Nhạc trưởng Lê Phi Phi xúc động trong đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Hoàng Vân

Nhạc trưởng Lê Phi Phi, TS. Y Linh xúc động trong đêm nhạc đặc biệt 'Cho muôn đời sau' tôn vinh cha mình - cố nhạc sĩ Hoàng Vân.

Tối 24/7, chương trình nghệ thuật đặc biệt Cho muôn đời sau đã diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử và nghệ thuật trường tồn cùng dân tộc thông qua di sản âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Mở đầu đêm nhạc là nghi lễ trang trọng trao bằng Di sản tư liệu của UNESCO cho bộ sưu tập tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân - người đã để lại hơn 700 tác phẩm có giá trị to lớn về nghệ thuật và tư tưởng. Những giai điệu của ông là dấu mốc âm nhạc song hành cùng hành trình dựng nước và giữ nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Tiến sĩ Fackson Banda - Trưởng Bộ phận Di sản tư liệu, Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới Johannes Joseph Maria Bos trao bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho Tiến sĩ Y Linh và nhạc trưởng Lê Phi Phi - hai con của cố nhạc sĩ Hoàng Vân.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Tiến sĩ Fackson Banda - Trưởng Bộ phận Di sản tư liệu, Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới Johannes Joseph Maria Bos trao bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho Tiến sĩ Y Linh và nhạc trưởng Lê Phi Phi - hai con của cố nhạc sĩ Hoàng Vân.

Tiến sĩ Y Linh xúc động chia sẻ: "Chúng tôi có thể diễn tả qua 4 từ: cảm ơn, xúc động, tự hào và phát huy. Thay mặt cho gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan và cá nhân đã luôn đồng hành với chúng tôi trong suốt quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Sự cố gắng chung này đã dẫn tới kết quả là buổi lễ nhận bằng Di sản tư liệu thế giới tối nay tại Nhà hát Hồ Gươm cho bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Bên cạnh niềm tự hào và xúc động, chúng tôi nhận thức được nhiệm vụ của mình trong việc tiếp tục tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của bộ sưu tập theo các tiêu chí của UNESCO. Việc ghi danh cũng khuyến khích tôi tiếp tục công trình nghiên cứu của mình về những tác phẩm của các nhà soạn nhạc khác cùng thời với cha chúng tôi, những người đã góp phần kiến tạo nên nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam vào nửa cuối của thế kỷ 20".

Giai điệu của khát vọng và tương lai

Đêm nhạc Cho muôn đời sau gồm 2 phần. Mở đầu là Hồi tưởng - như một cuốn nhật ký âm nhạc, dẫn dắt khán giả trở lại với không khí hào hùng của những năm tháng lịch sử qua những tác phẩm bất hủ: Hà Nội - Huế - Sài Gòn (ca sĩ Thành Lê thể hiện), Tôi là người thợ lò (Đăng Dương), Bài ca gửi người chiến sĩ công an đường sắt (Trần Trang), Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng - Người chiến sĩ ấy (Đào Tố Loan)...

Nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy dàn nhạc.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy dàn nhạc.

Đặc biệt, bản phổ nhạc bài thơ Cảnh khuya của Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhạc trưởng Lê Phi Phi khôi phục lại nguyên bản được thể hiện đầy xúc động qua tiếng ngâm thơ của NSND Vương Hà, tiếng đàn bầu của NSND Xuân Bình và tiếng sáo trúc của Ánh Linh.

Một trong những tiết mục làm lay động người nghe là Quảng Bình quê ta ơi - ca khúc nổi tiếng được làm mới trong bản phối kết hợp giữa đàn nguyệt của NSND Cồ Huy Hùng và Dàn nhạc Giao hưởng, tạo nên một tổng thể âm nhạc giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Hay như tác phẩm giao hưởng Tưởng niệm trong Giao hưởng thơ số 2 được thể hiện đầy nội lực, mở đầu cho hành trình cảm xúc nhiều lớp lang.

Các nghệ sĩ có đêm diễn thăng hoa tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Vân.

Các nghệ sĩ có đêm diễn thăng hoa tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Vân.

Phần II mở ra một không gian đầy ánh sáng và hy vọng. Tác phẩm Hát ru trong đêm pháo hoa (Thành Lê) như một điểm chuyển mềm mại giữa ký ức và hiện tại. Các ca khúc thiếu nhi như Con chim vành khuyên, Em yêu trường em, Mùa hoa phượng nở mang đến những phút giây trong trẻo, rộn ràng, gợi nhớ tuổi thơ qua tiếng hát hồn nhiên và phần đệm tinh tế từ piano và flute.

Nhiều tiết mục trong phần này gây ấn tượng sâu sắc với khán giả: Giai điệu tình yêu (saxophone Quyền Thiện Đắc, piano Nguyễn Trinh Hương), Tình ca Tây Nguyên, Hát về cây lúa hôm nay (Trọng Tấn)… Đặc biệt, khúc kết mashup Cho ngày nay cho ngày mai cho muôn đời sau do nhóm Oplus và Dàn nhạc Giao hưởng biểu diễn tạo nên một cao trào cảm xúc, kết lại chương trình bằng tinh thần lạc quan, đoàn kết và khát vọng trường tồn.

Dưới sự chỉ huy âm nhạc của nhạc trưởng Lê Phi Phi và kịch bản do Tiến sĩ Lê Y Linh viết, đêm nhạc Cho muôn đời sau trở thành một bản giao hưởng lớn - nơi ký ức, tình yêu quê hương, lòng biết ơn, niềm tự hào và lý tưởng sống hội tụ. Đó là món quà tri ân sâu sắc dành cho những thế hệ đi trước, đồng thời là lời nhắn gửi thiết tha về khát vọng hòa bình, phát triển và nhân văn cho hôm nay và cho muôn đời sau.

Bộ sưu tập tư liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân gồm 700 tác phẩm, được sáng tác từ năm 1951 đến năm 2010. Sưu tập này là những tác phẩm phản ánh một trong những bước ngoặt lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam, những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân qua nhiều thời kỳ. Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Sưu tập tư liệu của Nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh Di sản tư liệu thế giới không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ di sản tư liệu (trong lĩnh vực âm nhạc) thuộc sở hữu gia đình, cá nhân mà còn góp phần khẳng định tính thực tiễn, hiệu quả của Luật Di sản văn hóa năm 2024, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tư liệu, góp phần khẳng định vị thế di sản văn hóa Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.

Ảnh: BTC

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhac-truong-le-phi-phi-xuc-dong-trong-dem-nhac-vinh-danh-nhac-si-hoang-van-2425542.html