Nhân chứng kể chuyện về 30/4

Trong hồi ức của những vị tướng từng tham chiến nhiều trận mạc, ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, đất trời Sài Gòn như hòa chung niềm vui chiến thắng, cờ tung bay trên khắp nẻo đường. Người dân mang đồ ăn, nước uống mời bộ đội, leo lên xe tăng, xe tải hò reo và dẫn đường cho các lực lượng cách mạng.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), kể: Lúc 10 giờ sáng 29/4/1975, Trung tướng Đỗ Trọng Tấn – Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ra mệnh lệnh tiến công cho Quân đoàn 4, giao nhiệm vụ nhanh chóng tiêu diệt, đánh chiếm các cứ điểm xung quanh Sài Gòn như Hố Nai, Tam Hiệp, Biên Hòa, Cầu Ghềnh,…để mở đường cho quân ta tiến về Sài Gòn.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 kể về những chiến thắng ngày cuối tháng 4/1975. (Ảnh: Quốc Định).

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 kể về những chiến thắng ngày cuối tháng 4/1975. (Ảnh: Quốc Định).

Sau khi hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ, Quân đoàn 4 tiếp tục được lệnh mở các đợt đột kích vào nội đô, tiêu diệt địch, đánh chiếm quận 1, nhằm các mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập và đài phát thanh.

3 giờ sáng 30/4, Sư đoàn 7 (thuộc Quân đoàn 4) tiến đến cầu sắt Biên Hòa. Cầu có trọng tải 12 tấn, xe tăng không qua được, Sư đoàn trưởng cử cán bộ về ngã ba Hố Nai báo cáo tình hình với Phó tư lệnh Quân đoàn Bùi Cát Vũ. Lúc này, trên tất cả các hướng, các cánh quân ta đang vượt qua những điểm phòng thủ cuối cùng của địch, ào ạt tiến vào Sài Gòn. Ở hướng Đông Nam, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) đã đánh chiếm khu Nhơn Trạch, rồi phát triển quân đến phà Cát Lái, lực lượng Quân đoàn 2 đã bắt được liên lạc với Trung đoàn Đặc công 116, đơn vị đã chiếm giữ các cứ điểm quan trọng, cùng tiến vào Sài Gòn.

Ở hướng Đông Sài Gòn, lực lượng khác của Quân đoàn 4 tiến vào Sài Gòn theo đường số 1 nhưng ở hướng này, lực lượng địch đang mạnh, chống trả quyết liệt, trong khi đường làm từ thời Pháp, khá hẹp nên gây khó khăn trong việc tiến công. Trước tình thế khẩn trương như vậy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 lệnh cho Sư đoàn 6 tiếp tục tiêu diệt địch ở các cứ điểm còn lại. Trong khi Sư đoàn 341 vượt qua đường sắt bằng xe tải, đánh chiếm các tiêu điểm được phân công ở quận Gò Vấp, quận 3 và quận 1. Sư đoàn 7 không tiến theo đường số 1 nữa mà quay ra xa lộ để vào Sài Gòn.

Đến 8 giờ sáng 30/4, bộ phận đi đầu của Trung đoàn 141 do Phó Trung đoàn trưởng Bế Ích Quân chỉ huy ra đến Xa lộ, đúng lúc đội hình của Quân đoàn 2 thuộc cánh quân hướng Đông đang theo đường xa lộ tiến vào Sài Gòn. Đại đội 7 do chính trị viên Hoàng Cao Đại chỉ huy có 4 xe tăng dẫn đầu, phải gạt 2 chiếc xe tăng M41 của địch bị ta bắn cháy sang lề đường để xe tiến lên.

Phân đội 7, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 làm nhiệm vụ quân quản bảo vệ Dinh Độc lập chiều 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu, Quân đoàn 4 cung cấp).

Phân đội 7, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 làm nhiệm vụ quân quản bảo vệ Dinh Độc lập chiều 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu, Quân đoàn 4 cung cấp).

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nhớ lại, nhiều đoạn đồng bào tràn ra đường hoan hô bộ đội, các chiến sĩ ta phải xuống xe thưa chuyện, rồi xin phép đồng bào cho bộ đội tiếp tục hành quân đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. Một số cán bộ mới được bộ đội ta giải thoát khỏi nhà tù Tam Hiệp ngồi trên chiếc xe tăng đi đầu, chỉ đường cho Đại đội 7 tiến theo đường Hồng Thập Tự, quẹo qua đại lộ Thống Nhất, tới thẳng Dinh Độc Lập, buộc Dương Văn Minh và toàn bộ nội các ngụy đầu hàng và cắm cờ Giải phóng lên trước tòa nhà chính. Những cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 đã nắm tay nhau đầy xúc động ngay tại Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của địch trong niềm vui đại thắng.

“Cắm cờ lên Dinh Độc Lập là sự kiện đánh dấu giờ phút toàn thắng của chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Trong chiến dịch, cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương, Quân đoàn 4 đã mở hành lang, xây dựng bàn đạp, đánh những trận ác liệt nhất, vượt qua những tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch, tạo thuận lợi và phối hợp nhịp nhàng, theo một kế hoạch thống nhất với các quân đoàn bạn cùng đánh vào Sài Gòn”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nói.

Dân đổ ra đường chào đón bộ đội

Trong câu chuyện của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (79 tuổi), nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 luôn tràn đầy cảm xúc tự hào, hân hoan giờ phút khải hoàn. Ông cho biết, ở thời khắc lịch sử của chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ông chỉ huy một cánh quân chốt chặn ở cầu Tân An (Long An), tuyến đường quan trọng bậc nhất từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn, nhằm ngăn quân ngụy rút hoặc bổ sung quân từ các đơn vị tại Đồng bằng sông Cửu Long lên.

Trong câu chuyện kể của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ luôn tràn đầy cảm xúc tự hào. (Ảnh: Quốc Định).

Trong câu chuyện kể của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ luôn tràn đầy cảm xúc tự hào. (Ảnh: Quốc Định).

Đến đêm 29/4, ông cùng các đồng đội tiến vào lòng Sài Gòn. Lúc đó khác hẳn với không khí hỗn loạn khi tàn quân ngụy trốn chạy, cuộc sống của người dân trên các khu phố, các địa bàn dân cư tương đối bình thường, không có nhiều xáo trộn, sự kháng cự của lực lượng chính quyền Sài Gòn gần như không còn.

Trên những con đường tiến về trung tâm Sài Gòn, người dân rất phấn khởi, ào ạt đổ ra đường, cờ và băng rôn vẫy đầy đường chào đón bộ đội và lực lượng cách mạng. Đoàn quân giải phóng đi tới đâu, người dân ùa ra đường, chạy theo tới đó. Rất nhiều người dân cùng cán bộ, chiến sĩ tiến về các trụ sở của ngụy để tham gia tiếp quản và hỗ trợ lực lượng cách mạng. Ngay sau đó, quân giải phóng cùng các cán bộ chia nhau xuống cơ sở, phường, khóm để giải tán chính quyền cũ, thành lập chính quyền Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân Giải phóng tiến vào thành phố. (Ảnh: TTXVN).

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân Giải phóng tiến vào thành phố. (Ảnh: TTXVN).

“Trong thời điểm khí thế của cách mạng, những cuộc lật đổ chính quyền cũ từ phường, xã đến các cấp cao hơn liên tục diễn ra. Cả đất trời âm vang tiếng nói cười, reo mừng chiến thắng và bộn bề công việc chuẩn bị cho công cuộc xây dựng, phát triển”, Thiếu tướng Thổ chia sẻ.

Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, việc sự bàn giao, tiếp quản Sài Gòn suôn sẻ là nhờ chính sách binh - địch vận đã được thực hiện tốt. Hàng trăm cán bộ đã về Sài Gòn từ nhiều ngày trước nhằm vận động các đơn vị địch, chính quyền địa phương ủng hộ quân cách mạng.

“Một cuộc chuyển giao Sài Gòn gần như không có tiếng súng, điều đó thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước ta đối với cuộc cách mạng lịch sử đầy hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhan-chung-ke-chuyen-ve-30-4-10304854.html