Nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, ngân hàng được nới room ngoại lên 49%

Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phẩn sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó 2 ngân hàng có đề xuất được nới room ngoại lên 49%.

Vietcombank, MB, HDBank và VPBank đang có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Vietcombank, MB, HDBank và VPBank đang có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Đây là nội dung đưa ra trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Dự thảo bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 như sau: Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định trên phù hợp với điểm đ khoản 1 Điều 151e Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định quyền của bên nhận chuyển giao “được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Ngoài ra, quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính (khi thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn chủ sở hữu), nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ.., tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho tổ chức tín dụng được chuyển giao, góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội.

Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phẩn sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Với phương án điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30%, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao sẽ có 2 ngân hàng thương mại cổ phẩn (chiếm 3,13% tổng số ngân hàng thương mại cổ phẩn Việt Nam; 6,59% tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phẩn Việt Nam; chiếm 5,26% thị phần huy động và 5,49% thị phần cho vay đối với thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) của toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phẩn Việt Nam tại thời điểm 30/6/2022).

Qua số liệu nêu trên, việc chấp thuận cho các ngân hàng thương mại cổ phẩn nhận chuyển giao tăng vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ và không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng sẽ ảnh hưởng không quá lớn đối với toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phẩn Việt Nam cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Từ các lý do nêu trên, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, việc cho phép tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao từ 30% lên 49% sẽ góp phần, tạo điều kiện thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội, không ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ ngân hàng.

Ngoài ra, Nghị định chỉ quy định cho phép điều chỉnh tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao; nhưng về điều kiện, trình tự, thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao thực hiện như các tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, điều kiện để các tổ chức nước ngoài mua cổ phần để có mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tương tự như các tổ chức tín dụng khác, đó là tổ chức nước ngoài đó phải được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định trở lên; có nguồn lực tài chính đủ mạnh; việc mua cổ phần không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam…

Việc mua, bán cổ phần của cổ đông lớn (từ 5% vốn điều lệ trở lên) phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay, chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, chưa nên mở rộng ra tất cả các tổ chức tín dụng.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhan-chuyen-giao-bat-buoc-to-chuc-tin-dung-yeu-kem-ngan-hang-duoc-noi-room-ngoai-len-49-d186440.html