Nhận biết sớm để giảm thiểu nguy cơ bạo lực học đường
Bạo lực học đường luôn là vấn đề gây nhức nhối với xã hội bởi nó liên quan trực tiếp đến giới trẻ. Để giảm thiểu tình trạng này, sự phối hợp chặt chẽ gia đình và nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Những dấu hiệu bạo lực học đường
Các vụ bạo lực học đường được đưa trên phương tiện thông tin đại chúng cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng khi không chỉ học sinh đánh nhau mà cả nhóm đánh một học sinh, thậm chí là phụ huynh đánh học sinh ngay trong trường học. Vấn nạn này để lại những hậu quả đau lòng về mặt tâm lý xã hội và gây ảnh hưởng nặng nề với cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các điều tra gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý về những vụ bạo lực học đường, hầu hết trẻ gây bạo lực hay là nạn nhân đều do thiếu kỹ năng sống để ứng phó trước những hoàn cảnh cụ thể. Đó chính là cách ứng xử, hành vi, lời nói để thoát ra khỏi những bế tắc trong các tình huống nảy sinh bạo lực như bắt nạt, cô lập, hành hung...
Theo cô Nguyễn Thị Kim Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội): Bạo lực học đường có những dấu hiệu tiềm ẩn, biểu hiện qua các ứng xử hàng ngày giữa học sinh với nhau. Các dấu hiệu như nhìn thiếu thân thiện, trêu đùa quá khích, tẩy chay, nói xấu nhau,… đều là nguyên nhân trực tiếp gây ra bạo lực học đường. Vì vậy, cả thầy cô và cha mẹ nên dạy trẻ những kỹ năng nhận biết các dấu hiệu có nguy cơ, giúp trẻ biết cách né tránh khỏi khả năng bị bắt nạt.
Trong các vụ bạo lực học đường, trẻ đều phải gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách. Bởi vậy, gia đình và nhà trường cần sự phối hợp đồng bộ dạy trẻ kỹ năng nhận biết, đánh giá các hành vi, phân định được đâu là hành vi đúng – sai, tốt – xấu. Nhờ đó, trẻ sẽ biết được gây ra bạo lực học đường là hành vi xấu và sẽ lựa chọn được cách ứng xử phù hợp trong từng tình huống.
Kinh nghiệm ngăn ngừa bạo lực
Cô Kim Thúy cho biết, nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, Trường THCS Đô Thị Việt Hưng thường tổ chức các buổi giao lưu tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, phụ huynh và học sinh. Nhiều buổi nói chuyện chuyên đề được tổ chức riêng cho học sinh, trong đó đưa ra các tình huống giả định, để các em tự nghĩ cách xử lý tình huống. Học sinh được diễn tập bằng lời nói, hành động, đóng vai theo chủ đề các cảnh bạo lực học đường, hướng dẫn thực hành, trình diễn để nhận thức rõ hơn về các tình huống đó.
Theo PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh - Trung tâm Nhi, Bệnh viện trung ương Huế: Việc phòng chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng đặc biệt là gia đình và nhà trường. Do đó, PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần giành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề xung quanh chuyện trường lớp của trẻ. Việc cung cấp các kĩ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ trong trường học.
PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh cũng cho rằng, nhà trường cần tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh. Các thầy cô giáo phải chú ý để không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp. Bênh cạnh đó, các thầy cô giáo phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu tâm lý ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Liên quan đến vấn đề sang chấn tâm lý do bạo lực học đường, chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh - Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh school psychology chia sẻ: Hệ lụy của những vụ bạo lực học đường khiến trẻ chịu nhiều khổ sở, sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi, trầm cảm, nhiều tổn thương, thậm chí không ít em đã dại dột tự tử. Hiện nay có rất nhiều học sinh có những vấn đề thầm kín, bức xúc hay có vấn đề tâm lý cần bày tỏ và cần một không gian riêng tư trong nhà trường để nói ra, giải quyết những vấn đề này.
Chuyên gia Mạnh Linh cho rằng: Nhu cầu hỗ trợ tâm lý của học sinh là rất lớn, song các phòng tư vấn tâm lý học đường của nhiều cơ sở giáo dục hiện nay hoạt động chưa thực sự hiệu quả và còn mang tính hình thức. Cùng đó, các hoạt động khích lệ trẻ phản ánh hành vi bạo lực, xâm hại trong trường học chưa được tổ chức thường xuyên và chưa hiệu quả.
Nếu chúng ta thực hiện tốt, bài bản công tác tư vấn tâm lý học đường chắc có lẽ những sự việc tương tự sẽ được giải quyết sớm hơn và tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Kim Thoa