Nhận chở hàng cồng kềnh vì đó là sinh kế duy nhất?

Dù biết sử dụng xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh là vi phạm pháp luật nhưng nhiều người nại rằng đó là mưu sinh. Thực tế thế nào?

Trưa 9-9, một xe ba gác chở những thanh sắt dài quá khổ lưu thông trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình (TP HCM). Thấy lực lượng chức năng điều tiết giao thông ở một ngã tư, người này cho xe tấp vào lề đường để tránh bị kiểm tra.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Tài xế cho biết nhận vận chuyển những thanh sắt này từ quận Tân Phú đi huyện Hóc Môn cho một công trình xây dựng với giá 300.000 đồng. "Tôi sắm chiếc xe này để chở tôn, chở sắt thép và nhận chở xà bần, chuyển nhà. Dù biết chở những thanh sắt như vậy có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào nhưng vì cuộc mưu sinh nên đành làm liều. Nếu mà bị bắt, số tiền phạt quá nặng thì tôi bỏ xe mua xe mới" - tài xế cho hay.

Ông Ngọc Hồng (60 tuổi) chuyên nhận chở xà bần, chuyển nhà ở khu vực quận 6, nói nếu chăm chỉ chở hàng, vận chuyển xà bần thì mỗi ngày trừ các chi phí cũng kiếm được 1 triệu đồng. "Mỗi ngày từ 8 giờ sáng, tôi ra ngã tư đợi, ai kêu thì chạy. Làm nghề này lâu năm rồi cũng có mối mang, mỗi chuyến hàng cũng được vài trăm ngàn. Trừ các chi phí cũng đủ nuôi gia đình, con cái. Nhờ nghề chở hàng này mà tôi nuôi được 3 con học đại học; để hạn chế nguy hiểm tôi chỉ nhận chở xà bần, chuyển nhà chứ không nhận chở tôn, thép" - ông Hồng nói.

Xe ba gác chở thép lưu thông trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình (TP HCM)

Xe ba gác chở thép lưu thông trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình (TP HCM)

Mặc dù biết chở hàng cồng kềnh bằng xe tự chế là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác nhưng nhiều người vẫn vô tư chở hàng.

Thực tế, việc chở những tấm tôn, thanh sắt gây thương tích thậm chí là tử vong đã xảy ra nhiều. Gần đây nhất, ngày 22-5, Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã tạm giam Hà Văn Hiếu (SN 1989, quê Đồng Nai) vì dùng xe tự chế chở tôn gây tai nạn chết người. Nạn nhân tử vong là anh L.M.S (SN 1999); còn chị L. (SN 1986, cả 2 cùng ngụ TP HCM) bị thương. Trưa 20-5, Hiếu dùng xe tự chế chở tôn lưu thông ngược chiều trên Quốc lộ 51 hướng từ huyện Long Thành về thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi qua xã Phước Thái (huyện Long Thành), xe chở tôn va vào xe máy của anh S. đang chở chị L. đang đi đúng chiều. Vụ tai nạn khiến anh S. tử vong tại chỗ còn chị L. bị thương.

Tuyên truyền và xử nghiêm

Thời gian qua, Công an TP HCM đã phối hợp với Ban An toàn giao thông TP HCM, công an các quận, huyện và TP HCM ra quân tuyên truyền, kết hợp xử lý xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe tự chế, xe ba - bốn bánh trên địa bàn TP HCM.

Từ ngày 18-7, lực lượng chức năng đã ra quân, phát hiện và lập biên bản những trường hợp chở hàng cồng kềnh, quá khổ. Sau 6 tuần ra quân, Công an TP HCM đã phát hiện hơn 10.000 trường hợp vi phạm. Trong đó có 2.000 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh; 3.600 trường hợp vi phạm do kéo theo thùng lôi, vật kéo; 1.400 "xe mù, xe mờ". Công an TP HCM phát hiện 775 trường hợp sử dụng biển số giả hoặc không gắn biển số, 1.500 trường hợp phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, hơn 2.000 trường hợp vi phạm khác. Qua công tác tuần tra, Công an TP HCM đã tạm giữ 4.900 xe máy, xe ba gác, xe chở hàng có gắn động cơ, xe chở rác dân lập.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM - cho biết Công an TP HCM thường xuyên phối hợp xử lý. Bên cạnh việc xử lý những trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng còn tuyên truyền người dân chuyển đổi phương tiện vận chuyển an toàn cho bản thân, cho người đi.

Trước thực trạng xe tự chế vô tư chở hàng cồng kềnh, quá khổ lưu thông trên đường, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) cho biết thật ớn lạnh mỗi khi lưu thông trên đường gặp xe chở tôn. Những xe này như... máy chém, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Tôi ủng hộ việc Công an TP HCM xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, để giảm thiểu số vụ tai nạn chết người từ những xe này cần có mức án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe.

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, căn cứ theo điểm k khoản 3 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Ngoài ra, trường hợp chở hàng cồng kềnh gây tai nạn chết người hoặc gây thương tích từ 61% trở lên có thể bị phạt tù đến 15 năm theo điều 260 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bài và ảnh: PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhan-cho-hang-cong-kenh-vi-do-la-sinh-ke-duy-nhat-196240909212158089.htm