Nhân chuyện của hai 'nàng Hậu' Thùy Tiên và Hồng Đăng, các bạn trẻ chia sẻ quan ngại về vấn đề bị quấy rối nơi công cộng

Sau khi Hoa hậu Thùy Tiên và Á hậu Hồng Đăng chia sẻ câu chuyện bị quấy rối ở nơi công cộng, đề tài 'nóng' này được các bạn trẻ sôi nổi thảo luận.

Á hậu Hồng Đăng là nhân vật đầu tiên chia sẻ câu chuyện bị quấy rối của cô trên trang cá nhân. Theo đó, khi cô đang trên đường đi tập gym thì bị một người đàn ông chạy xe máy áp sát và dùng tay sàm sỡ ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Vì sự việc quá nhanh và bất ngờ nên Hồng Đăng không kịp xem được biển số xe của tên biến thái.

Thay vào đó, Hồng Đăng đã đi check nhờ các camera trong khu vực để tìm ra được tên quấy rối. Nhưng sự 'quy trách nhiệm' ngược của những người xung quanh hướng về Hồng Đăng, trong khi cô đang là nạn nhân, khiến cô bức xúc.

Á hậu Hồng Đăng cho biết: "Dù không tủi thân, nhưng mình thấy được tư tưởng “dồn trách nhiệm" cho người bị hại và cũng hiểu sao nhiều người chọn im lặng. Rất nhiều phụ nữ, từ nhỏ đến lớn, bị quấy rối, xâm hại, bạo hành, không chỉ một lần, và phải sống trong sự sợ hãi, xấu hổ, im lặng, trong khi kẻ ác thì nhởn nhơ. Vì họ biết, nhiều khả năng, những cô gái ấy sẽ im lặng. Mình cũng từng là một cô bé im lặng trải qua quấy rối, xâm hại, bạo hành. Nhưng giờ mình đã lớn. Mình có thể chọn khác".

'Nàng Hậu' cũng mạnh mẽ nêu lên cốt lõi của vấn đề: "Mình viết bài này, vì muốn giúp bản thân và người khác vượt qua sự xấu hổ và định kiến ăn sâu trong tiềm thức chung. Mình muốn những người đọc được, có kinh nghiệm, kiến thức để giúp đỡ, ủng hộ những nạn nhân một cách tốt hơn. Mình muốn sẽ có những biện pháp nghiêm khắc hơn đối với những vi phạm quấy rối, hoặc ít ra cũng có nhiều áp lực xã hội hơn lên án những hành vi này".

Sau đó, Hoa hậu Thùy Tiên cũng chia sẻ lại bài viết của Hồng Đăng. 'Nàng Hậu' cho biết, cô từng gặp chuyện tương tự nhưng đã không dám lên tiếng: "Mình cũng đã từng trải qua một việc tương tự như vậy nhưng tệ hơn là mình đã không dám lên tiếng. Hôm đó về, mình đã suy nghĩ rất nhiều và nhận ra rằng, mình bị mấy câu như 'con gái bị đụng chạm là đáng xấu hổ', 'mấy chuyện này bình thường mà có gì đâu' ảnh hưởng thật sự tới tư tưởng của mình. Và nó khiến mình im lặng trong khoảnh khắc đó. Và mình biết, cũng sẽ có nhiều người giống như mình, nên mình chỉ muốn nói là người quấy rối người khác mới là người nên phải xấu hổ. Vì vậy, hãy lên tiếng khi cần nha!".

Chuyện của hai 'nàng Hậu' bị quấy rối nơi công cộng trở thành đề tài được bàn luận trên mạng xã hội. Các bạn trẻ bày tỏ nhiều chia sẻ về việc, từ nạn nhân lại trở thành người 'bị' xấu hổ. Trong khi đó, tệ nạn này hiện giờ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, bất kể tuổi tác hay giới tính. Và việc quấy rối có rất nhiều hành vi, mà tưởng chừng nó rất bình thường, để rồi lại bị cho qua một cách dễ dãi.

Theo Tiến sĩ Xã hội học, Chuyên viên Tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, nguyên nhân khiến các nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục ngại tố giác bởi xuất phát từ tâm lý sợ bị đổ lỗi. Thông thường, đại đa số đổ lỗi cho nạn nhân ăn mặc hở hang, thân hình quyến rũ thì mới bị đối tượng xấu quấy rối. Ngoài ra, chiêu trò ‘ném đá’ trên mạng làm cho nạn nhân cảm thấy xấu hổ, cô độc trong “cuộc chiến” lên tiếng sự sai trái.

Tiến sĩ Xã hội học, Chuyên viên Tâm lý Phạm Thị Thúy.

Tiến sĩ Xã hội học, Chuyên viên Tâm lý Phạm Thị Thúy.

Nguyên nhân tiếp theo, định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội. Một số người còn có định kiến tiêu cực về nữ giới rằng, “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Định kiến giới cũng áp đặt phụ nữ ăn mặc theo tiêu chuẩn kín đáo mới là phải phép, còn ăn mặc hở hang là “đòn bẫy” cho đối tượng xấu giở trò quấy rối. Nhưng thực tế, họ dường như quên rằng, kẻ quấy rối mới là tội phạm.

Ngoài ra, nạn nhân sợ bị trả thù. Kẻ quấy rối thường lấy điểm yếu nạn nhân để hăm dọa. Một điều nữa, nạn nhân khi bị xâm hại hay quấy rối, thường rất khó có đủ bằng chứng để tố cáo. Mặc dù quy định pháp luật rất nghiêm ngặt nhưng thực tế, nạn nhân cảm thấy cô độc, không tìm được "đồng minh" hỗ trợ. Xu hướng đổ lỗi liên quan đến định kiến văn hóa hay giới tính làm cho vấn đề quấy rối tình dục trở thành câu chuyện nhạy cảm. Nạn nhân hay chính người thân trong gia đình thường lựa chọn phương án giấu giếm, ngại tố giác đối tượng xấu để tránh đẩy câu chuyện đi quá xa theo hướng “đẹp khoe, xấu che”, vì sợ ảnh hưởng đến thể diện.

Cô bạn B. T. kể lại, trong một lần đi cùng bạn bè vào trung tâm thương mại, khi bước vào thang máy thì cảm thấy có một người đàn ông nhìn chăm chăm vào mình. Khi cô bạn hướng ánh nhìn vào người đàn ông đó thì hắn không mảy may ngại mà còn cười đáp trả.

Không chỉ có các bạn nữ, cậu bạn T.H nhớ lại lần đi bơi ám ảnh: "Hôm đó, mình đi tập bơi trước khi bước vào bài thi giáo dục thể chất. Mình chọn đi giờ tầm trưa chiều cho vắng người để thoải mái bơi. Sau đó, có một người đàn ông cứ bơi sát đến chỗ mình, dù mình liên tục né ra. Lúc đó, mình cảm thấy khó chịu và muốn báo nhân viên cứu hộ nhưng lại thấy rất ngại nên lên bờ và đi về cho xong chuyện".

TS Phạm Thị Thúy chia sẻ vài 'típ' nhỏ để các bạn trẻ có thể chủ động bảo vệ bản thân. Về mặt giải pháp chung, chúng ta cần truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người về quấy rối tình dục, hiểu đúng và lên án hành vi quấy rối tình dục. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông giáo dục xóa bỏ định kiến giới, bảo vệ quyền phụ nữ.

Mặc khác, mỗi chúng ta phải biết cách bảo vệ bản thân. Cụ thể, khi đi công tác hay du lịch, bạn không nên một mình đi vào những nơi vắng vẻ, thiếu an toàn. Bạn cũng cần cảnh giác với đối tượng lạ mặt có hành vi sàm sỡ bằng ánh mắt, cử chỉ… nhạy cảm. Bạn cũng cẩn thận với những người quen biết như đồng nghiệp, sếp, người yêu… có dấu hiệu quấy rối.

Trong trường hợp bị quấy rối thì bản thân phải bình tĩnh, tự tin nói 'không': “Tôi không chấp nhận hành động đó của anh. Anh đang quấy rối tôi và tôi sẽ tố cáo anh”. Khi bạn tự tin lên tiếng thì kẻ xấu mới sợ hãi và dừng lại. Trong trường hợp, đối tượng xấu vẫn tiếp tục hành vi thiếu đúng đắn thì bạn cần trang bị các biện pháp ứng phó kịp thời như: Thế võ phòng thân, bình xịt hơi cay, tìm cách thoát thân nhanh nhất. Hoặc bạn sử dụng cuộc gọi khẩn cấp để cầu cứu người thân, nhanh chóng ghi âm, ghi hình lại hành vi sai trái để làm bằng chứng tố giác đối tượng xấu với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.

Theo Luật sư Huỳnh Như (Đoàn Luật sư TP. HCM), hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về hành vi "quấy rối tình dục". Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 để xác định nội hàm chung nhất về khái niệm này. Theo khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được hiểu là: "Hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận…".

Hành vi mang tính chất tình dục có thể được hiểu là các hành vi như sau:

Hành vi thể chất: Các cử chỉ, tiếp xúc, tác động lên cơ thể có tính chất tình dục hoặc mang hàm ý gợi dục.

Hành vi bằng lời nói: Những phát ngôn có nội dung hoặc hàm ý tình dục, được truyền đạt trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử.

Hành vi phi lời nói: Ngôn ngữ cơ thể, hiển thị hình ảnh, tài liệu có nội dung tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục, bao gồm cả việc truyền tải qua phương tiện điện tử.

(Tham khảo Nghị định 145/2020/NĐ-CP)

Mọi cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm - điều này được nhấn mạnh tại Khoản 1, Điều 20, Hiến pháp 2013 và Khoản 1, Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015, do đó, hành vi quấy rối tình dục không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, người có hành vi quấy rối tình dục có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo điểm D, khoản 5 và điểm C, khoản 14, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi quấy rối tình dục được xem là vi phạm quy định về trật tự công cộng, với mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Buộc xin lỗi công khai nạn nhân (trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu).

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu hành vi quấy rối tình dục xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 – Tội làm nhục người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tùy mức độ mà có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

Bình Nguyễn - Thuận Tùng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhan-chuyen-cua-hai-nang-hau-thuy-tien-va-hong-dang-cac-ban-tre-chia-se-quan-ngai-ve-van-de-bi-quay-roi-noi-cong-cong-post1719541.tpo