cố không thể lường trước của lịch sử, những ca khúc của ông trở nên lỗi thời, những bản nhạc của ông sẽ bị những trào lưu mới hơn làm cho quên lãng, nhưng cái tinh thần âm nhạc phóng khoáng và tử tế của Trần Tiến, cũng như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn, hay nhiều nghệ sỹ khác nữa, sẽ không có điều gì thay thế được, dù có trải qua bao nhiêu thời đại.
Giờ đây, ở cái tuổi ngoài 70, đối diện với tuổi già, đôi khi phải chứng kiến những người bạn văn nghệ của mình đã nằm xuống, đôi khi phải chứng kiến những ồn ào không đáng có trong những câu chuyện về nghệ thuật, Trần Tiến lặng lẽ hơn trong âm nhạc, ông viết nhiều hơn, nhưng phần lớn dành cho mình, viết trong trạng thái mà như ông nói, là không biết mình có thể viết hay hơn được nữa không. Với ông, mỗi ca khúc vẫn là một mùa xuân của đời người.
Nhưng, dù ở tuổi nào, Trần Tiến vẫn mãi là một Trần Tiến thôi, một người con của Hà Nội nhiều trăn trở, một người tình luôn tha thiết trong âm nhạc, một đứa trẻ vẫn du ca và vẫn luôn hoài nhớ về mái nhà cũ, và một nghệ sỹ mang tấm lòng mình ra mà hòa vào với cuộc đời, một trái tim luôn tràn đầy tình yêu và tin tưởng:
“Lịch sử mãi mãi chứng minh, một xã hội có bao nhiêu người mất đi nhân phẩm, thì có bấy nhiêu người sẽ giữ lại được những nhân phẩm đã mất đó, họ mới là những người sau này lấy lại nhân phẩm cho cuộc đời. Một khu rừng tưởng đã cháy rồi, đừng có lo, thế nào cũng có những mầm xanh rất bé nhỏ đang nấp kín ở đâu đó, một ngày những mầm đó mọc lại, rồi thành rừng, rồi thành đại ngàn. Thế giới này không phải mãi mãi tàn lụi đâu. Tôi nghĩ âm nhạc Việt Nam cũng vậy”.
Lan Anh
(Theo Phụ nữ mới)