Nhân chứng ngôi sao

Trong ba nội dung thề sẽ kháng cáo sau phán quyết cựu tổng thống phạm tội, hai luận điểm nhắm đến nhân chứng ngôi sao.

Bên bị kiên trì rằng Michael Cohen bịa tạc tuyệt đối. Nếu vậy, tại sao hội thẩm đoàn, 12 công dân New York do đích thân bên bị tham gia chọn, không hòa đồng với họ?

Động lực chính khiến hội thẩm đoàn kết luận “nhanh chóng và bất ngờ” (theo Washington Examiner, tờ báo thiên hữu) bị cáo có tội không ai khác ngoài Cohen. Ông bị tấn công dữ dội, bị dán nhãn “kẻ nói dối vĩ đại nhất mọi thời đại”, theo Todd Blanche, luật sư trưởng của bị cáo. Ngày tranh luận cuối cùng, 28/5, bên bị “nhắc đến Cohen hơn 150 lần” (The Hill).

Khi hội thẩm đoàn khẳng định bị cáo phạm 34 trọng tội chỉ sau 11 tiếng, Cohen hẳn là “nhân chứng có giá trị và đầy sức sống” (The Atlantic). Ai cũng biết ông là kẻ nói dối đã được thừa nhận, là tội phạm bị kết án, và khao khát trả thù. Nhưng thẳng thắn về động cơ “khiến lời khai của ông có vẻ đáng tin hơn trước hội thẩm đoàn”.

Bên bào chữa tả Cohen như tên tay sai phụ bạc; và ông không giấu cảm xúc ấy. Để hiểu ông thù chủ cũ, chỉ cần nhìn chiếc áo ông mặc sau song sắt in hình chủ nhân và, trước tòa, gọi chủ là “côn đồ hoạt hình”. Chưa kể, trong hai hồi ký – “Disloyal” (bất trung) và “Revenge” (trả thù) - ông khắc họa cựu tổng thống như kẻ rác rưởi.

Minh bạch khiến “kẻ nói dối hàng loạt” lật ngược thế cờ, theo James Sample, giáo sư luật tại Đại học Hofstra. Cohen khai “đã phạm tội… và chịu hậu quả”. Joshua Steinglass, trợ lý thẩm phán điều hành tòa, xác nhận ông “là kẻ duy nhất trả giá (ba năm tù) cho vai trò của mình trong âm mưu này”.

Có lúc run rẩy, ông thú nhận đánh cắp hàng chục nghìn đô từ Trump Organization. Luật sư bên bị tấn tới tố ông lợi dụng phiên tòa để trục lợi; và ông thừa nhận đã đăng nhiều bài, phát các podcast. Thậm chí ông tiết lộ “có nhiều điều để nói hơn”, kiếm tiền nhiều hơn, nếu Trump trắng án.

Bội thu tài trợ 35 triệu USD sau tuyên án, cựu tổng thống lại mạt sát Cohen tại cuộc họp báo trưa 31/5 ở Trump Tower được ông kéo dài 40 phút. Quả tình, là tội phạm, Cohen kém tin cậy hơn. Nhưng mải mê khoét tội lỗi của Cohen “dường như là bước đi sai lầm chiến lược” (The Daily Caller) của bên bào chữa. Chính án tù đã “làm tăng uy tín của ông với tư cách nhân chứng”, theo Valerie Hans, giáo sư Trường Luật Cornell. Xem ra, mặt nào đấy, nhân chứng ngôi sao dường như còn gợi ý bài học về cách khôi phục niềm tin trong cảnh tưởng chừng bất khả.

HOÀNG QUỐC DŨNG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhan-chung-ngoi-sao-post1642490.tpo