Nhận dạng mống mắt được đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét khi đưa vào Luật Căn cước

Theo dự thảo Luật Căn cước, sẽ có hàng loạt loại thông tin cá nhân được tích hợp trong cơ sở dữ liệu căn cước. Và theo góp ý của đại biểu Quốc hội, cần cân nhắc việc nên hay không nên tích hợp một số thông tin.

Đề xuất cân nhắc bỏ thu nhận thông tin nhận dạng mống mắt

Sáng 25/10, thảo luận trước nghị trường, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước, cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo Luật này…

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh quochoi

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh quochoi

Điều 16 quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm:

1. Thông tin quy định tại Điều 10 của Luật này (23 tiêu chí thông tin cá nhân)

2. Đặc điểm nhân dạng.

3. Thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói và các thông tin sinh trắc học khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

4. Họ, tên gọi khác.

5. Nghề nghiệp, trừ lực lượng vũ trang.

6. Trình độ học vấn.

7. Ngày, tháng, năm công dân thông báo mất Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

8. Thông tin tài khoản định danh điện tử (có hoặc không có).

9. Thông tin về người gốc Việt Nam được thu thập, cập nhật riêng vào Cơ sở dữ liệu căn cước do Chính phủ quy định.

Công nghệ nhận dạng mống mắt được nhiều nước tiên tiến áp dụng.

Công nghệ nhận dạng mống mắt được nhiều nước tiên tiến áp dụng.

Nhận dạng mống mắt là gì?

Nhận dạng mống mắt phương pháp sinh trắc học giúp nhận dạng một người nào đó dựa trên mống mắt bao quanh đồng tử. Cơ sở của hoạt động nhận dạng này chính là việc mỗi mống mắt trên một cá thể là duy nhất và hoàn toàn không bị trùng lặp giữa người này và người khác.

Công nghệ nhận dạng mống mắt hay còn được gọi là công nghệ cảm biến mống mắt. Quá trình nhận diện mống mắt được thực hiện bởi một loại camera kỹ thuật số chuyên dụng. Thiết bị này chiếu bước sóng nhìn thấy được và tia cận hồng ngoại vào mắt để chụp lại các chi tiết và cấu trúc phức tạp của mống mắt.

Nhận dạng mống mắt thực hiện được khi người dùng sử dụng kính áp tròng, kính cận và trong điều kiện môi trường ít ánh sáng.

Nhận dạng mống mắt là một trong những hình thức xác thực sinh trắc học chính xác nhất; Khi thực hiện nhận dạng thì không yêu cầu người dùng phải tiếp xúc trực tiếp với thiết bị nhận dạng.

Vì các ưu điểm nêu trên nên nhận dạng mống mắt đang dần thống trị trong các sản phẩm công nghệ cao dùng cho cá nhân.

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhan-dang-mong-mat-duoc-dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-xem-xet-khi-dua-vao-luat-can-cuoc-172231025150533592.htm