Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: 'Nghệ sĩ Việt đang sống bằng niềm tin'
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng, nghệ sĩ Việt đang sống bằng niềm tin và tình yêu nghề là chính.
Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đang tất bật tập luyện cho vở ballet Hồ Thiên Nga. Là chỉ huy của dàn nhạc 60 người chơi live suốt 3 tiếng cho vở diễn, anh gặp thách thức gì?
Dàn nhạc chơi live 3 tiếng là một sự mạo hiểm, nhưng thách thức của tôi không phải việc chỉ huy một dàn nhạc 60 người. Tôi từng chỉ huy những dàn nhạc có số thành viên lớn hơn nhiều ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì đây thật sự là khó khăn. Thực ra, thách thức ở đây là vì nhiều vấn đề khác chứ không phải số lượng người.
Tôi không muốn nói về điều này nhưng đây là sự thật, lương của các nhạc công ở Việt Nam rất thấp, nếu không làm nghề khác thì họ không thể nuôi sống bản thân bằng tiền lương. Điều đó khiến họ xao nhãng trong việc tập luyện. Đáng lý sau khi kết thúc công việc ở nhà hát thì khi về, họ sẽ tiếp tục tập ở nhà nhưng họ lại phải làm việc khác nữa. Thành ra ngày hôm sau, tôi lại là người cùng họ làm bài tập về nhà.
Tại sao nhà hát lại chọn chơi nhạc live thay vì thu đĩa?
Chúng tôi không muốn chơi giả. Ở Việt Nam, nghệ sĩ chơi đàn hay một nhạc cụ nào đó thường hay gắn micro để khán giả có thể nghe được rõ hơn. Đó là vì rạp hát của chúng ta không đủ tiêu chuẩn. Nhưng khi chơi nhạc mà gắn micro, âm thanh bị giả. Người nước ngoài như Nhật, Tây Âu, Mỹ… rất ghét dùng micro. Đặc biệt với nhạc giao hưởng càng không thể sử dụng micro.
Riêng việc nghe nhạc có gắn micro đã khó chịu như thế thì sử dụng nhạc thu đĩa biểu diễn làm sao chấp nhận được? Bởi nhạc thu đĩa là nhạc chết, sẽ làm mất đi nhiều cảm xúc của vở diễn. Dàn nhạc chơi live sẽ theo được cảm xúc của diễn viên. Thời đại ngày nay, khi mọi thứ đều lên ngôi thì nghệ thuật cũng phải lên ngôi, nếu chơi nhạc giả đã là mất đi một nửa giá trị của vở diễn rồi.
Lần đầu tiên nhà hát dựng 4 màn đầy đủ của Hồ Thiên Nga. Điều đó gây khó khăn cho anh thế nào?
Cái khó đầu tiên là tìm người. Chúng tôi thiếu người chơi nhạc. Trước đây, mỗi lần tập chỉ có 2 người mà giờ chúng tôi phải tìm được 4 người. Tôi đã phải dùng mối quan hệ của mình để đi mời những người bạn tôi quen vào chơi cùng dàn nhạc, làm theo đúng kiểu chắp vá.
Để chiều theo phiên bản múa của biên đạo Lê Ngọc Văn rất khó. Tôi thức đêm hôm, rất khổ tâm để có thể gọt giũa, nhặt ra từng bè nhạc để theo kịp bản múa. Thậm chí có những đoạn, tôi phải tự chế thêm bản nhạc vì tìm mãi không có trong tài liệu. Chúng tôi làm vì sự tâm huyết và tôi cũng chẳng thể nói với người khác rằng mình đã vất vả như thế đấy, bảo họ trả thêm tiền cho tôi đi…
Ở nước ngoài, những công sức nghệ sĩ bỏ ra được trả công rất xứng đáng. Còn ở Việt Nam, tôi lạc quan tin rằng 50 năm nữa có thể làm được điều đó.
Tôi nói thật, nghệ sĩ Việt Nam đang sống bằng niềm tin và tình yêu. Thực ra ở Mỹ vẫn có những dàn nhạc giải thể vì không đủ kinh phí đầu tư, hoặc trình độ không cạnh tranh được với các dàn nhạc khác… Ở đâu cũng có cái khó của riêng họ, cũng không thể trách mình được.
Anh kỳ vọng gì với dự án lớn lần này?
Tôi không kỳ vọng nhiều mà chỉ nỗ lực làm việc. Trong những buổi tập, chúng tôi thấy sự mệt mỏi của diễn viên. Không mệt sao được khi có những bè nghệ sĩ phải thổi dài tới hết hơi. Tôi là người chỉ huy, lại không được phép mệt. Có những buổi tập, tôi sốt 40 độ và đau mắt nhưng cũng không được phép nghỉ. Tôi vẫn đeo khẩu trang, đeo kính đen để chỉ huy dàn nhạc.
Còn để nói kỳ vọng gì, tôi hy vọng khán giả không… ngáp (cười). Bởi để làm nên được vở diễn là sự trả giá bằng mồ hôi, nước mắt của ê-kíp. Có nhiều người trong quá trình tập đã ốm vẫn không nghỉ vì nếu chỉ bỏ một buổi tập thôi, họ sẽ không thể theo được buổi sau.
Với 1 vở ballet quá nổi tiếng và quen thuộc, anh có cho rằng vở diễn lần này sẽ đủ sức hút?
Tôi thấy khán giả Việt những năm gần đây rất tuyệt vời, nhất là lớp trẻ. Họ đến đông và luôn vỗ tay nhiệt tình đón nhận mỗi màn biểu diễn của nghệ sĩ. Lần này, với sự kết hợp của những người đã làm hết mình, tôi tin khán giả sẽ đón nhận.
Tôi cũng không ngại Hồ Thiên Nga lần này bị so sánh với các đoàn khác. Dù đây là vở nổi tiếng nhưng tôi chắc chắn, không phải ai cũng đã xem hết. Cái chính là mình phải biết chiều lòng khán giả bằng chất lượng thực sự của sản phẩm và sự hết mình của người nghệ sĩ biểu diễn.