Nhân dân huyện Lương Sơn đồng thuận cao với phương án sáp nhập đơn vị hành chính
Ngày 22/4, các khu dân cư trên địa bàn huyện Lương Sơn đã đồng loạt tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về phương án sáp nhập 3 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, cùng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Ghi nhận tại nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện, công tác lấy ý kiến Nhân dân diễn ra công khai, minh bạch, thể hiện trách nhiệm và sự đồng thuận cao.
Ngày 22/4, các khu dân cư trên địa bàn huyện Lương Sơn đã đồng loạt tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về phương án sáp nhập 3 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, cùng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Ghi nhận tại nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện, công tác lấy ý kiến Nhân dân diễn ra công khai, minh bạch, thể hiện trách nhiệm và sự đồng thuận cao.

Người dân thôn Cột Bài, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn bỏ phiếu cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Huyện Lương Sơn có diện tích tự nhiên 364,827 km2, dân số 114.000 người, người dân tộc thiểu số chiếm 71,03%. Hiện huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã (10 xã, 1 thị trấn). Theo phương án sáp nhập, huyện sẽ thành lập 3 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương 72,7%.
Cụ thể, thành lập xã Lương Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 5 đơn vị hành chính cấp xã gồm: thị trấn Lương Sơn, xã Hòa Sơn, xã Lâm Sơn, xã Tân Vinh, xã Nhuận Trạch và một phần xã Cao Sơn (xã Trường Sơn cũ). Sau khi sáp nhập, xã Lương Sơn có diện tích tự nhiên 122,142 km2 (đạt trên 122% so với tiêu chuẩn), dân số 45.522 người (đạt 1.820% so với tiêu chuẩn). Nơi làm việc của xã Lương Sơn được đặt tại trụ sở UBND huyện Lương Sơn hiện nay.
Thành lập xã Cao Dương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm: xã Thanh Sơn, xã Thanh Cao, xã Cao Dương. Xã Cao Dương mới có diện tích tự nhiên 113,373 km2 (đạt 113,37% so với tiêu chuẩn), dân số 36.783 người (đạt 1.267% so với tiêu chuẩn). Trụ sở làm việc của xã Cao Dương mới được đặt tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã Thanh Cao hiện nay.
Thành lập xã Cư Yên trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 3 xã gồm: xã Cao Sơn (xã Cao Răm và xã Hợp Hòa cũ), xã Liên Sơn, xã Cư Yên. Đơn vị hành chính xã Cư Yên mới có diện tích tự nhiên 120,209 km2 (đạt 120% so với tiêu chuẩn), dân số 31.695 người (đạt 1.267% so với tiêu chuẩn). Trụ sở làm việc của xã Cư Yên mới được đặt tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã Cư Yên hiện nay.
Theo phòng Nội vụ huyện Lương Sơn, ngay sau hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lương Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn niêm yết công khai phương án sáp nhập tại nhà văn hóa các khu dân cư. Chỉ đạo Ban Công tác mặt trận các khu dân cư xây dựng bản tin thông báo đến toàn thể nhân dân phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, đảm bảo tất cả người dân đều nắm rõ chủ trương, thông tin. UBND huyện cũng đã hướng dẫn cụ thể quy trình, cách thức lấy ý kiến nhân dân đồng thời cả phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Ngày 22/4, huyện Lương Sơn đã đồng loạt tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Ghi nhận tại nhiều điểm lấy phiếu trên địa bàn huyện cho thấy, công tác tổ chức được triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch theo đúng trình tự quy định. Không khí đồng thuận lan tỏa tại nhiều khu dân cư.
Chị Đinh Thị Điều, Trưởng thôn Cột Bài, xã Cao Sơn cho biết: Theo phương án sáp nhập, xã Cao Sơn chia tách làm hai để sáp nhập vào hai đơn vị cấp xã khác nhau. Đây cũng là lần thứ hai, xã Cao Sơn sáp nhập. Tuy nhiên, người dân tại xóm Cột Bài rất đồng tình, ủng hộ chủ trương sáp nhập của Đảng, Nhà nước. 98% người dân đã bỏ phiếu đồng thuận với 2 phương án. Chúng tôi cũng thấy rằng, phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Lương Sơn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương có không gian phát triển.
Cùng suy nghĩ như chị Điều, cô giáo Bùi Thị Phượng hiện nay sinh sống ở tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn cho biết: Ngay đầu giờ sáng, khi khu dân cư tổ chức họp quán triệt và phát phiếu, tôi đã nghiên cứu kỹ rồi bỏ phiếu đồng thuận với phương án sáp nhập. Tôi thấy rằng, phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được triển khai nhanh chóng, cấp bách nhưng đã được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, khoa học. Đặc biệt, các tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập đã kế thừa được lịch sử, truyền thống của vùng miền, địa phương.
Đồng thuận cao với phương án sáp nhập 3 tỉnh, ông Bạch Minh Văn, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Thanh Cao chia sẻ: Ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc có nhiều điểm tương đồng, nhưng mỗi tỉnh đều có những tiềm năng, lợi thế riêng. Việc sáp nhập 3 tỉnh sẽ tạo cơ hội để phát huy tổng thể các tiềm năng, lợi thế hiện có. Mong rằng, sau khi sáp nhập, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân vùng sâu, vùng xa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Với việc tổ chức khẩn trương, nghiêm túc, công tác lấy ý kiến Nhân dân huyện Lương Sơn về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đã hoàn thành theo đúng quy định, không có khó khăn, vướng mắc. Những là phiếu đã thể hiện sự đồng thuận cao với các phương án. Người dân kỳ vọng không gian phát triển mới sẽ tạo đà để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đời sống người dân được nâng lên.