Nhận biết và đề phòng viêm họng khi thời tiết chuyển mùa

Viêm họng là căn bệnh phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa. Vì đây là thời điểm thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm họng.

Viêm họng là viêm niêm mạc và tổ chức niêm mạc dưới họng, có cảm giác đau, khó chịu khi nuốt, ngứa ngáy hoặc kích ứng cổ họng. Thông thường virus, vi khuẩn hoặc do các yếu tố môi trường như khói bụi, không khí khô là nguyên nhân dẫn đến viêm họng.

- Viêm họng cấp tính là thể viêm họng điển hình, thường phát triển vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết chuyển mùa dễ gây bệnh. Viêm họng cấp có thể xuất hiện riêng biệt hoặc cùng các bệnh viêm đường hô hấp như cúm, sởi…, hoặc xuất hiện với viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang…

- Viêm họng mạn là viêm họng kéo dài, với các triệu chứng thể hiện rõ vào buổi sáng lúc mới thức dậy, thường gặp ở người trưởng thành. Viêm họng mạn tính có hai thể điển hình là viêm họng mạn tính lan tỏa và viêm họng mạn tính khu trú (gồm viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính).

Viêm họng gây đau rát, ho khan.

Viêm họng gây đau rát, ho khan.

Biểu hiện và biến chứng viêm họngBiểu hiện viêm họng thường gặp

Một số biểu hiện thường gặp của viêm họng bao gồm:

- Người bệnh có cảm giác khô và nóng cổ họng, nuốt vướng; Đau rát họng, đau hơn khi nuốt hoặc nói. Sưng đỏ ở họng hoặc amidan, có thể ho từng cơn, ho liên tục, ho khan hoặc có đờm; Amidan xuất hiện mảng trắng hoặc có mủ, thường gặp ở viêm họng do liên cầu khuẩn.

Ngoài ra, một số triệu chứng có thể đi cùng viêm họng là tình trạng sổ mũi, hắt hơi, sốt vừa 38-39 độ C người bệnh ớn lạnh; Sưng hạch ở cổ, khàn giọng; Nhức mỏi cơ thể; Nhức đầu; Chán ăn;

Biến chứng viêm họng

Nếu không được chăm sóc, điều trị đúng người bệnh có thể có các biến chứng sau:

- Viêm họng có thể gây áp-xe, viêm tấy quanh họng, viêm tấy amidan, áp-xe thành sau họng…

- Ngoài ra, khi viêm họng có thể dẫn đến viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Viêm tai giữa là biến chứng thường gặp xuất hiện sau viêm họng, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm tai xương chũm với triệu chứng sốt cao, hốc hác, đau tai, nghe kém, chảy mủ. Biến chứng nặng có thể gây tử vong.

- Bệnh viêm họng có thể lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản, viêm khí quản hoặc viêm phế quản. Nhiều trường hợp người bệnh bị nhiễm lạnh, vi trùng có thể từ đường hô hấp trên nhanh chóng tiến vào phổi gây viêm phổi. Viêm phổi có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, khó thở và nguy cơ tử vong cao.

- Ngoài ra, nếu viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Streptococcus nhóm A) khi xâm nhập vào họng có thể gây viêm cầu thận, viêm khớp và thấp tim và thậm chí là tử vong.

- Tình trạng viêm họng mạn tính có thể gây suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do tình trạng ho nhiều, nhất là vào ban đêm. Bệnh thậm chí có thể diễn tiến thành ung thư vòm họng.

Giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là vùng mũi, họng vào mùa đông giúp phòng viêm họng cấp

Giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là vùng mũi, họng vào mùa đông giúp phòng viêm họng cấp

Viêm họng khi nào cần khám?

Tình trạng viêm họng cần phải khám ngay khi có những biểu hiện sau:

- Người bệnh xuất hiện đau họng hoặc khàn tiếng kéo dài hơn một tuần; Khó thở; Khó mở miệng; Đau khớp; Đau tai; Phát ban; Sốt cao hơn 39 độ C; Có máu trong nước bọt hoặc đờm; Viêm họng thường xuyên tái phát…

Cách phòng viêm họng

Viêm họng cấp rất phổ biến khi vào mùa lạnh hay thời tiết chuyển mùa. Thêm vào đó, nó là bệnh rất dễ có khả năng lây nhiễm. Do đó, thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh là vô cùng quan trọng:

- Để phòng ngừa viêm họng cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng việc bổ sung Vitamin C hàng ngày,; sống trong môi trường trong sạch, không ô nhiễm sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

- Cần đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với khói bụi, không đến những nơi ô nhiễm, nếu do tính chất công việc phải tiếp xúc với khói bụi cần có đồ bảo hộ.

- Hạn chế rượu bia, thuốc lá; tránh những đồ ăn sống, lên men dễ nhiễm khuẩn. Ngoài ra, giữ ấm cho cơ thể khi trời lạnh hoặc thời gian chuyển mùa và vệ sinh chân tay sạch sẽ nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt trẻ nhỏ cần được chăm sóc chu đáo, tránh gió lạnh, nhiễm lạnh do mưa, mặc đủ ấm, đi tất, quàng khăn giữ ấm tai, cổ...

Mời xem video nhiều người quan tâm:

BS. Nguyễn Văn Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-de-phong-viem-hong-khi-thoi-tiet-chuyen-mua-169230112075010529.htm