Nhân dân quan tâm vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất trong Luật Đất đai (sửa đổi)
Đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều người cho rằng một số nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất… chưa bám sát thực tế. Trong khi thực tế cho thấy, thu hồi đất là vấn đề phức tạp hay xảy ra những kiếu nại, khiếu kiện kéo dài khó giải quyết.
Trong Luật Đất đai (sửa đổi), giá đất là một trong những nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân. Vì nếu khơi thông được quy định này thì những vấn đề khác cũng sẽ được xử lý, từ đền bù giải phóng mặt bằng đến hỗ trợ tái định cư…
Ông Nguyễn Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Mô cho biết: Những năm gần đây xã Yên Lâm đã triển khai nhiều dự án cần phải giải phóng mặt bằng, bồi thường khi thu hồi đất của người dân. Mặc dù sau khi thuyết phục, giải thích vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội, người dân cơ bản ủng hộ chủ trương. Tuy nhiên thực tế người dân vẫn rất băn khoăn và chưa thực sự thoải mái do đơn giá bồi thường thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.
Tại xã Yên Lâm, nếu 1 gia đình có 1.000 m2 chuyển cho Nhà nước làm các công trình, dự án thì giá đền bù hiện nay chỉ được hơn 200 triệu đồng. Nhưng đất đó sau khi quy hoạch và đem đấu giá giá trị quyền sử dụng đất, dãy trong đã có giá từ 6-8 triệu đồng/m2 và đất bám mặt đường có giá trên 10 triệu đồng/m2. Như vậy người dân có thể chuyển cho Nhà nước 1.000 m2 đất nhưng không thể mua 100 m2 đất để cho con cái tách hộ.
Trong khi đó nhu cầu nhà ở của người dân xã Yên Lâm rất cấp thiết. Hiện toàn xã có tới 300 nhà có từ 2-4 hộ sống chung với nhau. Nếu như áp khung giá hiện hành, những hộ nghèo, hộ trung bình không thể có điều kiện để tham gia đấu giá đất với mức thấp nhất, chứ chưa nói đến việc mua đất trên thị trường. Vì thế, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá đã bắt nhịp với tình hình thực tế, khắc phục những bất cập trước đây khi bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Việc định giá đất sát với giá thị trường sẽ đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 3 bên (người dân, Nhà nước và nhà đầu tư). Tuy nhiên Luật cần quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về nội dung này.
Xã Yên Lâm chuẩn bị triển khai thu hồi đất để thực hiện dự án khu dân cư đồng bộ có diện tích trên 10 ha.
"Tại Khoản 2, Điều 153 có quy định: "Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều này được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác". Theo tôi Luật cần chỉ rõ cụm từ "trong một khoảng thời gian nhất định" là bao lâu (có thể xác định rõ mốc thời gian như 1 tuần, 1 tháng, 1 quý…)." - ông Nguyễn Văn Lịch nói.
Thu hồi đất thường gắn với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Dự thảo Luật cần thể chế hóa rõ hơn một số quy định từ Điều 89 đến Điều 110. "Tại Điều 89, nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Theo tôi dự thảo Luật cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là "tốt hơn nơi ở cũ", cần tính đến tính chất công việc của người bị thu hồi, trượt giá, tạo việc làm sau thu hồi... Cùng với đó, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất và thực hiện một cách công khai có giám sát thực hiện đúng quy định về giá, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi. Đồng thời, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Vấn đề tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng kéo dài dễ trở thành điểm nóng cho các đối tượng thù địch lợi dụng các quyền tự do dân chủ để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước" - Bà Hà Thị Kim Liên, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Ninh Bình nêu ý kiến.
Vấn đề lập, thẩm định, phê duyệt phương án tái định cư cũng được nhân dân quan tâm. Ông Bùi Đức Trí, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Mô cho rằng: Khoản 3, Điều 85 quy định "Đối với trường hợp thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải xác định quỹ đất bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất trong khu vực dự án và phải thống nhất với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất". Điều này chưa phù hợp với Khoản 2, Điều 78 quy định thu hồi đất thực hiện dự án, công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là thu hồi đất đối với các dự án như dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải đất ở, dự án khu vực nông thôn không sử dụng đất ở. Đối với các dự án không sử dụng đất ở, trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa cần phải xác định quỹ đất để tái định cư cũng như bồi thường quỹ đất trong thực hiện dự án.
Tại Khoản 4, Điều 85 cũng quy định đối với trường hợp có đất bị thu hồi nhưng qua quá trình vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Vấn đề này cần quy định cụ thể số lượng, thời gian tuyên truyền thuyết phục để thống nhất, đảm bảo công tác thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch để dự án thực hiện đúng tiến độ.
Ngày 15/3, việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc. Hiện những ý kiến tâm huyết của nhân dân đang được các đơn vị, địa phương tiếp thu và tổng hợp để cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để đất nước ngày càng phát triển.