Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo qua đời, thọ 104 tuổi

Theo bà Thu Anh, ái nữ của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, sau ba đợt nhập viện điều trị các căn bệnh nền, do tuổi cao sức yếu, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã trút hơi thở cuối cùng lúc 18 giờ 50 ngày 7.1 tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; thọ 104 tuổi.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, chúc mừng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong ngày ông đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những đóng góp to lớn trong quảng bá, đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp âm nhạc dân tộc.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, chúc mừng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong ngày ông đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những đóng góp to lớn trong quảng bá, đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp âm nhạc dân tộc.

Bà Thu Anh xúc động chia sẻ: "Dù được sự tận tình cứu chữa của đội ngũ bác sĩ giỏi tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thái Hòa – Đồng Tháp, nhưng ba tôi đã khó qua khỏi sau ba đợt nhập viện điều trị. Ngày 30.11, ông được xuất viện về nhà, sau đó dần đi vào hôn mê, nhưng vẫn tiếp tục được các bác sĩ theo dõi, đến nhà truyền đạm, truyền thuốc. Trước khi hôn mê, ba tôi đã dặn dò tang lễ phải hết sức đơn sơ, đừng tổ chức quá tốn kém".

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan và NSƯT Tiến sĩ Nguyễn Thi Hải Phượng trong ngày mừng thọ 100 tuổi của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan và NSƯT Tiến sĩ Nguyễn Thi Hải Phượng trong ngày mừng thọ 100 tuổi của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Tang lễ nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được tiến hành tại CLB Hưu trí tỉnh Đồng Tháp (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Cao Lãnh). Theo nguyện vọng của gia đình, nhạc sư sẽ được hỏa táng tại Nghĩa trang Quảng Khánh, TP Cao Lãnh và đưa hũ tro cốt về thờ tại nhà riêng.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19.8.1918 tại Mỹ Trà, Đồng Tháp. Ông được xem là "báu vật sống" của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ. Cách đây không lâu, nhân kỷ niệm ngày mừng thọ 103 tuổi của nhạc sư, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm ông, được ông đệm đờn bản "Dạ cổ hoài lang" tặng cho đoàn. Đó là kỷ niệm khó quên đối với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo với chương trình "Mai Vàng nhân ái".

Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập báo Người Lao Động và chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến thăm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nhân dịp mừng thọ ông 103 tuổi.

Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập báo Người Lao Động và chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến thăm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nhân dịp mừng thọ ông 103 tuổi.

Sinh ra trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, lại kiêm cả nghệ nhân đóng đàn. Ông cũng là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

Từ lúc 5 tuổi ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc.Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông cũng đã đi diễn thuyết giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1972, ông cùng GS-TS Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp) năm 1972.

Từ năm 1970-1972, ông là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).

Năm 2005, nhạc sư Vĩnh Bảo và GS-TS Trần Văn Khê được trao giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại TP.HCM.

Đến năm 2008, nhạc sư Vĩnh Bảo cũng được Chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học cấp bậc Officier.

Có thể nói nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là "Đệ nhất danh cầm", một "báu vật của đờn ca tài tử" còn lại sau sự ra đi của GS-TS Trần Văn Khê, NSND Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu), danh cầm Ba Tu, Năm Vĩnh, Văn Vĩ, Tư Huyện, Hai Thơm, Chín Trích, Năm Cơ…

Tiếng đàn của nhạc sư không chỉ thuộc hàng đẳng cấp mà đến hôm nay vẫn là độc nhất vô nhị, lột tả đầy đủ ý tứ để diễn tả tiếng đàn lẫn cốt cách của một tài năng: tinh tường, tinh tế.

Không chỉ trong phạm vi quốc gia mà tiếng đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo còn làm rạng danh âm nhạc Việt Nam trên thế giới qua đĩa Nhạc tài tử Nam Bộ do ông và GS-TS Trần Văn Khê diễn tấu, được hãng Ocara và UNESCO thu âm tại Paris - Pháp năm 1972.

Năm 2005, ông và GS-TS Trần Văn Khê được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại TP.HCM. Năm 2006, ông là một nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam trong số 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới (Ethnomusicology) tại TP Honolulu - Mỹ.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhac-su-nguyen-vinh-bao-qua-doi-tho-104-tuoi-27030.html