Nhận biết ung thư đại tràng từ bất thường khi đại tiện
Nhiều bệnh nhân đến thăm khám do bất thường khi đại tiện và phát hiện mắc ung thư đại tràng. Một số dấu hiệu bất thường cảnh báo ung thư đại tràng gồm: đau bụng, đi ngoài ra máu, táo bón kéo dài...
Biểu hiện ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là gì? Ung thư đại tràng có nguồn gốc từ phần đại tràng (ruột già). Đây là bệnh ung thư thường gặp thứ 2 trên thế giới chỉ sau ung thư phổi.
Ung thư đại tràng có dấu hiệu gì? Ở giai đoạn đầu, ung thư đại tràng thường không có biểu hiện rõ ràng, bệnh tiến triển âm thầm. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể có những biểu hiện rối loạn về đại tiện. Nếu như trước đó 1 ngày đi đại tiện 1 lần thì có thể sẽ thay đổi thành 2-3 lần/ngày. Ngoài ra, tính chất phân cũng thay đổi, khi phân nát khi phân lỏng hoặc có thể đi ngoài phân nhầy máu. Tuy nhiên những triệu chứng này thường dễ hiểu nhầm thành rối loạn tiêu hóa. Do vậy, bệnh nhân thường đến viện thăm khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Một số bệnh nhân ở giai đoạn muộn có thể gặp tình trạng tắc ruột hoặc bán tắc ruột.
Ung thư đại tràng có thể phát hiện sớm thông qua nội soi để phát hiện các tổn thương. Do vậy, với những người trên 50 tuổi nên đi tầm soát định kỳ. Ngoài ra, với những người có nguy cơ cao hơn cũng nên sàng lọc sớm và thường xuyên, bao gồm:
- Trong gia đình có người mắc ung thư đại tràng hoặc bệnh lý đa polyp
- Mắc các bệnh lý như viêm loét đại tràng mãn tính, viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn.
- Người có chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, ít ăn rau xanh, người lười vận động, béo phì…
Ung thư đại tràng có chữa được không
Ung thư đại tràng có thể điều trị được thậm chí ở giai đoạn sớm, bệnh có tỷ lệ điều trị thành công càng cao. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được can thiệp bằng nội soi. Bên cạnh đó, phương pháp nội soi có thể điều trị khỏi đến 70% trong trường hợp khối u chưa di căn.
Đối với các trường hợp bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.
- Ở giai đoạn I đến giai đoạn IIIa: có thể áp dụng bằng phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ khối u kết hợp vét hạch vùng.
- Ở giai đoạn IIIb, IIIc: có thể áp dụng hóa trị kết hợp phẫu thuật để phòng ngừa khối u di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
- Ở giai đoạn IV: thường được chỉ định hóa trị.
Ung thư đại tràng sống được bao lâu?
Ở Việt Nam, bệnh nhân thường đến viện thăm khám khi có các biểu hiện như đi ngoài ra máu, sút cân… tuy nhiên bệnh lúc này thường đã muộn.
Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới 90%. Phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn càng muộn thì tỷ lệ sống trên 5 năm ngày càng thấp. Tuổi thọ của bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, đáp ứng của bệnh nhân với việc điều trị…
Ngăn ngừa ung thư đại tràng
Để phòng ngừa ung thư đại tràng biện pháp tốt nhất là tầm soát sớm để phát hiện những tổn thương tiền ung thư và có phương án điều trị. Bên cạnh đó, cần loại bỏ thói quen sinh hoạt thiếu khoa học.
- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, cay nóng, đồ chế biến sẵn, nhiều gia vị…
- Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia
- Thường xuyên luyện tập thể thao
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam T.V.T. (68 tuổi, Hải Dương) đến thăm khám do táo bón kéo dài nhiều tháng nay. Bệnh nhân được chỉ định nội soi đại trực tràng toàn bộ ống mềm. Kết quả phát hiện đại tràng sigma có tổn thương chiếm 1/2 lòng chu vi thâm nhiễm cứng. Bên cạnh đó kết quả sinh thiết cũng cho thấy tổn thương đại tràng là ung thư biểu mô tuyến, biệt hóa vừa.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam N.V.M. 72 tuổi (Nam Định) cũng đến bệnh viện thăm khám do có một số biểu hiện lâm sàng như rối loạn đại tiện. Bệnh nhân lúc đi ngoài phân lỏng, lúc đi ngoài phân táo có lúc phân xuất hiện nhầy máu. Tuy nhiên bệnh nhân chỉ nghĩ là rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày khiến bệnh nhân khó chịu và được người nhà đưa đi khám. Sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện bệnh nhân vừa mắc ung thư đại tràng vừa mắc ung thư dạ dày.