Nhân dân trở thành người làm chủ đất nước
75 năm trước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và giành thắng lợi.
Theo ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, từ nghiên cứu lịch sử càng thấy rõ, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đặc biệt nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình.
* Từ thân phận nô lệ…
Sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam về mặt quân sự đã bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung một cách quy mô.
Thực dân Pháp và bè lũ phong kiến tay sai trắng trợn cướp đoạt ruộng đất của nông dân để lập đồn điền, áp dụng chế độ phát canh thu tô đối với tá điền; chính sách sưu cao, thuế nặng; cộng với tình trạng vỡ đê, lũ lụt xảy ra liên miên khiến cho người nông dân Việt Nam bị bần cùng hóa.
Trong sách Đại cương Lịch sử Việt Nam (tập II) của NXB Giáo dục viết: “Một số bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất phải tự đến hầm mỏ, xí nghiệp kiếm công việc làm, hoặc theo bọn cai thầu mộ phu mới có việc làm. Một số khác là “công nhân theo mùa” - còn ít ruộng đất, tranh thủ những ngày nông nhàn ra hầm mỏ làm thuê kiếm thêm ít đồng lương để bổ sung cho thu hoạch nông nghiệp vốn rất thấp kém. Số khác là những “phu” hay công nhân bị cưỡng bức… để làm đường sắt, đường bộ, công sở…”.
Theo ThS Trần Quang Toại, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, mặc dù thực dân Pháp là một nước thắng trận song cũng chịu những tổn thất hết sức nặng nề về kinh tế và tài chính. Để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, chính quyền Pháp tăng cường khai thác thuộc địa. Giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ này chiếm tới 90% dân số. Họ bị bóc lột nặng nề. Một bộ phận nông dân bị bần cùng hóa phải bỏ quê ra các thành thị, hầm mỏ để tìm việc, song phần đông phải quay về vì không tìm được việc... Điều kiện sống và lao động của giai cấp công nhân rất cực khổ, họ phải làm việc 10 tiếng/ngày, cá biệt
12-14 tiếng, thậm chí là 16 tiếng/ngày với đồng lương rẻ mạt.
Đặc biệt, sau khi thực dân Pháp đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật thì nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Đáng nói ở chỗ, Nhật không chỉ mượn tay Pháp để đàn áp phong trào cách mạng; vơ vét, bóc lột sức người, sức của ở Đông Dương mà còn thẳng tay cướp ruộng đất của nông dân để xây dựng trại lính, bắt nông dân nhổ lúa, ngô, khoai để trồng đay, thầu dầu phục vụ cho nhu cầu chiến tranh, đẩy nhân dân ta lâm vào cảnh đói khổ, lầm than.
* Trở thành người làm chủ
Trước chính sách vơ vét của Pháp - Nhật cộng với tình trạng mất mùa diễn ra vào năm 1944 đã dẫn đến nạn đói làm chết gần 2 triệu đồng bào vào đầu năm 1945. Trước tình thế này, Đảng đã đề ra khẩu hiệu: Phá kho thóc, giải quyết nạn đói và coi đó là nhiệm vụ trung tâm để phát động quần chúng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Khẩu hiệu ấy đáp ứng được nguyện vọng cấp bách của nhân dân nên đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh và khởi nghĩa trong nhân dân.
Ngày 13-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh; Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã công bố mệnh lệnh khởi nghĩa. Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa, quần chúng nhân dân đồng loạt nổi dậy. Chỉ trong 2 tuần lễ, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn. Chế độ thuộc địa và chế độ quân chủ chuyên chế bị lật nhào, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, bị áp bức bóc lột, nhờ có cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã trở thành người tự do, trở thành người làm chủ.
ThS Trần Quang Toại chia sẻ, nhân dân trở thành người làm chủ được thể hiện ngay trong các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời tập trung củng cố và tăng cường sức mạnh của bộ máy chính quyền từ trung ương đến cơ sở làm cho chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân; ban hành các sắc lệnh, dự án luật và đặc biệt là Hiến pháp đầu tiên nhằm bảo vệ quyền dân chủ của mọi công dân… Hiến pháp khẳng định: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện, chính trị, kinh tế, văn hóa; đều được bình đẳng trước pháp luật, được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình; đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do cư trú, tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài…”.
Quyền làm chủ của nhân dân còn được thể hiện ngay trong sự kiện Tổng tuyển cử trong cả nước diễn ra vào ngày 6-1-1946. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân Việt Nam đã được quyền bỏ lá phiếu của mình để lựa chọn ra 333 đại biểu xứng đáng thay mặt cho mình gánh vác việc nước.
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặc biệt quan tâm đến đời sống nhân dân. Chính phủ đã nhanh chóng có những biện pháp chống “giặc đói”; tịch thu ruộng đất của Việt gian và đế quốc chia cho nông dân nghèo thiếu ruộng. Giai cấp công nhân được hưởng chế độ lao động ngày làm 8 giờ, được quyền học chính trị và quân sự. Từ một dân tộc có 90% đồng bào mù chữ, nhưng chỉ sau một năm thực hiện chiến dịch chống nạn mù chữ đã có 2,5 triệu người biết đọc, biết viết… góp phần đặt nền móng vững chắc, tạo dựng sức mạnh to lớn của dân tộc để chiến đấu và chiến thắng thù trong giặc ngoài, từng bước đưa đất nước bước qua giai đoạn khó khăn.