Nhạc sĩ Xuân Trí và những ca khúc sâu nặng tình cảm quê hương Hà Nam
Xuân Trí là một trong số ít những tác giả có tác phẩm âm nhạc viết về quê hương Hà Nam được giới chuyên nghiệp đánh giá cao, được đông đảo thính giả yêu âm nhạc trong và ngoài tỉnh hào hứng đón nhận, yêu thích. Cùng với tài năng, sự tinh tế, khéo léo trong khai thác vốn quý kho tàng dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ, có lẽ điều quan trọng nhất giúp Xuân Trí đạt được thành công trong những sáng tác âm nhạc viết về Hà Nam đó là tình cảm tha thiết lắng sâu mà nhạc sĩ luôn dành cho miền quê hương Sông Châu - Núi Đọi.
Nhạc sĩ Xuân Trí quê ở thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) - dải đất bán sơn địa nằm ven dòng sông Đáy thơ mộng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, được đào tạo bài bản về lĩnh vực sáng tác âm nhạc (tại Học viện Âm nhạc quốc gia), Xuân Trí gần như ngay lập tức khẳng định năng lực bản thân khi bắt đầu công việc sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp.
Tiếp theo thành công của tuyển tập ca khúc đầu tay: “Một ngày không có em” (Xuất bản năm 2009), Xuân Trí đã cho thấy rõ hơn tài năng, niềm đam mê cùng khát vọng vươn tới trên chặng đường sáng tạo tác phẩm âm nhạc của mình ở tuyển tập ca khúc thứ hai “Chút tình gửi quê”. Với album “Chút tình gửi quê”, bằng sự đa dạng, phong phú về chất liệu, sắc thái biểu cảm và sự ngẫu hứng thăng hoa, Xuân Trí đã thực sự chinh phục giới sáng tác chuyên nghiệp, những nghệ sĩ biểu diễn kỹ tính cũng như đông đảo công chúng mộ điệu âm nhạc.
Đặc biệt, trong “Chút tình gửi quê”, nhạc sĩ Xuân Trí đã rất thành công với chùm ca khúc về quê hương Hà Nam yêu dấu: “Về Hà Nam nghe anh”; “Hà Nam khúc hát ân tình”; “Ru tình một miền quê”; “Tam Chúc miền đất thiêng”…
Nhạc sĩ Xuân Trí. Theo VOV.VN
Với “Về Hà Nam nghe anh”, tình cảm quê hương được Xuân Trí cấu tứ thành một câu chuyện âm nhạc đậm chất trữ tình, câu chuyện của người con gái đang yêu muốn chỉ đường, dẫn lối, mời gọi bạn tình về mảnh đất quê mình, mảnh đất đẹp vô cùng nên thơ, thanh bình: “Xa xa đồng lúa, sông núi điệp trùng/ Dáng ngọc trên sông thiết tha nghiêng vành nón…”. Để rồi tình cảm quê hương trong câu chuyện âm nhạc đậm chất trữ tình của Xuân Trí được mở ra bằng một tình cảm gắn bó, gần gũi, thân thuộc như tình cảm của người thân, gia đình, làng xóm: “Về quê em nhé, thêm yêu xóm làng, thưa chuyện mẹ cha ngày mình nên duyên/ Để cha bằng lòng, mẹ gửi niềm tin/ Sâu nặng nghĩa tình, Hà Nam yêu dấu quê mình”…
Và cao hơn, rộng hơn, như lời khẳng định, lời hẹn thề nồng nàn, tha thiết lứa đôi, câu chuyện âm nhạc của Xuân Trí tiếp tục đan trải những cảm xúc sâu lắng bằng một giai điệu trữ tình cùng những ca từ rất đỗi mộc mạc, thân thương: “Hà Nam, tiếng gọi thân thương/ Khi xa là nhớ, khi gần ấm lòng/ Khoảng trời tuổi thơ, mộng mơ gửi trao anh/ Về quê em nhé, mình cùng chung đôi/ Ta sẽ bên nhau trên khắp nẻo đường/ Người Hà Nam thương người, mến khách/ Duyên trao nhau rồi, người ơi, em đợi ngày về”.
Là người con quê hương Hà Nam, Xuân Trí dường như sớm được tiếp nhận trọn vẹn âm hưởng đậm chất trữ tình của kho tàng dân ca giao duyên vùng Sông Châu - Núi Đọi. Để rồi, trong vị thế, tâm tư, tình cảm của một người con quê hương, bằng sự tinh tế trong cảm nhận nghệ thuật của mình, anh đã khéo léo đưa chất liệu âm hưởng dân ca Hà Nam vào những tác phẩm âm nhạc mà anh hằng tâm huyết để thể hiện tình yêu sâu nặng với mảnh đất quê mình.
Và có lẽ bởi thế nên trong ca khúc “Hà Nam khúc hát ân tình”, công chúng mộ điệu âm nhạc gần như nhận ra ngay hơi hướng chất liệu dân ca trong những giai điệu, ca từ thấm đẫm tình yêu quê hương của Xuân Trí: “Anh dắt em về dòng Châu trong xanh/ Nơi ngã ba sông bến đò tấp nập/ Nơi những con đường đỏ nặng phù sa/ Tam Chúc quê ta ấm lòng người qua”.
Thật thú vị khi những địa danh, những biểu tượng tiêu biểu về văn hóa vùng miền của quê hương Hà Nam được quyện hòa vào giai điệu, ca từ của ca khúc một cách vô cùng nhuần nhuyễn, tự nhiên, tinh tế và giàu chất ngẫu hứng: “Em dắt anh về nơi mình thương nhớ/ Cánh cò quê mẹ Bình Lục còn đây/ Phủ Lý yêu thương ấm lòng miền quê/ Say trong tiếng ca Hà Nam ân tình”; “Hà Nam quê cha nhớ làm sao/ Lời ru yêu thương ấm lòng mẹ/ Khi xưa quê nhà cho mình lớn khôn/ Thanh Liêm sớm chiều, Kim Bảng nắng lên/ Hà Nam thênh thang nắng về”.
Cùng với tình yêu lắng sâu, tha thiết ấy, công chúng còn cảm nhận rất rõ niềm tự hào của một người con quê hương khi nhắc về quê mình: “Hà Nam trong anh ấm bàn tay/ Hà Nam trong em mắt dịu hiền/ Trai gái quê mình bình dị sáng trong/ Lý Nhân kiên cường, Duy Tiên mến thương/ Hà Nam trong anh, Hà Nam trong em/ Khúc ca tự hào Hà Nam quê mình”.
Cũng là một cách thể hiện tình cảm sâu nặng với quê hương, nhưng trong “Ru tình ai một miền quê”, câu chuyện âm nhạc của Xuân Trí lại trầm bổng, lắng sâu như lời kể chuyện, lời hát ru của bà, của mẹ: “Hà Nam, quê hương yêu thương/ Sông Đáy trôi soi cánh cò êm đềm/ Đồng lúa xanh, em gái xuân thì thả tóc mây bay/ Mẹ kể chuyện Duy Tiên nhiều đời trước/ Có vua Lê cùng dân cày ruộng/ Câu chuyện ngày xưa nhắc nhở ngàn đời sau/ Thương về ngày tháng quê hương ấu thơ xưa/ Ơi à, ơi à, lời mẹ ru/ Hương lúa nồng trong giấc ngủ/ Về thăm lại đất Lý Nhân xưa/ Tìm về đọc truyện Nam Cao/ Sao còn nặng lòng một thời miền quê gian khó/ Nhớ bóng chiều hoàng hôn/ Ai còn vấn vương trời thu Bình Lục/ Con thuyền Nguyễn Khuyến buông cần ngâm thơ/ Nghe chiều vọng tiếng chuông đền Trần Thương/ Xốn xang cõi lòng/ Hà Nam ơi, Hà Nam, ru tình ai một miền quê”…
Bên cạnh những ca khúc mang âm hưởng dân gian ngọt ngào, da diết, ca từ mộc mạc, dễ gần, dễ cảm, Xuân Trí cũng thể hiện sức sáng tạo tài hoa khi đạt đến được thành công với một ca khúc phảng phất cung điệu thiền ca nơi cõi Phật mang tên “Tam Chúc miền đất thiêng”: “Tam Chúc như bài ca êm dịu vang lên giữa trời mây/ Tam Chúc như lời ru quê mẹ, mời du khách về thăm/ Về nơi đây, nghe tiếng sóng, vi vu gió ngàn, tiếng đàn ngân nga/ Nghe tiếng chuông từ xa vang vọng, lòng ta thấy bình an/ Sương khói hương mờ xa mờ bồng bềnh dưới ánh trăng / Nơi núi thiêng ngàn năm lưu giữ/ Thiên nhiên của trời ban tặng cho ta”.
Hòa theo sự dẫn lối của từng khúc nhạc, ca từ trong “Tam Chúc miền đất thiêng”, người nghe như bất giác lạc vào một không gian thiền tịnh, bình yên, để lòng mình bỗng chốc lắng lại cùng bao cung bậc cảm xúc: “Về nơi đây, ta về với Phật/ Dâng nén hương lòng con thành kính/ Phật từ bi cứu độ trần gian/ Về nơi đây, tìm về ánh dương/ Nơi núi thiêng nàng tiên xuống trần, quên đường về, lạc vào hư vô/ Về nơi đây, Kim Bảng, Hà Nam/ Ba Sao sáng ngời, chùa Ngọc uy nghi/ Tam Chúc như là tuổi thơ… ta về”.
Ai cũng có một quê hương để nhớ thương, mong về và thể hiện tình cảm thiêng liêng đó theo cách riêng của mình. Với Xuân Trí cũng như những người làm nhạc, ca khúc chính là nơi gửi gắm, trao truyền tình cảm sâu nặng dành tặng quê hương. Có lẽ bởi vậy nên Xuân Trí đặt mình vào vị trí người con quê hương, cẩn trọng nghiên cứu, chọn lựa, đưa những nét đẹp, nét đặc trưng văn hóa vùng miền của quê hương vào ca khúc và đạt được thành công. Là người con quê hương nên khi viết về quê mình, với Xuân Trí cũng chính là viết về tuổi thơ, người thân, gia đình, bạn bè, về những ký ức đẹp, gần gũi, gắn bó, thân thương. Và sự đón nhận nồng nhiệt từ phía đông đảo công chúng chính là động lực để anh vững lòng, tự tin tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sáng tạo những tác phẩm âm nhạc, nhất là tác phẩm âm nhạc viết về quê hương.
Bên cạnh những sáng tác âm nhạc thành công về quê hương Hà Nam, nhạc sĩ Xuân Trí còn ghi dấu ấn sâu đậm với hàng loạt ca khúc về nhiều vùng miền đất nước, những ca khúc gắn với tuổi trẻ, tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, anh cũng đạt được thành công trong các dự án âm nhạc cộng đồng (*) và một số MV (**) về đề tài ca ngợi đất nước, tuổi trẻ, cổ vũ các cuộc vận động, phong trào thi đua, như: “Tự hào Việt Nam”, “Việt Nam rạng rỡ hoan ca”, “Đảo xanh”, “Khúc hát trái tim xanh”, “Bài ca tuổi trẻ Việt Nam”, “Sáng mãi tuổi thanh xuân”, “Chung tay hướng về miền Trung”,...
Thành công của nhạc sĩ Xuân Trí về đề tài quê hương Hà Nam cũng như nhiều thể tài, thể loại khác không chỉ khẳng định tài năng bản thân mà còn là sự đóng góp đáng ghi nhận của người nhạc sĩ nơi dải đất Núi Đọi-Sông Châu với sự nghiệp âm nhạc đất nước trong lộ trình đổi mới, hội nhập, phát triển.