Nhân dân vùng mía đường Lam Sơn nhớ mãi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Đi trên con đường được trải nhựa phẳng lỳ, hai bên là những đồi mía xanh biếc, ngút ngàn, đó là khung cảnh ấn tượng khi chúng tôi trở lại vùng mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa. Bà con nhân dân nơi đây vinh dự được 4 lần đón nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm.

Tiếp chúng tôi, người "thuyền trưởng” của vùng mía đường Lam Sơn - Anh hùng lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (trước đây là Nhà máy Đường Lam Sơn) bồi hồi xúc động kể lại những ân tình của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với nông dân trồng mía. “Mấy ngày nay, Bà con nhân dân thường xuyên liên lạc vào công ty, tỏ lòng tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Có người đề nghị công ty tạo điều kiện phương tiện để bà con và công nhân được ra Hà Nội tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lần cuối. Họ coi đó là nén tâm nhang, tỏ lòng thành kính, tri ân những đóng góp của nguyên Tổng Bí thư đối sự phát triển, đổi mới của địa phương…”, ông Tam tâm sự.

 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tìm hiểu tình hình sản xuất trong một lần về thăm Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn. Ảnh tư liệu

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tìm hiểu tình hình sản xuất trong một lần về thăm Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn. Ảnh tư liệu

Năm nay đã 84 tuổi, nhưng ông Lê Văn Tam vẫn nhớ như in những lần nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm công ty và vùng mía đường Lam Sơn. Ấn tượng sâu đậm nhất của ông về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đó là một vị lãnh đạo giản dị, gần gũi, chân tình, sâu sát cơ sở và rất quan tâm đến đời sống nhân dân.

Anh hùng lao động Lê Văn Tam kể: Năm 1994, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm vùng mía Lam Sơn, khi nhà máy đang vào vụ ép. Dọc đường đi, ngồi trên xe thấy bà con nông dân đang thu hoạch mía ven đường, ông nói: "Dừng xe lại để tớ xuống thăm bà con". Qua hỏi thăm bà con, biết được thu nhập của bà con còn thấp, nguyên Tổng Bí thư nhắc nhở ông Tam phải làm sao để tăng giá mía cho bà con. Bên cạnh đó, phải cải tiến công nghệ máy móc giúp cho việc thu hoạch mía của bà con bớt nặng nhọc. Nguyên Tổng Bí thư căn dặn bà con nông dân cần tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm để cây mía là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo, cây làm giàu cho nông dân trên chính vùng đất quê hương.

 Anh hùng lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn phấn khởi khi nhắc đến mô hình liên kết 3 nhà “Nhà máy - nhà nông - nhà trí thức”.

Anh hùng lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn phấn khởi khi nhắc đến mô hình liên kết 3 nhà “Nhà máy - nhà nông - nhà trí thức”.

"Sau khi trò chuyện với nông dân trồng mía, trên xe trở về nhà máy, nguyên Tổng Bí thư đã căn dặn tôi phải nỗ lực, cố gắng đổi mới phương thức quản lý, sản xuất kinh doanh để giữ và phát triển hiệu quả mô hình liên kết các nhà “Nhà máy - nhà nông - nhà trí thức”, đưa Nhà máy Đường Lam Sơn thành đơn vị dẫn đầu ngành mía đường trong cả nước", ông Tam kể.

Khi còn công tác, hay đã nghỉ hưu, mỗi lần về với nhân dân vùng mía đường Lam Sơn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Nguyên Tổng Bí thư còn căn dặn ban lãnh đạo nhà máy phải tạo điều kiện tốt nhất để thanh thiếu niên được học tập, công nhân được đào tạo cơ bản để làm chủ công nghệ của ngành mía đường; ông luôn ân cần hỏi thăm từng cán bộ, công nhân về điều kiện sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt.

 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn. Ảnh tư liệu

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn. Ảnh tư liệu

Với Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, những lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về áp dụng mô hình liên kết Công - Nông - Trí thức trong sản xuất kinh doanh mía đường đã trở thành động lực, sự cổ vũ, động viên mạnh mẽ, để ông chèo lái Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn vượt quá khó khăn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động, khẳng định thương hiệu, là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành mía đường như hiện nay. Năm 2020, doanh thu công ty đã đạt hơn 2.000 tỷ đồng. "Hướng thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng Công ty thành tập đoàn kinh tế công, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch mang tầm cỡ của đất nước. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất giúp công ty khẳng định chỗ đứng trên thị trường, giữ vững danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” - ông Tam cho biết...

Bài và ảnh: XUÂN DŨNG - KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhan-dan-vung-mia-duong-lam-son-nho-mai-nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-631531