Nhầm lẫn quy định làm vượt giờ với dạy vượt tiết, giáo viên thiệt thòi
Giáo viên dạy tăng tiết, vượt giờ được thanh toán chế độ đầy đủ chế độ theo quy định hiện hành.
Bài viết "Dạy tăng tiết không được thanh toán, xin Bộ Giáo dục hãy giúp nhà giáo chúng tôi" được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 6/3/2022 cho biết, có những giáo viên vẫn không được chi trả tiền tăng tiết vì cơ quan có thẩm quyền cho rằng các hướng dẫn hiện nay không đề cập đến năm dịch bệnh.
Giáo viên được trả tiền thừa giờ nếu dạy khoảng dưới 270 tiết/năm học
Từ 10 năm nay (2012-2022), hiệu trưởng trường tôi đang công tác (trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chi trả sòng phẳng tiền cho giáo viên nếu thầy cô dạy thừa giờ khoảng dưới 270 tiết/năm.
Thời điểm năm 2012, hiệu trưởng chi trả tiền vượt giờ tùy thuộc vào hệ số lương của từng giáo viên - nghĩa là, cùng một tiết dạy nhưng có giáo viên nhận lương cao, có giáo viên nhận lương thấp khác nhau.
Những năm gần đây, hiệu trưởng lấy ý kiến giáo viên và thống nhất mức chi 150.000 đồng/tiết cho những thầy cô dạy vượt giờ. Theo hiệu trưởng, giáo viên dạy thêm giờ rất vất vả nên cào bằng mức chi, không dựa vào hệ số lương - vì giáo viên trẻ có hệ số lương thấp sẽ rất thiệt thòi.
Hiệu trưởng nói rằng, về nguyên tắc lãnh đạo có thể hợp đồng giáo viên ngoài trường vào dạy với mức lương thấp hơn 150.000 đồng/tiết nhưng không làm như thế, nhằm tạo điều kiện cho thầy cô trong trường có thêm thu nhập. Hơn nữa, hiệu trưởng nào không trả tiền cho giáo viên dạy vượt giờ khoảng dưới 270 tiết/năm là sai luật (nhiều người nhầm lẫn "giờ" và "tiết", vì tiết học có 45 phút).
Theo ghi nhận của tôi, năm nào trường tôi cũng có nhiều giáo viên dạy khoảng dưới 270 tiết/năm vì đồng nghiệp nghỉ thai sản, nghỉ đau ốm không lương, chuyển trường...
Trong khi đó, ngân sách Nhà nước cấp hàng năm đảm bảo chi trả lương thường xuyên cho giáo viên nên hiệu trưởng không gặp khó khăn gì trong việc cân đối tài chính để bố trí giáo viên dạy vượt giờ.
Những căn cứ để chi trả tiền dạy vượt giờ
Vấn đề đặt ra là, hiệu trưởng chi trả cho giáo viên (bậc trung học phổ thông) dạy vượt giờ, khoảng dưới 270 tiết/năm căn cứ vào đâu?
Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định tại khoản 2 Điều 5 và Điều 6 như sau:
Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó: a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới. d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
Điều 6 quy định định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:
1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông; định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở; định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.
3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành.
Như vậy, định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 37 tuần/năm = 629 tiết/năm. Trường hợp giáo viên làm quá số tiết này sẽ được tính lương thừa giờ (lương làm thêm giờ).
Điều 106 Bộ luật Lao động quy định làm thêm giờ như sau:
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Như vậy, Bộ luật Lao động quy định thời lượng làm thêm giờ là không quá 200 giờ/năm. Giả sử, giáo viên A dạy 200 tiết/năm thì tiền vượt giờ được tính thế nào?
Theo quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT thì thời lượng mỗi tiết dạy trung học phổ thông là 45 phút.
Do đó, tổng số giờ làm thêm của giáo viên A là: 200 tiết x 45 phút/tiết = 9000 phút tương đương với 150 giờ. Như vậy, giáo viên A vẫn chưa làm quá số giờ quy định là 200 giờ/năm nên vẫn được trả lương làm thêm giờ bình thường theo quy định của pháp luật.
Tương tự như vậy, nếu giáo viên B dạy 270 tiết/năm, ta có: 270 tiết x 45 phút/tiết = 12.150 phút tương đương 202,5 giờ. Theo quy định, giáo viên B chỉ không được tính 2,5 giờ làm thêm theo Bộ luật Lao động.
Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu nhà trường phân công giáo viên dạy quá 200 giờ dạy/năm (khác với 200 tiết), thì thầy cô cần có ý kiến để nhà trường phân công phù hợp, đúng với các quy định hiện hành.