Nhân chứng Việt kể lại khoảnh khắc thoát chết ở Itaewon
Phạm Minh Trung, một nạn nhân sống sót trong thảm kịch đêm Halloween ở Itaewon, kể lại trải nghiệm kinh hoàng khi anh bị ép chặt giữa đám đông và suýt mất mạng.
Như thể một con voi 5 tấn đang đè lên ngực tôi. Xung quanh chỉ toàn tiếng la hét: “Có nhiều người chết, làm ơn gọi cảnh sát đi”. Lần đầu tiên tôi hét lên vì tức ngực. Đó là một trong những phút giây tôi biết thế nào là tuyệt vọng mà tôi vừa nếm trải vào đêm qua (29/10).
Từ sáng sớm nay (30/10), tiếng tin nhắn hỏi thăm nổ lên liên hồi. Tin tức về số người chết, ngay tại nơi tôi vừa đứng tối qua, trong một con hẻm nhỏ trên phố Itaewon, đã lên tới hơn 150 người. Tôi chỉ vừa chợp mắt lúc 4h sáng, sau khi vừa thoát khỏi một bộ phim kinh dị đêm Halloween đời thực mà tôi là một nạn nhân may mắn sống sót.
Nước mắt tôi cứ thể trào ra khi xem lại các đoạn video về vụ việc. Tôi vẫn chưa thoát khỏi cái cảm giác cận kề cái chết và bị ép đến mức tưởng cơ thể gần như vỡ vụn. Tôi sống, nhưng tôi hiểu được những người tử vong kia họ đã trải qua cảm giác cực hình như thế nào.
Tôi, từ cõi chết trở về!
Phút vui vẻ trước thảm kịch
Buổi chiều cuối tuần rảnh rỗi, tôi thích thú khi lướt trên Facebook thấy ảnh các bạn hóa trang dạo phố ở Itaewon.
Đường phố lấp lánh ánh đèn cùng những quả bí ngô mặt quỷ, mạng nhện giả,... trang trí 2 bên phố. Người hóa thân thủy thủ Mặt Trăng, người biến mình thành phù thủy, Songoku hay các nhân vật hoạt hình khác. Có toán người thậm chí cưỡi ngựa đến chơi.
Thế là nhanh chóng, tôi vác balô lên đường đi ngắm phố, trốn cơn buồn chán ở nhà.
Xuống tàu, tôi đi vào khu phố thấy cũng khá đông nhưng vẫn di chuyển được chầm chậm. Đã đi tàu điện nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy nhà vệ sinh dưới ga tàu có người xếp hàng dài.
Khu phố dài khoảng hơn một km, có 3-4 ngõ thoát ra đường lớn.
Tôi tận hưởng cái cảm giác hào hứng ngắm mọi người hóa trang trên con phố đông vui tấp nập trong khoảng 15 phút thì di chuyển đến một ngã 3.
Bỗng chợt, từ đâu một làn sóng người xô mạnh, đẩy tôi lao vào một biển hiệu đặt trước quán cà phê. Đây cũng là lúc mọi sự vui vẻ tắt dần và lúc mà bộ phim kinh dị bắt đầu.
40 phút sinh tử
Lúc đầu, tôi nghĩ có vẻ có người muốn đi ra ngoài đường lớn từ bên trong con hẻm nên chen lấn, xô đẩy để thoát ra. Thế nhưng một lúc sau, dòng người xô đẩy càng lúc càng mạnh, khiến tôi bị áp chặt vào góc bảng hiệu. Lưng đau điếng nhưng vẫn tôi vẫn cố ghì người để leo ra, mong thoát khỏi chỗ ngã ba chật chội này.
Đến lúc này, tôi nghĩ mình không thể ngắm phố xem người ta hóa trang nổi nữa nên đành đi vào luôn cái ngõ nhỏ ấy để đi ra đường lớn. Đi theo dòng người trôi dạt đến đầu ngõ phố tới đoạn dốc chúi xuống dài khoảng 15-20 m thì bất ngờ dòng người ở đâu đẩy đến càng mạnh.
Người từ dưới dốc không thể đi lên, người trên dốc không thể đi xuống.
Ban đầu, tôi cảm thấy mình vẫn có đủ không gian để đứng được, nhưng chỉ 1-2 phút sau, dòng người tiếp tục đẩy vào mạnh hơn đến nỗi tôi khó thở. Lúc này, tôi đang đi sát vách nên có thể leo lên được bục vỉa hè - cùng với nhiều người khác.
Những đợt sóng người vẫn tiếp tục xô tới, mạnh hơn, ép chặt hơn. Tôi chen chúc trong đó được khoảng 15 phút thì không thể cử động chân tay nữa và bắt đầu cảm thấy ngộp thở.
Nhưng sức ép vẫn chưa đạt cực hạn, ép tiếng gào khóc và tiếng thét vang lên.
Trên con dốc đặc kín người đó, mọi người lúc này dường như không thể tự đứng. Nhóm người bị ép trên đoạn dốc lao về phía trước một góc 50 độ, người trước áp sát người sau, chỉ chực đằng trước có lối để thoát ra là dòng người có thể đổ sõng soài phía trước, người sau có thể giẫm đạp người trước.
Tôi lúc này bắt đầu không thở nổi nhưng vẫn cảm nhận được sức ép đang tiếp tục tăng lên.
Lần đầu tiên tôi hét lên vì tức ngực, cùng với những tiếng kêu cứu và la ó xung quanh.
“Cứu tôi với”, “Gọi cảnh sát đi”, “Có người chết rồi”, “Tôi xin mọi người đừng đẩy nữa”, “Phía sau đừng đi lên nữa”,... Nhưng tất cả đều hét trong vô vọng. Những người ở 2 đầu đoạn hẻm tiếp tục xô đẩy để tìm lối ra vì không nghe thấy tiếng hét do khu vực quá ồn và ở cách quá xa đoạn bị ép chặt nhất.
Từ nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy cái chết cận kề. Một người luôn coi nhẹ nguy hiểm chỗ đông người, luôn chen chúc đi xem pháo hoa hay tìm chỗ náo nhiệt như tôi hôm nay lại cảm giác như mình đang sống trong một bộ phim kinh dị thật sự.
Khi đó, tôi nghĩ mình sẵn sàng cho ai đó tiền chỉ để họ cứu tôi thoát khỏi thước phim kinh hoàng này. Lúc này dường như đã có người chết. Đến cả những anh bạn cao lớn đứng gần tôi cũng gào lên. Những người ở giữa do bị ép quá chặt và không đủ không khí thi nhau ngất, người sau đổ chồng người trước.
Chứng kiến khung cảnh đó, không ai có thể không khóc. Chúng tôi tiếp tục chịu đựng nỗi đau đớn, hoảng sợ và vô vọng đó trong khoảng 30-40 phút cho đến khi cảnh sát đến.
Thoát cửa tử
Khoảng 20 cảnh sát đã có mặt để tìm cách giải cứu. Những người leo lên được mái nhà thấp 2 bên hẻm hô to, kêu gọi mọi người bình tĩnh và ngừng la hét vì cảnh sát đã đến.
Một số anh bạn "Tây" bắt đầu phá cửa một quán cà phê bên cạnh cùng cảnh sát để đưa bớt những người bị ngất vào trong, nhưng đám đông ép quá chặt khiến họ không thể kéo người ra.
Tôi tiếp tục cầu nguyện.
Khoảng 10 phút sau, tôi cảm nhận sức ép sau lưng bắt đầu giảm đi, đám đông bắt đầu giãn ra.
Khoảng 10 cảnh sát phải kéo từng người ra từ phía sau, vì ở phía trước mọi người đang đổ chồng lên nhau nên không thể kéo ra được.
Những người bị ngất được kéo ra một chỗ để sơ cứu. Đến đây, dù vẫn đang mắc kẹt, tôi nhẹ nhõm khi thấy mình có thể may mắn sống sót. Trong đầu tôi chỉ mong thoát ra khỏi đây càng sớm càng tốt.
Thoát ra khỏi con dốc vừa bị mắc kẹt, tôi đi ngược trở ra đường lớn nơi tôi bị đẩy vào con hẻm này, nhưng vẫn thấy dòng người đang tiếp tục đi vào vì dường như họ chưa biết chuyện gì đang xảy ra.
Khuôn mặt họ ngơ ngác khi thấy những người vừa đi, vừa khóc, vừa mếu máo khuyên họ đừng đi vào nữa, rằng có người chết rồi, rằng tôi cũng vừa suýt chết đây.
Người đi vào, người trở ra, người đứng im mặt thẫn thờ như không hiểu gì. Khu phố vẫn đông nghẹt! Ga tàu 23h đêm vẫn chật cứng…
Tỉnh dậy trong cơn uể oải và khó thở sau khi chợp mắt, tôi đau lòng hơn khi đọc con số thương vong mỗi lúc một tăng: 50, rồi 100, rồi 150, và con số vẫn có thể cao hơn. Tôi thương cho họ và thấy may mắn cho mình. Có lẽ trong một khoảng thời gian, tôi sẽ không dám tới những chỗ đông người.