'Nhâm nhi Tết Ất Tỵ' – cuốn sách chủ đề Xuân và Tết rực rỡ, gắn kết

Chào Xuân Ất Tỵ 2025, Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt ấn phẩm đặc biệt “Nhâm nhi Tết Ất Tỵ”, quy tụ 22 sáng tác thơ, văn, tranh của nhiều tác giả, rực rỡ chủ đề Xuân và Tết, ấm áp tình thân, niềm vui sum họp, gắn kết gia đình với truyền thống và cội nguồn.

Cuốn sách dẫn dắt độc giả khám phá những câu chuyện trong trẻo. Như “Mùa xuân có đẹp không?” của tác giả May đưa đến câu trả lời thú vị, mở ra những suy ngẫm về vẻ đẹp thực sự của mùa xuân.

Cuốn sách ấm áp được bạn đọc đón chờ mỗi dịp Tết đến. Ảnh: NXB Kim Đồng

Cuốn sách ấm áp được bạn đọc đón chờ mỗi dịp Tết đến. Ảnh: NXB Kim Đồng

“Quà của mùa xuân” của tác giả Nguyễn Thị Như Hiền là câu chuyện về một cái Tết đặc biệt của Khang khi em ngồi sau xe bố ôm chậu vạn thọ đến biếu bà Năm – bà bán xôi trước cổng trường. Bà Năm được trẻ con quý lắm vì bà hay kể chuyện, hay cho quà lũ trẻ, thậm chí bà trồng ổi chỉ vì trẻ con thích ăn. Bà bị bong gân nên không có sức trồng vạn thọ chơi Tết, Khang liền xin giống cây của bà và Tết này, bà vẫn có chậu vạn thọ thật tươi tắn.

Những câu chuyện nhỏ thú vị, ấm áp về mùa xuân tiếp tục được kể trong “Chuyến phiêu lưu tìm Nắng Ấm” của Lê Chip, “Đội cứu hộ mười hai con rắn” của Trần Quốc Toàn, “Cư dân bí ẩn của rừng U Minh Hạ” của Đoàn Mai Anh. Mỗi câu chuyện mang đến những trải nghiệm mới mẻ và đầy màu sắc.

Độc giả còn được nhâm nhi chùm thơ ca ngợi mùa xuân đáng yêu và tươi vui của các tác giả Vũ Thị Thanh Tâm, Phạm Anh Xuân, Trương Thiếu Huyền, Hoa NTk, Lê Điểm...

Nhiều câu chuyện thú vị được kể trong cuốn sách. Ảnh: NXB Kim Đồng

Nhiều câu chuyện thú vị được kể trong cuốn sách. Ảnh: NXB Kim Đồng

2025 là dấu mốc kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp, trong cuốn sách, nhà văn Trương Quý kể cho độc giả về lịch sử ra đời bài hát ý nghĩa “Bài ca chữ S” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. “Bài ca chữ S” của Nguyễn Xuân Khoát viết vào năm 1956 đã tinh tế thể hiện niềm mong ước thống nhất đất nước trong một hoạt động học tập thông thường. Đó chính là bài học đầu tiên về hình thể đất nước như một nét bút liền.

Truyện tranh one-shot “Giải cứu cá chép” của họa sĩ LinhRab là niềm vui nhẹ nhàng, dí dỏm, mang đến tiếng cười cho những ngày đầu năm mới.

Tết là trải nghiệm văn hóa, một cơ hội để bạn nhỏ khám phá phong tục khắp mọi nơi. Từ góc vườn nhỏ có “Bánh chưng ngũ sắc”, cách ăn Tết Bắc và Tết Nam trong “Gia đình xí ngầu”, khám phá ẩm thực Tết xứ Nghệ thơm nức nở món bánh ngào, hay ngắm điệu múa, nghe câu ca trong Tết Katê của đồng bào Chăm trong “Mùa hoa Tagalau về palei ăn Tết”, vùng quê Hà Tĩnh hiện lên qua “Điệu sắc bùa quê hương”, cùng năm mới phương xa khi “Đón Tết ở xứ sở nghìn hồ”. Mỗi câu chuyện mang đến những góc nhìn đa dạng và phong phú về Tết.

Năm Ất Tỵ không thể thiếu những trang viết về rắn – con vật biểu trưng của năm. Rắn trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt hiện lên qua các bài viết “Rắn thần nước Việt”, “Làng Lệ Mật và điệu múa Giảo Long”, chuyện “Cao Bá Quát – vị danh nhân tuổi rắn”…

Những câu chuyện và bài thơ trong tuyển tập này không chỉ mang đến niềm vui và sự ấm áp, mà còn chứa đựng lời nhắn nhủ về tình yêu thương, giá trị của văn hóa, cội nguồn.

Đặc biệt, “Nhâm Nhi Tết Ất Tỵ” có nhiều minh họa tuyệt đẹp của nhiều tác giả minh họa được yêu mến, góp thêm sự thú vị cho độc giả khi lật giở cuốn sách.

Theo hanoimoi.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202501/nham-nhi-tet-at-ty-cuon-sach-chu-de-xuan-va-tet-ruc-ro-gan-ket-19a2b1e/