Nhạc sĩ Y Phôn Ksor mong ước làm liveshow đầu tiên

Những bài hát của nhạc sĩ Y Phôn Ksor đều mang âm hưởng của con người và văn hóa đại ngàn Tây Nguyên.

Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Y Phôn Ksor đã chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM về sự nghiệp sáng tác cũng như dự định tổ chức liveshow đầu tiên mà ông ấp ủ bấy lâu nay.

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor. Ảnh: VŨ LONG

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor. Ảnh: VŨ LONG

Trở thành nhạc sĩ từ cha mẹ

Căn nhà đơn sơ của nhạc sĩ Y Phôn Ksor nằm giữa địa phận xã Ea Tul, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột. Gia đình ông đang đầu tư hơn 1 ha trồng cây sầu riêng ở xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo. “Mục tiêu của gia đình là trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn để được cấp mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch” - nhạc sĩ Y Phôn Ksor chia sẻ.

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor kể ông sinh ra và lớn lên ở buôn Seck, xã Dliê Yang. Thuở ấy, mỗi ngày ông được nghe mẹ - nghệ nhân thổi sáo đing puốt (sáo lúa - một nhạc cụ của người Ê Đê làm bằng trúc) rất hay và thấm nhuần tiếng chiêng từ cha. Lên bảy tuổi, ông đã biết chơi thuần thục đàn goong và lên 11 tuổi cùng đội cồng chiêng của buôn làng đi biểu diễn khắp nơi.

“Có lẽ đây là nguồn cội để tôi có được chất nghệ sĩ và cho ra đời nhiều tác phẩm gắn bó với các buôn làng Tây Nguyên” - nhạc sĩ Y Phôn Ksor tâm sự.

Lớn lên, Y Phôn Ksor theo học trung cấp thanh nhạc. Thế nhưng ông phải tạm dừng theo đuổi sự nghiệp sáng tác để về nhà làm rẫy, phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Trong thời gian này ông tiếp tục sáng tác và có nhiều tác phẩm để đời như Chim phí bay về cội nguồn, Đôi chân trần, Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời...

Theo nhạc sĩ Y Phôn Ksor, có rất nhiều người đã hát các ca khúc của ông nhưng nghệ sĩ Y Moan Ênuôl (mất năm 2010) và ca sĩ Y Jack Arul (đều ngụ TP Buôn Ma Thuột) thể hiện thành công nhất. “Đây là những nghệ sĩ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Họ hiểu được đời sống, ngôn ngữ và phong tục tập quán người bản địa” - nhạc sĩ Y Phôn Ksor nói.

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor mong muốn tổ chức liveshow. Ảnh: VŨ LONG

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor mong muốn tổ chức liveshow. Ảnh: VŨ LONG

“Tôi muốn tổ chức liveshow là để chứng kiến các ca sĩ nổi tiếng thể hiện các ca khúc do tôi sáng tác. Đây cũng là niềm ước mong của cá nhân tôi và hy vọng có kinh phí để làm.”

Một trong những tác phẩm để lại tiếng tăm cho Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Y Phôn Ksor là bài hát Đôi chân trần. Đầu những năm 2000, bài hát Đôi chân trần được ca sĩ Y Moan Ênuôl hát tại các phòng trà, các đêm văn nghệ đã tạo thành một hiệu ứng vang dội. Bài hát này tiếp tục được biểu diễn tại cuộc thi “Sao Mai điểm hẹn” năm 2001… làm nức lòng khán giả.

Trước thực trạng vi phạm tác quyền, nhạc sĩ cho rằng hiện nay các nhà kinh doanh, doanh nghiệp, quán karaoke, phòng trà… sử dụng tác phẩm mà chưa xin phép ông. “Bài hát của tôi đi vào lòng độc giả và được nhiều nơi, khán giả đón nhận… đó là niềm vui nhất. Kiện cáo làm gì!” - nhạc sĩ Y Phôn Ksor vui vẻ nói.

Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Y Phôn Ksor có nhiều ca khúc hay mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống Ê Đê. Tên tuổi của anh được nhiều người biết đến. Những tác phẩm Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần, Chim phí bay về cội nguồn, Đi tìm lời ru mặt trời… chân chất, thật thà, mộc mạc, tha thiết.

Trong âm nhạc, anh cũng đưa những nét tính cách đó vào ca từ. Với nhiều người yêu nhạc, anh Y Phôn Ksor mới đích thực là nhạc sĩ của núi rừng Tây Nguyên.

Ông THÁI HỒNG HÀ, Giám đốc
Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk

Mong muốn làm liveshow

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor chia sẻ hơn hai năm trước ông đã có ý định lên kế hoạch làm liveshow. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 kéo dài nên đến nay còn dang dở.

“Tôi mong muốn tổ chức liveshow là để chứng kiến các ca sĩ nổi tiếng thể hiện các ca khúc do tôi sáng tác. Đây cũng là niềm ước mong của cá nhân tôi và hy vọng có kinh phí để làm” - nhạc sĩ Y Phôn Ksor nói.

Ông thông tin thêm mới đây ông đã có buổi nói chuyện với nhạc sĩ Lê Minh Sơn và đi đến thống nhất sẽ vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ kinh phí làm chương trình này.

“Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng cần làm ở TP.HCM, Hà Nội và Đắk Lắk là địa bàn cuối cùng. Sau khi Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ tám kết thúc, tôi sẽ làm việc với Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn sẽ làm tổng đạo diễn. Các ca sĩ là Y Zack Arul, Siu Black và nhóm Bazan” - nhạc sĩ Y Phôn Ksor cho hay.

Trao đổi với PV, nhạc sĩ Lê Minh Sơn xác nhận thông tin này: “Anh Y Phôn Ksor là người xứng đáng được tôn vinh. Anh là người rất tài năng, một nhạc sĩ nhân hậu, chất phác và thiện lành. Anh xứng đáng được tôn trọng và yêu quý. Những tác phẩm, những nghiên cứu của anh về âm nhạc dân gian thực sự đáng nể phục. Tôi mong anh có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho đồng bào, cho âm nhạc Tây Nguyên và âm nhạc Việt Nam”.•

Gia đình hạnh phúc

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor sinh ngày 17-3-1961, quê ở buôn Sơk, tỉnh Đắk Lắk, dân tộc Ê Đê. Ông tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Sau đó chuyển công tác về Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk; làm phó trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk. Năm 1997, ca khúc Chim phí bay về cội nguồn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải khuyến khích. Năm 1999, ca khúc Đi tìm lời ru mặt trời được tặng thưởng giải B (không có giải A) của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam. Năm 2018, ông được phong nghệ sĩ ưu tú. Năm 2021, ông nghỉ hưu.

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor cho biết vợ ông là bà H’Nhat Kpă, tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa Tây Nguyên, sau đó làm giảng viên âm nhạc. Vợ chồng ông có hai con đều chăm ngoan, học giỏi. Cô con gái đầu tốt nghiệp chuyên ngành quản lý tài nguyên môi trường, đã có gia đình riêng. Con trai ông đang là sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhac-si-y-phon-ksor-mong-uoc-lam-liveshow-dau-tien-post718450.html