Nhạc Trịnh – Nơi nương náu tâm hồn

Vậy là đã 24 năm, người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn rời cõi tạm về với cát bụi. 24 năm ông không còn hiện hữu bằng xương thịt, nhưng dường như chưa bao giờ những người yêu mến ông, những 'tín đồ nhạc Trịnh', nghĩ ông rời xa.

Vậy là đã 24 năm, người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn rời cõi tạm về với cát bụi. 24 năm ông không còn hiện hữu bằng xương thịt, nhưng dường như chưa bao giờ những người yêu mến ông, những "tín đồ nhạc Trịnh", nghĩ ông rời xa.

Có lẽ, dù thời gian có trôi qua, dù đổi thay nào, những giai điệu và ca từ ông để lại vẫn vọng vẫn quanh ta. Mỗi độ tháng Tư về, khi Hà Nội chìm trong những cơn mưa phùn nhẹ nhàng, nhạc Trịnh lại vang lên, nhắc nhở con người về một thời gian đã qua, về những giá trị văn hóa không bao giờ phai nhạt.

Nhạc Trịnh không chỉ là những giai điệu trầm lắng, sâu sắc, mà còn là nơi những tâm hồn lạc lối tìm về, nương náu trong từng câu hát, từng nốt nhạc đầy suy tư. Với hơn 600 ca khúc, ông đã vẽ nên một thế giới âm nhạc riêng biệt, nơi con người đối diện với chính mình, với tình yêu, thân phận và kiếp nhân sinh.

Giai điệu của những nỗi niềm

Với nhiều người, nhạc Trịnh chính là nơi họ tìm về khi cuộc sống quá xô bồ. Không ồn ào, không chạy theo xu hướng, nhạc Trịnh đi vào lòng người bằng những giai điệu chậm rãi, đôi khi u hoài, đôi khi tự sự.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và danh ca Khánh Ly.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và danh ca Khánh Ly.

Giai điệu trong nhạc Trịnh chủ yếu sử dụng giọng thứ, chỉ một số bài ở giọng trưởng. Chất nhạc và con người ông đều bình lặng, không sân si, đố kỵ. Ngay cả trong những ca khúc phản chiến, ông không gào thét, không thống thiết, mà vẫn là những khúc ru, những lời cầu nguyện cho quê hương, đất nước. Nhạc Trịnh gần gũi vì ai cũng thấy mình trong đó.

Khi lắng nghe “Diễm xưa” người ta thấy một nỗi buồn đẹp, mơ hồ như cơn mưa mùa thu. “Cát bụi” lại đưa ta về với suy tư về kiếp người mong manh, hữu hạn. “Hạ trắng” là một giấc mộng tràn đầy hình ảnh siêu thực, vừa bay bổng, vừa đau đáu nỗi nhớ thương. Tất cả tạo nên một miền âm nhạc mà khi bước vào, ta như lạc vào một cãi thiền, nơi chỉ còn lại ta với chính mình.

Những lời ca nương náu tâm hồn

Điều đặc biệt trong nhạc Trịnh chính là lời ca – những triết lý giản dị mà sâu sắc về cuộc đời, về con người. Ông viết về tình yêu với những cung bậc nhẹ nhàng mà day dứt: “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại. Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây ” (Tình xa) Hay đầy hoài nghi, đau đớn nhưng vẫn chấp nhận: “Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa” (Tình sầu) Nhạc Trịnh cũng là những trăn trở về kiếp người: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi). Hay sự tĩnh lặng trước vô thường: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui). Những ca từ ấy nhẹ nhàng đi vào lòng người, để rồi mỗi khi ta chênh vênh giữa dòng đời, ta lại tìm đến nhạc Trịnh như một nơi trú ẩn.

Những quán cà phê nhạc Trịnh đã trở thành một nét văn hóa riêng của Hà Nội. Ở đó, người ta tìm thấy sự đồng điệu trong giai điệu, trong ca từ đầy chất thơ và triết lý. Những đêm nhạc Trịnh ở Thủ đô luôn chật kín người yêu nhạc, từ những người trẻ tìm kiếm sự an yên trong âm nhạc, đến những người đã đi qua nhiều năm tháng, lắng nghe nhạc Trịnh như một sự hồi tưởng về một thời đã xa.

Mỗi ca sĩ khi hát nhạc Trịnh đều theo một cách riêng của mình, nhưng hát thế nào để giữ được cái hồn, cái ý của bài hát không phải là điều dễ dàng.

Ca sĩ Nhật Thảo bén duyên với nhạc Trịnh chỉ ba năm nhưng cảm thấy như đã gắn bó từ rất lâu. Chị có một giọng hát nghe rất hoài niệm, là một trong những giọng ca được yêu thích khi hát nhạc Trịnh và hiện vẫn biểu diễn vào những ngày cuối tuần tại phòng trà Trịnh Ca.

Chị chia sẻ: "Tôi yêu nhạc Trịnh và thật may mắn khi hàng tuần được hát những ca khúc của ông trên sân khấu mang tên người nhạc sĩ tài hoa này. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà tôi luôn biết ơn. Ba năm, hơn 100 lần đứng trên sân khấu nhỏ bé ấy, ngân nga gần 100 ca khúc… một con số còn quá nhỏ bé so với gia tài âm nhạc ông để lại, nhưng đủ để tôi cảm nhận mình ngày càng thấm hơn. Để hát và hiểu được nhạc Trịnh, tôi luôn tìm hiểu và nghe bản gốc từng ca khúc của nhạc sĩ. Tôi biết ơn nhạc Trịnh, biết ơn một 'Giấc mơ Trịnh' đã giúp tôi thực hiện giấc mơ lớn và là chiếc phao đưa tôi qua những ngày tháng u buồn của cuộc sống …"

Còn nhà báo Hạnh An An rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng, âm nhạc của Trịnh Công Sơn là “bài kinh cầu bên bờ vực thẳm” nghĩa là một sự cứu rỗi tâm hồn khi người ta rơi vào bế tắc. Chị chia sẻ rằng : "Cá nhân tôi tìm thấy ở đó một sự nương náu. Đôi khi thấy mình chới với, chênh vênh trong cuộc sống, hay khi tâm trạng bất ổn, chỉ cần một giai điệu Trịnh vang lên, tôi như được sẻ chia. Tôi yêu nhạc Trịnh bởi những ca từ quá tuyệt vời, như những câu kinh, những lời răn, lời động viên an ủi, chẳng cần tìm đâu xa”.

Quả đúng như vậy, những ca từ như "Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng, em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh" (Tôi ơi đừng tuyệt vọng), hay "Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ" ( Ru em) - những câu hát ấy luôn vang vọng giữa cuộc sống xô bồ, giữa thời đại công nghệ số nơi con người ngày càng sống công nghiệp hơn thì khi lắng nghe nhạc Trịnh, ta cảm nhận được từng giọt đàn chậm rãi, tí tách, từng câu ca ngân lên, tưởng đơn giản mà sâu sắc.

Và để đạt đến sự giản dị ấy, có lẽ, phải tu bao nhiêu kiếp mới có thể viết nên được những giai điệu và ca từ như vậy. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng khẳng định rằng với ông, Trịnh Công Sơn là người viết ca từ hay nhất trong các nhạc sĩ Việt Nam, hầu như ca khúc nào của ông cũng có những câu thơ đẹp và hay.

Nhạc Trịnh không bao giờ cũ, dù thời gian trôi qua, dù bao nhiêu người hát lại. Bởi lẽ, nhạc Trịnh là một không gian tâm hồn, nơi ta tìm về và nương náu, giữa bộn bề cuộc sống. Nhạc Trịnh như một người bạn tri kỷ, lặng lẽ đồng hành, vỗ về những tâm hồn cô đơn, để rồi khi giai điệu cất lên, ta lại thấy mình trong đó - vẫn nguyên vẹn những cảm xúc, những hoài niệm không bao giờ phai.

Lan Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhac-trinh-noi-nuong-nau-tam-hon-318814.htm