Nhấn chuông trả lời vu vơ, nam sinh giành vé thi quý Đường lên đỉnh Olympia
Sau cú nhấn chuông giành quyền trả lời đậm ý đồ chiến thuật hơn là nâng điểm số và đưa ra đáp án có phần vu vơ về các nội dung của phương châm phòng chống thiên tai, nam sinh Hưng Yên Trần Tuấn Linh đã giành vòng nguyệt quế cùng tấm vé thi quý II; đồng thời khiến Vũ Công Thành ngậm ngùi về nhì khi chỉ cách 5 điểm.
Cuộc thi tháng 2 quý I Đường lên đỉnh Olympia có bốn nhà leo núi: Vũ Công Thành (THPT Chu Văn An, Hà Nội), Ngô Đức Trung (THPT Nguyễn Hữu Huân, TP. HCM), Trần Đức Trung (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) và Đặng Tuấn Linh (THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên).
Trong phần thi Khởi động, Công Thành và Trần Đức Trung cùng dẫn đầu với 100 điểm; tiếp đến Tuấn Linh 70 điểm, Ngô Đức Trung 50 điểm.
Phần thi Vượt chướng ngại vật có từ khóa có 9 chữ cái. Hàng ngang được lựa chọn đầu tiên có câu hỏi Năm 2019, tờ New York Times đã bình chọn thành phố nào của Việt Nam đứng thứ 15 trong danh sách 52 điểm du lịch phải đến trên thế giới? cả bốn thi sinh cùng ghi được điểm với đáp án "Đà Nẵng".
Hàng ngang được lựa chọn thứ hai có câu hỏi Những câu thơ sau của Nguyễn Sĩ Giác miêu tả nỗi thống khổ của nhân dân khi thiên tai gì xảy ra: "Đê vỡ nhà trôi nước ngập sâu/ Thôn quê khôn xiết nỗi cơ cầu/ Mùa không, đồng trắng pha màu nước/ Năm đói, người xanh rõ sắc rau"? ba thí sinh trả lời chính xác là "Lũ", riêng Công Thành không có điểm khi đưa ra đáp án "Bão".
Song Công Thành lập tức có tiếng chuông trả lời từ khóa chướng ngại vật và có đáp án chính xác là "Miền Trung". Theo cậu, Đà Nẵng trực thuộc trung ương ở miền Trung; lụt là những gì miền Trung đang trải qua; đồng thời hình ảnh là địa danh của miền Trung và ô trung tâm là bản đồ miền Trung. Với đáp án chính xác này, Công Thành dẫn đầu đoàn leo núi với 170 điểm. Tiếp đó, Trần Đức Trung 120 điểm, Tuấn Linh 90 điểm và Ngô Đức Trung 70 điểm.
Đến phần thi Tăng tốc, Công Thành tiếp tục có phong độ tốt khi trả lời nhanh và chính xác 2/4 câu hỏi để tiếp tục dẫn đầu với 270 điểm. Xếp thứ hai là Trần Đức Trung 220 điểm, Tuấn Linh 210 điểm, Ngô Đức Trung 120 điểm.
Phần thi Về Đích, Công Thành là người chơi đầu tiên, lựa chọn gói câu hỏi 20 - 10 - 10. Cậu trả lời sai hai câu đầu tiên và lần lượt để Trần Đức Trung, Tuấn Linh ghi được điểm; trả lời chính xác câu cuối cùng để về chỗ với 250 điểm.
Trần Đức Trung chọn gói câu hỏi 10 - 10 - 20. Cậu trả lời sai hai câu đầu tiên và lần lượt để Công Thành, Ngô Đức Trung ghi được điểm. Cậu trả lời chính câu cuối cùng chọn ngôi sao hy vọng để về chỗ với 260 điểm bằng Công Thành.
Song cuộc thi trở nên nghẹt thở hơn ở phần thi Về đích của Tuấn Linh. Tuấn Linh chọn gói câu hỏi 20 - 20 - 10 và ngôi sao hy vọng cho câu thứ hai. Câu đầu tiên Công Thành có cơ hội trả lời nhưng bị trừ điểm. Cậu trả lời chính xác hai câu còn lại để về chỗ với vị trí dẫn đầu 270 điểm.
Ngô Đức Trung là người cuối cùng thi Về đích, lựa chọn gói ba câu hỏi có giá trị 30 điểm và ngôi sao hy vọng câu cuối cùng, song chỉ trả lời chính xác câu thứ hai. Câu đầu tiên Trần Đức Trung có cơ hội trả lời nhưng không có điểm. câu cuối cùng Tuấn Linh giành quyền trả lời nhưng không ghi chính xác.
Kết quả chung cuộc, Đặng Tuấn Linh giành vòng nguyệt quế với 255 điểm. Vũ Công Thành (THPT Chu Văn An, Hà Nội) về nhì với 250 điểm. Cùng xếp vị trí thứ ba, Trần Đức Trung (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) 145 điểm; Ngô Đức Trung (THPT Nguyễn Hữu Huân, TP. HCM) 130 điểm.
Câu hỏi cuối cùng trong phần thi về đích của Ngô Đức Trung có nội dung: Theo pháp luật hiện nay, việc phòng chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ, bao gồm những nội dung nào?
Ngô Đức Trung trả lời sai và đây là cơ hội cuối cùng để ba thí sinh còn lại ghi điểm. Tuấn Linh đang tạm dẫn đầu với 270 điểm (còn Công Thành ở vị trí thứ hai với 250 điểm) đã lập tức nhấn chuông dù thực sự không có đáp án mà trả lời vu vơ: ăn tại chỗ, ở tại chỗ, sơ cứu tại chỗ và... học tại chỗ.
Nhưng đây là cách Tuấn Linh loại bỏ khả năng Công Thành có cơ hội giành được quyền trả lời và ghi được điểm.
Cách nhấn chuông chiến thuật không cho đối thủ có cơ hội ghi điểm này của Tuấn Linh từng được nữ quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 Nguyễn Thị Thu Hằng sử dụng trên hành trình leo núi của mình.