Nhân dân huyện Mê Linh chung sức hướng về miền Trung ruột thịt
Với mong muốn góp một phần sức lực cùng cả nước chung tay hướng về miền Trung, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Sao Nam Việt đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh kêu gọi ủng hộ của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh. Theo đó, nhiều chuyến hàng bao gồm quần áo, nhu yếu phẩm đã được gửi tới người dân các tỉnh miền Trung ngay khi bão lũ xảy ra.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư và Phát triển Sao Nam Việt cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch và may đo đồng phục học sinh. Đợt dịch Covid -19 vừa qua, ngành du lịch bị ảnh hưởng rất lớn và công ty cũng chịu thiệt hại không nhỏ, tuy nhiên, nhờ hoạt động may đo đồng phục vẫn diễn ra bình thường nên công ty vẫn đảm bảo các chế độ cho người lao động.
Không chỉ chăm lo tốt cho người lao động trong công ty, bà Ngân cũng là người yêu thích công việc thiện nguyện. Với tư cách cá nhân, bà đã tham gia thiện nguyện nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, do đó, khi thấy người dân miền Trung gặp khó khăn, bà không thể lặng yên đứng nhìn. Đặc biệt, khi được các hướng dẫn viên ở khu vực miền Trung thông tin tình hình của miền Trung khi cơn bão đổ về, bà Ngân càng thêm trăn trở và quyết phải làm điều gì đó giúp đỡ miền Trung ruột thịt.
Với vai trò là một công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh,Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Sao Nam Việt Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề xuất với Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với công ty kêu gọi ủng hộ từ các công đoàn cơ sở, các đơn vị doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân trên địa bàn huyện.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chỉ 2 ngày sau khi lũ về, những chuyến xe thiện nguyện đã bắt đầu lăn bánh để chở hàng cứu trợ về các tỉnh miền Trung. Xác định các tỉnh Quảng Trị; Quảng Bình là những nơi chịu thiệt hại nặng nề, các chuyến xe đến các tỉnh này cũng được công ty tăng cường. Với kinh nghiệm làm công tác thiện nguyện lâu năm, thông qua các hướng dẫn viên trải dọc các tỉnh miền Trung, bà Ngân xác định những vật dụng mà người dân thực sự cần, tiếp đó, bà cùng mọi người phân loại hàng hóa để gửi sao cho sát với nhu cầu của người dân.
Trong quá trình thực hiện cứu trợ, Công ty cũng gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nhân sự. “Hiện tại, côn ty chỉ có khoảng 10 nhân viên làm hành chính, do đó, khi xe về nửa đêm, cả giám đốc và nhân viên đều phải bốc hàng lên xe, tuy mệt nhưng mọi người trong công ty ai nấy đều cố gắng hết mình.”- bà Ngân chia sẻ.
Với vai trò bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, những năm qua, Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội giao phó. Ngay sau khi nhận được đề xuất từ phía Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư và Phát triển Sao Nam Việt, Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh đã tích cực vào cuộc vận động các công đoàn cơ sở và doanh nghiệp.
Chia sẻ về quá trình phát động ủng hộ đồng bào miền Trung tới các công đoàn cơ sở, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh Trần Thị Ngọc Dung cho biết, ngay từ đầu khi nhận được phát động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Mê Linh, Liên đoàn Lao động huyện đã kêu gọi các công đoàn cơ sở ủng hộ tiền mặt về Mặt trận Tổ quốc huyện.
Theo đó, khi Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Sao Nam Việt phát động ủng hộ vật phẩm, rất nhiều tập thể, cá nhân đã phát huy tinh thần “tương thân tương ái” bằng việc ủng hộ các nhu yếu phẩm thiết yếu như mỳ tôm; dầu ăn; sữa tươi… cùng quần áo cũ, mới, giày dép, đồ dùng học tập. Toàn bộ hàng hóa được tập kết tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Sao Nam Việt để theo các chuyến xe di chuyển vào miền Trung cứu trợ cho người dân.
Thông qua hoạt động ý nghĩa trên, Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Sao Nam Việt mong muốn sẻ chia khó khăn với đồng bào miền Trung. Cùng đó, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong nhân dân huyện Mê Linh để từ đó giúp người dân các tỉnh miền Trung sớm ổn định cuộc sống, lấy lại những gì đã mất sau khi lũ đi qua.